Đồng chí Võ Chí Công với bà con nông dân

Đồng chí Võ Chí Công, từ năm 1976 đến năm 1980-1981 là Ủy viên Bộ Chính trị và là Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp (nông-lâm-ngư nghiệp). Đồng chí nhận trọng trách này khi phong trào hợp tác hóa nông nghiệp gần như tan rã, nông dân chỉ tập trung  vào đất 5% còn đất tập thể 95% chỉ làm chiếu lệ.
Đồng chí Võ Chí Công với bà con nông dân

(SGGPO).- Đồng chí Võ Chí Công, từ năm 1976 đến năm 1980-1981 là Ủy viên Bộ Chính trị và là Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp (nông-lâm-ngư nghiệp). Đồng chí nhận trọng trách này khi phong trào hợp tác hóa nông nghiệp gần như tan rã, nông dân chỉ tập trung  vào đất 5% còn đất tập thể 95% chỉ làm chiếu lệ.

Là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam và nhiều năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Trung, chuyển sang mặt trận nông nghiệp, đồng chí suy nghĩ rất nhiều: Đánh giặc phức tạp, hy sinh và gian khổ như vậy, tại sao nhân dân mình đánh giỏi và đánh thắng, còn sản xuất nông nghiệp vì sao lại ỳ ạch?

Làm thế nào để nền nông nghiệp của đất nước ngày càng phát triển, người nông dân gắn bó với hợp tác xã (HTX) và ruộng đất của mình? Làm thế nào để đời sống của bà con nông dân ngày càng ấm no, hạnh phúc?

Trong thời gian phụ trách Bộ Nông Nghiệp, đồng chí Võ Chí Công thường xuyên về cơ sở thăm hỏi tình hình sản xuất của bà con nông dân. Ảnh: T.L

Trong thời gian phụ trách Bộ Nông Nghiệp, đồng chí Võ Chí Công thường xuyên về cơ sở thăm hỏi tình hình sản xuất của bà con nông dân. Ảnh: T.L

Giải đáp được những câu hỏi này và còn bao nỗi bức xúc trước thực trạng lương thực, thực phẩm đang cạn kiệt, không thể ngồi tại bàn giấy mà suy luận mà cần phải về nông thôn trực tiếp bàn bạc với bà con nông dân. Đồng chí Võ Chí Công đã đi về các HTX với phương pháp như đi đánh giặc, nghĩa là xuống sát chiến trường để hiểu địch, hiểu ta. Đồng chí không về tỉnh, không về huyện mà đi thẳng xuống HTX, đến từng nhà gặp bà con xã viên, tìm hiểu tại chỗ cách làm ăn, quần xắn trên gối đi với nông dân ra ruộng, lội khắp bờ vùng, bờ thửa, gợi ý cho họ phát biểu.

Mắt thấy tai nghe và thâm nhập thực tế ở nhiều nơi, đồng chí thông cảm với nông dân, họ coi đất tập thể là “con nuôi”, chẳng đoái hoài lúa chín chẳng muốn gặt vì chỉ có lợi cho các Ban quản lý và một số cán bộ có chức có quyền ở xã. Cái mất đáng sợ nhất đối với nông dân là với khoán việc, họ bị tước đoạt mọi quyền làm chủ: quyền làm chủ tư liệu sản xuất, quyền làm chủ quản lý sản xuất kinh doanh, quyền làm chủ phân phối đều cho Ban quản trị HTX nắm cả.

Đồng chí Võ Chí Công thấy phải loại bỏ khoán việc càng sớm càng tốt mới cứu được nông dân khỏi đói nghèo. Nền kinh tế ta còn phải dựa vào nông nghiệp, không loại bỏ khoán việc không thể đưa nền kinh tế ta ra khỏi trì trệ, bế tắc kéo dài đã nhiều năm. Đồng chí nói: “Khoán việc có phải là cái bàn thờ đâu mà không dám đụng chạm đến, bà con nông dân quá sợ khoán việc, không chấp nhận khoán, họ đòi hỏi phải thay đổi khoán, Đảng phải thỏa mãn đòi hỏi chính đáng của bà con nông dân, cưỡng lại mãi sao nổi”.

Những ý kiến của đồng chí Võ Chí Công rất hợp lòng dân, cũng là những ý kiến chỉ đạo sắc bén về công tác này. Đầu năm 1980, một số HTX không thể chịu nổi cung cách làm ăn hiện tại đã tự “xé rào” loại bỏ khoán việc, chuyển sang khoán sản phẩm, khoán lúa. Tất nhiên là họ phải làm lặng lẽ kín đáo, vì phải giữ bí mật với cấp trên, nên còn gọi là “khoán chui”. Khác với khoán việc làm công nhật và làm công điểm cho HTX, khoán sản phẩm HTX giao ruộng cho xã viên, xã viên cày cấy, làm cỏ bón phân và thu hoạch. Làm theo cách này xã viên coi ruộng phần trăm và ruộng tập thể như nhau, tận tình chăm sóc, để vượt mức khoán còn được hưởng số thóc vượt khoán. Đây là động lực thúc đẩy xã viên lao động hết mình không còn phân biệt ruộng riêng hay ruộng chung vì lợi ích của người lao động đã được quan tâm.

Trong lãnh đạo, hiểu biết về khoán sản phẩm cũng còn khác nhau. Để nội bộ thông suốt, đồng chí Võ Chí Công giải thích cặn kẽ khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động là bước tiến phù hợp với qui luật kinh tế khách quan trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Từ thực tế những HTX làm lén “khoán chui” năng suất lúa vượt trội, đời sống bà con nông dân được nâng lên rõ rệt, họ gắn bó mật thiết với HTX và ruộng đất của họ, làm cho những địa phương trước đây còn phân vân việc khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động, nay đã hoàn toàn đứng về phía khoán sản phẩm (khoán chui). Đồng chí Võ Chí Công hoàn toàn ủng hộ “khoán chui” và cho đó là sự sáng tạo của quần chúng và đảng viên ở cơ sở, mặc dù còn đơn sơ, chưa thoát hẳn cơ chế cũ. Đảng phải nắm lấy để dần dần hoàn thiện.

Sau khi sơ bộ tổng kết những bài học thành công cơ bản của việc khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động ở những nơi làm chui, đồng chí Võ Chí Công chọn nơi làm thí điểm khoán sản phẩm đến người lao động có cán bộ của Bộ Nông nghiệp bám sát và đồng chí thỉnh thoảng về tại bờ ruộng theo dõi góp ý kiến. Đây là sự sâu sát hiếm thấy của một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, sẵn sàng chia sẻ mọi bất trắc, khó khăn với quần chúng và đảng viên cơ sở để đi tìm ấm no, hạnh phúc cho dân.

Đồng chí Võ Chí Công đánh giá rất sớm khoán lúa, “khoán chui” là cuộc cách mạng của quần chúng nông dân, không có gì trái ngược và khó hiểu cả. Một số tỉnh “khoán chui” đã chiếm ưu thế. Một số HTX tiên tiến đã được cả nước biết như ngọn cờ của khoán việc như: Định Công (Thanh Hóa), Nguyên Xá (Thái Bình), Ngọc Thiện (Hà Bắc)… đã chuyển hẳn sang khoán sản phẩm. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng phụ trách mặt trận nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công tiếp tục đề nghị Đảng công nhận khoản sản phẩm là hợp pháp.

Ngày 22-10-1980, Ban Bí thư ra Thông báo số 22 công nhận khoán sản phẩm là một cơ chế quản lý hợp pháp trong các HTX nông nghiệp, các xã viên chọn khoán việc hoặc khoán sản phẩm, không ai có quyền can thiệp. Thông báo số 22 của Ban Bí thư gây chấn động khắp nông thôn. Bà con nông dân vui mừng phấn khởi đón nhận Thông báo số 22 của Ban Bí thư như một ngày hội lớn.

Từ ngày 3 đến ngày 7-1-1981, Ban Bí thư triệu tập hội nghị tại Hải Phòng để bàn việc thực hiện Nghị quyết IX của Trung ương: Mở rộng và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Sau hội nghị sẽ có chỉ thị của Ban Bí thư phổ biến trong cả nước chính thức công nhận khoán chui tồn tại hợp pháp cùng với khoán việc. Lần đầu tiên sáng kiến của quần chúng tự cứu, từng bị cấm kỵ nhiều năm và nhiều đảng viên bị kỷ luật vì “xé rào, làm lén” cuối cùng đã được Đảng công nhận là nhân tố mới mở lối ra không chỉ cho nông nghiệp mà còn mở đột phá khẩu vào thành trì quan liêu, bao cấp. Đồng chí Võ Chí Công phát biểu, góp nhiều ý kiến vào cuộc trao đổi, tranh luận sôi nổi ở hội trường. Mọi người phấn khởi và hồi họp lắng nghe đồng chí nói. Hầu hết các đại biểu đều nhiệt liệt hoan nghênh những ý kiến đầy ắp thực tiễn và có sức mạnh thuyết phục của đồng chí Võ Chí Công, ưu thế ủng hộ khoán sản phẩm trong hội nghị càng áp đảo. Và sau hội nghị lịch sử này, chỉ thị 100 ra đời. Chỉ thị chủ trương khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động.

Bạch Nhung (sưu tầm- tổng hợp)

Thông tin liên quan

>> Vĩnh biệt đồng chí Võ Chí Công

>> Nhớ anh Năm Công - một nhân cách lớn

Tin cùng chuyên mục