Những con người giàu sáng kiến

Những con người giàu sáng kiến

LTS: Tối 19-8-2011, giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 11 do Báo SGGP và Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức sẽ được trao cho 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ mới. Bắt đầu từ số báo này, Báo SGGP sẽ giới thiệu một số gương mặt điển hình được đề nghị trao tặng giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay.

  • Nguyễn Ngọc Linh: Từ anh nuôi heo đến thợ cơ khí bậc cao

Trong số các cá nhân đạt giải thưởng Tôn Đức Thắng lần này Nguyễn Ngọc Linh, Tổ trưởng Tổ cơ khí - đúc nhựa Công ty Thí nghiệm điện miền Nam là người có quá trình công tác khá đặc biệt. Sau ngày giải phóng miền Nam, anh tiếp tục học hết tú tài, sau đó đi làm công nhân bốc xếp, thợ mộc, nuôi cá... Sau đó đi học lớp chăn nuôi và về nuôi heo. Đến năm 1990, anh đi xuất khẩu lao động tại Bungaria và được học nghề tiện. Do Đông Âu sụp đổ nên anh phải về nước trước thời hạn và xin làm thợ cơ khí tại Công ty Thí nghiệm điện miền Nam. Là công nhân trực tiếp sản xuất, anh thấy khi trám trét các mối nối của khuôn bằng nhựa, nhựa trào ra khuôn làm sản phẩm có những vết lõm vừa xấu, vừa dễ xảy ra sự cố phóng điện bề mặt thiết bị.

Anh nghĩ tại sao giữa các mối nối khuôn đúc không làm bằng cao su để nhựa không chảy vào khuôn đúc sản phẩm. Anh đề đạt lên cấp trên và được chấp thuận. Kết quả thật bất ngờ, không còn hiện tượng chảy nhựa ở khuôn đúc. Sáng kiến này không chỉ làm lợi được 60 triệu đồng tiền nhựa/năm mà chất lượng sản phẩm được tăng lên rõ rệt.

Năm 2009, anh Linh liên tục có những sáng kiến mang lại hàng trăm triệu đồng/năm. Đó là sáng kiến thay hỗn hợp nhựa đúc Epoxy được làm bằng chất độn Silica với tính năng ưu việt như: độ bền cơ lý cao, tính cách điện tốt, độ bền khí hậu cao nhờ có tính chống ẩm, chống thấm, giảm được tác hại do tia UV. Sáng kiến này đã làm lợi cho công ty gần 140 triệu đồng/năm.

Từ thực tế, anh đã mày mò nghiên cứu chế tạo thành công bộ khuấy trục vít theo mô hình cánh khuấy mỏ nhằm loại bỏ hiện tượng bọt khí làm rỗ sản phẩm… Trong khi đó nếu mua bộ phận này từ nước ngoài phải mất ít nhất 200 triệu đồng. Bên cạnh 7 sáng kiến của cá nhân làm lợi cho công ty gần 2 tỷ đồng/năm, anh còn là đồng tác giả của 2 sáng kiến khác làm lợi công ty trên 19 tỷ đồng.

Khi được hỏi về động lực, anh chỉ nói: “Là công nhân cơ khí với 21 năm trong nghề, tuy không được đào tạo qua trường lớp nhưng bằng những kinh nghiệm thực tiễn đã cho mình những ý tưởng mới. Làm lợi cho công ty cũng chính là làm lợi cho bản thân, công ty làm ăn nên thì thu nhập và đời sống cán bộ công nhân tốt hơn”.

  • Đỗ Thanh Tuấn: Trăn trở máy quấn cuồn

Kinh tế phát triển, sản phẩm, hàng hóa phục vụ đời sống con người phải đẹp và tiện dụng. Hàng hóa cao cấp thì mẫu mã bao bì cũng phải mới hơn, đa dạng hơn - đó là thời điểm TPHCM và các tỉnh lân cận cần nhiều giấy carton để làm thùng bao bì. Dự đoán trước tình hình, nhưng các công ty, xí nghiệp sản xuất giấy không thể nào đáp ứng kịp nếu không có khả năng tài chính. Xí nghiệp giấy Vĩnh Huê (nay là Công ty cổ phần giấy Vĩnh Huê) cũng bị cuốn theo “cơn lốc” thị trường hàng hóa.

Đỗ Thanh Tuấn cùng anh em Tổ cơ điện xí nghiệp đã bàn hướng cải tiến, phục hồi các thiết bị phục vụ sản xuất và các đơn đặt hàng mới. Hàng loạt các công trình đã được anh và các thành viên trong Tổ cơ điện thực hiện, như: phục hồi đầu dao máy nghiền bột; gia cố quả lọc máy rửa bột… đã được ứng dụng hiệu quả và tiết kiệm chi phí đáng kể cho xí nghiệp. Tuy nhiên, máy quấn cuồn giấy carton (định lượng 400gr/m²) vẫn chưa có.

Anh Tuấn tâm sự: “Không có gì buồn cho bằng giấy đã sản xuất được rồi, nhưng không có máy quấn cuồn. Làm sao để xí nghiệp không tốn chi phí mua máy mới là câu hỏi luôn luôn trong đầu tôi lúc bấy giờ”. Sau 10 đêm tính toán các chi tiết, anh Tuấn trở vào xí nghiệp trình bản vẽ kỹ thuật nâng cấp máy quấn cuồn.

Anh kể: “Máy được sản xuất từ năm 1969, hệ thống truyền động, tăng giảm tốc độ bằng dây cua roa nên chỉ quấn cuồn loại giấy có định lượng từ 120 - 165gr/m². Tôi đã tính toán lại hệ thống truyền động và tăng được tốc độ, chuyển sang sử dụng nhông, sên thay thế dây cua roa; đồng thời tận dụng hộp biến điện dự phòng. Rất mừng, kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay, máy đã quấn được tất cả các loại giấy có định lượng từ 120 - 450gr/m². Vui hơn nữa, nhờ không thay thế dây cua roa như trước, hiện nay mỗi ca sản xuất được 9 cuộn giấy, so với trước chỉ có 5 cuộn!”.

  • Nguyễn Thị Ngọc Lệ: Vi tính hóa quản lý heo giống

Rời Trường Đại học Nông Lâm TPHCM năm 1994, bác sĩ thú y Nguyễn Thị Ngọc Lệ được nhận vào Xí nghiệp Heo giống cấp 1, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và kể từ đó, cuộc đời chị đã gắn liền với công việc lý thú này. Suốt thời gian dài, cứ sau mỗi khóa tập huấn hay nghiên cứu tài liệu nước ngoài về lai tạo, gây dựng giống, chị Lệ lại tổ chức hệ thống, sắp xếp xử lý các thông số kỹ thuật một cách khoa học, đồng thời vi tính hóa các số liệu. Công tác vi tính hóa giúp chị quản lý khá tốt công việc. Một trong các đề tài chị Lệ tâm đắc nhất là “Xây dựng chỉ số chọn lọc theo phương pháp thống kê số liệu về công tác giống (phương pháp Blup) để áp dụng trong công tác chọn lọc và phối giống ở một số xí nghiệp chăn nuôi heo giống”. Sau 2 năm miệt mài thực hiện, đề tài đã được đánh giá loại khá và triển khai ứng dụng rộng rãi tại các trại heo.

Công việc tuy đơn giản nhưng đã cải thiện đáng kể để chọn lọc đàn heo giống thuần chủng vững chắc, giảm chi phí nhập khẩu con giống . Điều đáng khâm phục, xí nghiệp không đặt vấn đề quảng cáo lên hàng đầu mà tiếp thị bằng phương pháp “vết dầu loang” - hiệu quả công việc của xí nghiệp sẽ do chính các khách hàng “truyền miệng” với nhau. Chính vì lý do này, chị Lệ nỗ lực xây dựng nhiều hình thức đa dạng để tiếp thị, quảng bá chất lượng đàn heo giống của xí nghiệp như: báo cáo các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi heo; hướng dẫn kỹ thuật phối giống, kỹ thuật chăn nuôi heo mới nhất để giúp người chăn nuôi phát triển, nhân đàn đạt hiệu quả cao; giúp các hộ chăn nuôi và trại chăn nuôi xây dựng quy trình kỹ thuật hoặc xử lý dịch bệnh… Nhờ được tiếp cận trực tiếp và giúp đỡ tận tình, dần dần người chăn nuôi heo trở thành những khách hàng tiêu thụ heo giống, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho xí nghiệp.

H.Việt - Đ.Hiệp - H.Phương

Tin cùng chuyên mục