Mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại thọ 100 tuổi

Mùa thu, tháng 8-2011, đã đến. Năm nay anh Văn - Đại tướng nguyên Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi (anh sinh ngày 25-8-1911). Tính tuổi theo phong tục dân tộc, năm nay Tân Mão, anh đã tròn 101 xuân. Nhìn lại lịch sử nước ta và lịch sử thế giới, từ xưa đến nay, anh là một vị tướng kiệt xuất sống lâu nhất, thọ nhất. Thật là tự hào cho đất nước và hạnh phúc cho anh cùng gia đình.
Mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại thọ 100 tuổi

Mùa thu, tháng 8-2011, đã đến. Năm nay anh Văn - Đại tướng nguyên Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi (anh sinh ngày 25-8-1911). Tính tuổi theo phong tục dân tộc, năm nay Tân Mão, anh đã tròn 101 xuân. Nhìn lại lịch sử nước ta và lịch sử thế giới, từ xưa đến nay, anh là một vị tướng kiệt xuất sống lâu nhất, thọ nhất. Thật là tự hào cho đất nước và hạnh phúc cho anh cùng gia đình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hơn một năm qua, tuổi ngày càng cao, sức khỏe ngày càng giảm, anh phải nằm điều dưỡng ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhiều đồng bào, đồng chí trong nước, ngoài nước đã hướng về Hà Nội theo dõi sức khỏe anh, mong anh sống lâu, sống thọ trên 100 tuổi. Lòng mong ước ấy nay đã trở thành hiện thực. Chúng ta cảm ơn Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc anh.

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, với tất cả tấm lòng yêu thương, quý trọng anh, chúng ta vui mừng kính gửi đến anh lời mừng thọ, lời chúc mừng thắm thiết nhất. Chúc anh với sự chăm sóc tận tình của bệnh viện, sức khỏe tiếp tục ổn định, tỉnh táo, trường thọ để chứng kiến sự phát triển tiến lên của đất nước trong công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Sự nuôi dạy của gia đình, quê hương, truyền thống và văn hóa của dân tộc, lý tưởng và cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng - Bác Hồ, của toàn dân toàn quân ta đã hun đúc nên một nhân vật lịch sử tiêu biểu, một vị tướng kiệt xuất, người con anh hùng của dân tộc, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhìn lại cuộc đời anh, từ đầu thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21 đến nay, anh đã sống, học tập, hoạt động, chiến đấu hết sức phong phú và sáng tạo, hết sức sôi nổi và hào hùng, trọn đời vì nước vì dân.

Thời trẻ, anh học giỏi thông minh, thường đứng đầu lớp, đứng đầu kỳ thi lúc học trường tổng, trường huyện, giỏi tiếng Việt, tiếng Pháp, tự học vươn lên đậu tú tài, vừa đi dạy, vừa hoạt động, vừa đi học đã đỗ thủ khoa môn kinh tế - chính trị học trong kỳ thi học sinh giỏi toàn Đông Dương, sau đó đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp cử nhân luật. Anh sớm nhận biết nỗi nhục mất nước, ghét Tây, nên ngay từ đầu đã chọn đúng hướng đi cho cuộc đời: từ chối học bổng của chính quyền thực dân cấp sang Pháp học để về làm việc cho họ, mà dấn thân vào phong trào yêu nước; tham gia Đảng Cộng sản để đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, cứu nước, cứu dân. Đang hoạt động ở trong nước, khi cách mạng cần, anh đã sẵn sàng rời bục giảng, xếp bút nghiên, từ giã vợ con yêu dấu để lên đường đi hoạt động theo sự phân công của Đảng.

Là một trí thức tham gia cách mạng, anh may mắn sớm gặp được Bác Hồ, được Bác giao nhiệm vụ, rèn luyện thử thách trong thời kỳ đầu cách mạng. Với nhãn quan sắc sảo, Bác Hồ đã sớm phát hiện ra phẩm chất và tài năng của anh. Một thầy giáo, người làm việc văn mà tiềm ẩn bên trong một tài năng về võ. Bác và Đảng đã tin tưởng giao cho anh phụ trách quân sự, có nhiệm vụ thành lập đội quân chủ lực đầu tiên, xây dựng đội quân ấy nhanh chóng phát triển thành Việt Nam giải phóng quân - quân đội quốc gia, về sau gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam và ủy quyền làm Tổng chỉ huy, về sau là Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy quân đội ấy đánh giặc cứu nước.

Mặc dù giao cho anh việc võ, nhưng Bác vẫn gọi anh là Văn. Phải chăng, Bác Hồ muốn căn dặn làm việc võ nhưng phải trên nền văn. Đúng như câu đối của một cựu chiến binh phường Thành Công, Hà Nội khái quát về anh thật biện chứng, sâu sắc: “Văn lo vận nước văn thành Võ. Võ thấu lòng dân võ hóa Văn”. Qua sự kiện này, chúng ta càng thấy Bác Hồ thật sáng suốt, Bác đã chọn đúng người, giao đúng việc. Có thể nói, đây là một hạnh phúc cho dân tộc ta, quân đội ta. Anh đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Bác giao. Là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và là người học trò xuất sắc, gần gũi nhất của Bác Hồ, anh thuộc thế hệ những người lãnh đạo cùng với Bác Hồ chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.

Anh là một vị tướng không qua trường lớp quân sự nào và ngay từ đầu không phải đã có sẵn quân đội mà qua hoạt động chính trị, đi vận động quần chúng, phát triển lực lượng chính trị rồi tiến lên xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập và xây dựng đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, càng đánh càng mạnh, càng thắng, trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Qua tôi luyện trong thực tế chiến đấu và nghiên cứu học tập kinh nghiệm đánh giặc của dân tộc ta và của thế giới, anh đã trở thành một vị tướng kiệt xuất, đánh bại nhiều đại tướng sừng sỏ của các đội quân xâm lược.

Anh là một vị tướng bậc thầy của chiến tranh nhân dân. Đánh giặc luôn dựa chắc vào nhân dân, vào sức mạnh đoàn kết quân dân, vào sức mạnh của ba thứ quân, lấy quân chủ lực làm nòng cốt. Đánh giặc với tinh thần tiến công quyết chiến, quyết thắng, kết hợp với trí thông minh sáng tạo, dũng cảm và mưu trí. Đánh giặc bằng mọi cách: kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, với tư tưởng chỉ đạo “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Tư tưởng chiến lược là tấn công nhưng cách đánh thì có tấn công và có phòng ngự khi cần thiết. Đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, kết hợp thô sơ và hiện đại; lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều; luôn coi trọng bí mật bất ngờ, nghi binh lừa địch; coi trọng làm đường quân sự để bảo đảm hậu cần và bảo đảm cơ động lực lượng. Anh luôn xuất phát từ thực tiễn, phân tích so sánh lực lượng một cách biện chứng, làm rõ chỗ mạnh, chỗ yếu, thuận lợi, khó khăn của địch, của ta để tìm ra cách đánh phù hợp, hiệu quả cao, thương vong ít, quyết đoán, táo bạo nhưng chắc thắng, không chủ quan, duy ý chí. Anh luôn coi trọng tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm để quân đội càng đánh càng trưởng thành, coi trọng công tác nghiên cứu khoa học để xây dựng nền khoa học quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trong 34 năm cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, anh đã góp phần lãnh đạo tổng khởi nghĩa thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám; với tư cách là Tổng Tư lệnh, Bí thư Tổng Quân ủy sau này là Quân ủy Trung ương, anh đã trực tiếp chỉ huy quân đội ta cùng với toàn dân chiến đấu lập nhiều chiến công oanh liệt, nhiều thành tích vẻ vang trong cuộc kháng chiến 30 năm đánh thắng hai đế quốc to, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng, anh được phân công phụ trách hai lĩnh vực khoa học và giáo dục, trong đó có một thời gian tập trung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn 20 năm phụ trách các công tác ấy, anh đã góp phần xây dựng nền khoa học và nền giáo dục nước nhà đạt một số thành tựu phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; góp phần quán triệt sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới, đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta.

Suốt thời gian về nghỉ, tuy tuổi cao, nhưng anh luôn quan tâm theo dõi tình hình đất nước và quốc tế, tích cực đóng góp ý kiến với lãnh đạo những vấn đề mà anh cho là quan trọng. Anh đã có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới, như cổ vũ tinh thần thực tiễn, năng động, sáng tạo, chống giáo điều bảo thủ; tham gia ý kiến về chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, chiến lược phát triển kinh tế và khoa học biển, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, về chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực…

Anh là một vị tướng được toàn quân tuyệt đối tin tưởng, kính trọng, yêu mến. Tướng lĩnh của quân đội ta từng ca ngợi anh là “vị tướng văn võ song toàn”, “nhà chiến lược thiên tài, nhà quân sự lỗi lạc”, “vị tướng huyền thoại”, “vị tướng kiệt xuất”, “tướng của các vị tướng, tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy”, “vị Tổng Tư lệnh không phạm sai lầm trong chiến lược, chiến thuật”. Có vị tướng cho rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực chất là Đại nguyên soái thời đại Hồ Chí Minh. Anh đúng là người anh cả của quân đội ta.

Anh là một vị tướng được đồng bào, đồng chí trong cả nước quý trọng, tin tưởng, biết ơn. Trong nhiều năm qua, khi anh đã về nghỉ, cứ đến ngày lễ, ngày tết, sinh nhật, đông đảo đồng bào, đồng chí đã đến thăm, chúc mừng anh. Nhiều đồng chí cho rằng đây là một hiện tượng hiếm có. Một đồng chí lãnh đạo mà khi về nghỉ, người đến thăm hỏi đông hơn, nhiều hơn khi còn làm việc và thể hiện tình cảm thắm thiết, sâu nặng. Anh đúng là một vị tướng của nhân dân.

Anh là một vị tướng được đông đảo bạn bè quốc tế kính phục. Nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều đoàn quốc tế đến Việt Nam đã đến tận nhà thăm anh. Nhiều chính khách, nhiều nhà khoa học, sử học, nhà quân sự nhiều nước, kể cả các tướng lĩnh là đối phương trước đây đều khâm phục anh, có nhiều tác phẩm viết về anh. Họ coi anh “là vị tướng huyền thoại”, “một vị tướng vĩ đại”, “một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20”, “một trong những thống soái lớn nhất của mọi thời đại”. Anh đúng là một vị tướng kiệt xuất của nhân loại.

Anh là một vị tướng có uy tín lớn trong nước và trên thế giới, không chỉ vì tài năng và sự nghiệp anh đã cống hiến mà còn vì phẩm chất đạo đức trong sáng. Anh đã hết lòng yêu nước, thương dân, “dĩ công vi thượng”, toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Anh sống khiêm nhường, bao dung, độ lượng, lắng nghe ý kiến, dân chủ bàn bạc, chan hòa, gần gũi, thương yêu cán bộ chiến sĩ, tôn trọng nhân dân, quan tâm đến gia đình, bạn bè, đồng chí. Anh sống trọng nhân nghĩa, trung thực, liêm khiết, gương mẫu. Anh đúng là một vị nhân tướng.

Tình cảm yêu thương, quý trọng của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế đối với anh thật là bao la, thể hiện nghĩa tình thật là sâu đậm. Tình cảm ấy đã đi vào các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Biết bao tác phẩm về thơ, câu đối, nhạc, kịch, phim, ảnh, tượng, tranh, sách, báo trong nước và ngoài nước nói về anh. Biết bao vật phẩm quý báu được mang đến tặng anh. Tất cả đều thể hiện một tình cảm chân thành và nồng hậu.

Lòng dân là tất cả. Anh đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân”. Suốt cuộc đời, anh đã cống hiến cho dân, cho nước, nên anh được toàn dân thương yêu, quý trọng. Đó là phần thưởng cao quý nhất, là nguồn động viên to lớn nhất và là tài sản tinh thần vô giá mà anh gặt hái được trong cuộc đời cách mạng.

Năm nay, anh đã vượt 100 tuổi, xin chúc anh vui, thanh thản, trường thọ.

Đại tá Nguyễn Huyên 
(Trợ lý Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Tin cùng chuyên mục