Các cá nhân đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 11

Các cá nhân đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 11

LTS: Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 11 do Báo SGGP và Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức sẽ diễn ra vào tối 19-8-2011 tại Hội trường thành phố, số 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3. Toàn bộ kinh phí tổ chức do các đơn vị: Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex, Công ty TNHH MTV Dược phẩm Vimedimex, Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn, Công ty CP Dược Minh Phúc tài trợ. Báo SGGP tiếp tục giới thiệu bạn đọc các cá nhân đoạt giải lần này.
 
NGUYỄN KHẮC VĨNH: Lửa nghề không bao giờ tắt
 

Mỗi lần gặp khó khăn trong công việc, tôi phải suy nghĩ giải pháp khắc phục, sáng kiến nảy sinh từ đó. Hơn nữa, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo là do tổ chức công đoàn phát động. Là Chủ tịch công đoàn cơ sở, tôi không thể hô hào suông mà phải làm gương để anh em noi theo”, anh Nguyễn Khắc Vĩnh (ảnh, bên phải), Giám đốc Xí nghiệp sản xuất và lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông thuộc Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn khiêm tốn giải thích về những công trình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh. Những sáng kiến ấy đã khắc phục được những khó khăn trở ngại trong sản xuất, kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất và làm lợi hàng trăm triệu đồng.
 
Một trong những sáng kiến nổi bật của anh là giải pháp cải tiến quy trình và thay đổi vật liệu sản xuất biển báo phản quang. Lâu nay, việc sản xuất biển báo phản quang phải dùng dung môi PUH3519 và dung môi PUV để pha vào mực in. Nhưng đến năm 2009, các nhà cung cấp không còn cung ứng hai loại dung môi này nữa. Trong khi đó, hai mặt hàng này được bán trôi nổi trên thị trường với giá cao, chất lượng không đảm bảo, không lấy được chứng từ hóa đơn theo quy định.
 
Để việc lắp đặt biển báo phản quang không bị ngưng trệ, làm ảnh hưởng đến tình hình an toàn giao thông trên địa bàn TP, anh Vĩnh bắt tay vào nghiên cứu tính năng, chất lượng của các loại dung môi có liên quan. Sau một thời gian liên hệ với những nhà chuyên môn về hóa chất và làm việc với một số anh em trong đơn vị từng có kinh nghiệm về ngành in, khó khăn trên đã được khắc phục khi anh tìm ra dung môi hiệu Cylohesanone và dung môi hiệu SS781 (loại hóa chất thịnh hành trong ngành in lụa) thay thế. 
 
Không chỉ vậy, những loại dung môi này còn có giá thành thấp và đặc biệt là không độc hại, không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, không gây ô nhiễm môi trường. Với những hiệu quả đó, sáng kiến trên được công nhận, anh còn có nhiều giải pháp khác góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP. 
 
Gần đây nhất là giải pháp sản xuất biển báo dùng màng phản quang DG3 để chuẩn bị gắn thử nghiệm trên dải phân cách ở Xa lộ Hà Nội. Những biển báo này không bị bám bụi, phát sáng vào ban đêm, lại được gắn cố định vào đế trụ nên khó bị kẻ gian bẻ trộm hoặc người thiếu ý thức đạp gãy khi trèo qua dải phân cách.
 
Anh Vĩnh còn thường xuyên truyền kinh nghiệm tích lũy qua 36 năm trong nghề cho lớp kế thừa thông qua việc huấn luyện, đào tạo các công nhân trong đơn vị về công tác tuần tra hệ thống báo hiệu giao thông; sản xuất lắp đặt cọc tiêu, biển báo, sơn kẻ đường theo đúng luật giao thông đường bộ, điều lệ báo hiệu đường bộ (trung bình 80 người/năm). 
 
Với anh Vĩnh, lửa nghề không bao giờ tắt.
 
ÁI CHÂN
 

HOÀNG HỮU THẬN: Không tính toán thiệt hơn
 

71 tuổi, song da dẻ hồng hào, luôn tươi cười chân tình lại xử lý công việc cứ thoăn thoắt khiến người đối diện cảm thấy kỹ sư cấp cao, kỹ sư ASEAN Hoàng Hữu Thận (ảnh, Giám đốc Trung tâm tư vấn và phát triển điện), trẻ hơn cả chục tuổi. Với hơn 50 năm tuổi nghề, ông đã tham gia ở nhiều công trình trọng điểm cấp quốc gia của ngành điện, sở hữu gia tài khoa học khá đồ sộ với 22 công trình, đề tài nghiên cứu các cấp; hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật là các phần mềm cho ngành điện đã được ứng dụng vào thực tiễn làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
 
Hàng năm, tỷ lệ tổn thất và tự dùng trên hệ thống điện cao, lượng điện tổn thất tương đương sản lượng của Nhà máy điện Hòa Bình. Năm 2008, tỷ lệ này là gần 13,5% tương ứng với hơn 10.200 GWh tổn thất. Ông đã mạnh dạn đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu đưa ra các giải pháp về quản lý và công nghệ nhằm giảm tổn thất điện năng trong sản xuất, truyền tải và phân phối của hệ thống điện Việt Nam. 
 
Qua nghiên cứu hiện trạng, ông nhận thấy còn quá nhiều hạn chế dẫn đến tỷ lệ tổn thất và tự dùng cao, như: Lưới điện kết cấu không hợp lý; việc đầu tư lưới điện chắp vá, chưa đồng bộ, chạy theo nhu cầu; chế độ vận hành chưa được tối ưu hóa… 
 
Từ năm 2010, ông đề xuất các giải pháp giảm tỷ lệ điện tự dùng ở các nhà máy điện; nâng cao hiệu quả khai thác nhà máy điện trên hệ thống điện; giảm tổn thất trên lưới truyền tải và lưới phân phối… đã được áp dụng trên toàn quốc, giúp giảm tổn thất hơn 399 GWh (tiết kiệm gần 392 tỷ đồng) và tăng hiệu quả khai thác thêm 461 GWh. Dự kiến, năm 2015, sẽ tiết kiệm và tăng hiệu quả khai thác được 1.909 GWh (tiết kiệm 1.880 tỷ đồng) và năm 2025 là 11.316 GWh (tiết kiệm 11.146 tỷ đồng). 
 
Bên cạnh đó, kỹ sư Thận còn là một người thầy tận tụy với các thế hệ học trò. Ông viết gần chục cuốn sách khoa học kỹ thuật cho các trường ĐH, CĐ, THCN. Gần đây nhất, là cuốn Từ điển kỹ thuật điện Anh – Việt gồm 4 quyển với 38.500 từ. Bí quyết để ông có thể hoàn thành liên tục các đề tài nghiên cứu là nghiên cứu một cách rất thoải mái, không tính toán thiệt hơn cho mình và phát huy tối đa tính tò mò, tự lập từ nhỏ. 
 
Ông tâm sự, mỗi đề tài hoàn thành, ông chỉ nhận được một số tiền ít ỏi hoặc có khi lỗ sau khi đã trang trải cho việc mua sắm và in ấn tài liệu, tham gia các hội thảo khoa học… Song không vì thế mà ông chùn bước không làm. 
 
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn tiếp tục tự đặt ra các “chướng ngại vật” cho mình và luôn nở nụ cười: “Cảm ơn mọi người đã tạo điều kiện cho tôi được… làm việc quá khả năng của mình”. 

ĐƯỜNG LOAN 
 

NGUYỄN VĂN THÁI: Sáng tạo là trách nhiệm của người thợ

Say mê tìm tòi, cải tiến kỹ thuật máy móc từ nhỏ nên những món đồ chơi ba mẹ mua cho đều bị Nguyễn Văn Thái (ảnh) tháo ra ráp lại, cải tiến nhiều lần theo sở thích của mình. Lớn lên, cùng với sự định hướng của ba – cũng là dân kỹ thuật – anh theo học hệ trung cấp ngành cơ khí chế tạo máy và đi làm cho một doanh nghiệp nhà nước. Năm 1990, anh thi và học tiếp hệ đại học cũng ngành cơ khí chế tạo máy tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Năm 1999, trong một lần đi lắp máy tại cơ sở, thấy anh nhanh nhẹn và có những ý tưởng sáng tạo nên anh được Giám đốc Công ty TNHH Cao su kỹ thuật Tiến Bộ nhận vào làm việc.
 
Được làm việc đúng chuyên môn, anh đã phát huy lợi thế của mình. Sáng kiến đầu tay của anh là nghiên cứu thiết kế, chế tạo 2 máy đùn cao su tái sinh. Trong quá trình sản xuất, thấy máy cũ vừa tốn nhân công, tốn điện nhưng năng suất và chất lượng sản phẩm không cao, anh đặt ra câu hỏi, tại sao mình không cải tiến máy này để biến các hạt cao su có kích thước nhỏ dưới < 0,5mm cũng như sử dụng năng lượng nhiệt kết hợp với tác động cơ học và phản ứng giữa các hóa chất phụ gia phối trộn để tái sinh cao su dễ dàng hơn? 
 
Và kết quả là máy đùn do anh chế tạo đã tiết kiệm 10% điện năng sử dụng và có năng suất tái sinh 150 kg cao su tái sinh/ngày/máy. Quan trọng hơn là tiết kiệm chi phí chế tạo máy 50 triệu đồng và chỉ sử dụng 2 lao động. 
 
Trước nhu cầu thực tế của thị trường về tấm cao su khắc bản phải nhập từ nước ngoài, anh Thái đưa ra ý tưởng tạo ra máy ép tấm cao su khắc bản, đồng thời chế tạo hệ thống đẩy khuôn nặng 1 tấn dùng bằng ben thủy lực nhằm nâng cao năng lực sản xuất và giảm sức lao động cho công nhân. Công nhân chỉ làm một động tác đơn giản là ấn nút thì khuôn ép sẽ tự động được đưa vào máy.
 
Dù có nhiều thành tích được khen thưởng, nhưng với anh Thái, cải tiến và chế tạo máy móc là trách nhiệm của những người thợ yêu nghề.

HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục