Lập phương án xử lý nếu vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2

Nỗi lo kép
Lập phương án xử lý nếu vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2

Ngày 14-10, tại TP Đà Nẵng, Cổng thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến “Chủ động ứng phó với thiên tai”. Tham gia trả lời những vấn đề liên quan đến công tác PCLB, an toàn thủy điện có ông Nguyễn Ngọc Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn – Phó Tư lệnh Quân khu 5 và ông Trần Văn Được – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Sơ tán người dân ở vùng trọng yếu là ưu tiên hàng đầu trong công tác ứng phó với bão, lũ.

Sơ tán người dân ở vùng trọng yếu là ưu tiên hàng đầu trong công tác ứng phó với bão, lũ.

Nỗi lo kép

Trong cuộc đối thoại trực tiếp này, các câu hỏi được đặt ra chủ yếu tập trung vào “nỗi lo kép” là thiên tai (bão lũ) và nhân tai (thủy điện). Về vấn đề an toàn đập thủy điện, ông Trần Văn Được cho biết: Với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành đã được cấp trên ban hành, đối với thủy điện của EVN là do Bộ Công thương ban hành.

Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) có 3 công trình thủy điện là Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 và A Vương, EVN đã đưa vào vận hành các thủy điện A Vương và Sông Tranh 2, còn thủy điện Đăk Mi 4 do đơn vị khác đầu tư. Quy trình vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông này đã được Chính phủ phê duyệt. Từng người chỉ huy phải tuân thủ chặt chẽ thì sự phối hợp sẽ thành công.

Hiện Chính phủ chưa cho phép tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 do liên tục xảy ra động đất tại đây nên EVN đã mở tất cả các cửa xả tràn. Qua cơn bão số 7 vừa rồi, mực nước mới lên 146m, EVN vẫn phát điện liên tục 2 tổ máy nhằm hạ nước xuống thấp nhất, tiếp tục theo dõi hiện tượng động đất kích thích để trình Chính phủ. EVN đã chỉ đạo Công ty Thủy điện Sông Tranh phối hợp qua đường dây nóng với các đơn vị, địa phương đặc biệt là huyện Bắc Trà My, 4 huyện nằm sau Thủy điện Sông Tranh, có đường đây nóng với Ủy ban Phòng chống lụt bão của tỉnh để thông báo kịp thời tình hình lũ, từ đó có phương án sơ tán dân.

Chuẩn bị tình huống vỡ đập

Trước lo lắng của người dân về các phương án PCLB, nhất là phương án ứng phó với sự cố vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2, ông Nguyễn Ngọc Quang cho biết: Mặc dù theo công bố của các bộ ngành trung ương là “đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn” nhưng với sự chỉ đạo của Quân khu 5, tỉnh Quảng Nam cũng đã xây dựng phương án di dời dân trong tình huống vỡ đập Sông Tranh 2.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các ban quản lý dự án thủy điện, trong đó có Sông Tranh 2, xây dựng phương án phòng chống lụt bão và có kịch bản trong trường hợp vỡ đập. Quảng Nam đã thống kê 4 huyện: Bắc Trà My, Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức có khoảng hơn 31.000 dân bị ảnh hưởng nếu vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2, trong đó Trà My 12.000 người, Hiệp Đức 13.000 người. Quảng Nam đã lên phương án sơ tán, có sự cố sẽ đưa dân lên điểm cao 170m và các điểm cao đã được định vị, quy hoạch và đường cơ động có cự ly từ 1,2 - 2,2km, rất thuận lợi vì bám vào các trục đường chính. Tỉnh đã thông báo, thông tin cho người dân chuẩn bị cơ số tài sản gọn nhẹ nhất để khi có sự cố thì sơ tán ngay.

Bên cạnh đó, Quảng Nam cùng EVN đã khảo sát tình hình động đất kích thích ở Bắc Trà My và thống kê thiệt hại về nhà cửa, kiến trúc do ảnh hưởng của động đất kích thích và đã báo cáo với EVN và Bộ Công thương để xây dựng phương án hỗ trợ.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn cho biết thêm, mặc dù các nhà khoa học, chính quyền và đơn vị thi công, giám sát đều khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn, nhưng do động đất nhiều nên Quân khu 5 vẫn xây dựng phương án ứng phó, đảm bảo đối phó với tình huống xấu nhất. Sự cố nếu có xảy ra thì cũng không bị động. Ngoài ra, với các đập khác trong vùng, cũng phải nghiên cứu các phương án ứng phó, lực lượng quân đội sẽ tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, PCLB… giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Đập thủy điện Sông Tranh 2.

Đập thủy điện Sông Tranh 2.

Sẵn sàng lực lượng ứng phó

Ông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng: Trước khi bão số 7 đổ bộ, tỉnh đã lập đoàn công tác về các địa phương có nguy cơ cao, kiểm tra “4 tại chỗ”, đánh giá lại lực lượng xung kích. Hiện địa phương đã cử 1.500 cán bộ tham gia lực lượng xung kích, đây là lực lượng rất quan trọng ứng phó với bão. Ngoài ra, kiểm soát toàn bộ phương tiện thiết bị liên lạc với tàu thuyền xa bờ. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lập ngay sở chỉ huy ứng phó với bão tại Đại Lộc để khi bão vào có lực lượng ứng phó kịp thời.

Đồng thời, các địa phương kiểm tra nơi trũng thấp có khả năng lũ quét, kịp thời chằng chống nhà cửa, sẵn sàng phương án đối phó lũ lớn… Tỉnh đã sơ tán 38.000 hộ, trong đó 28.000 hộ sơ tán tại chỗ, 10.000 hộ sơ tán tập trung tại chỗ cao, an toàn… Bài học Tây Giang về kho dự trữ thóc trong dân cũng được áp dụng ở Bắc Trà My, Nam Trà My.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn bổ sung, trong cơn bão số 7 vừa rồi, quân khu đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp địa phương rà soát lại kế hoạch phòng chống bão lũ. Đồng thời tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ, nghiên cứu các hồ, đập có nguy cơ sạt lở, di dời dân theo yêu cầu của địa phương, tổ chức chằng chống nhà cửa, sơ tán dân.

Bên cạnh đó, quân khu đã tổ chức lực lượng xuống các vùng trọng điểm. Trong đó đã tổ chức 2 đơn vị hành quân cơ động xuống Bình Định, Quảng Nam để ém quân trước, tất nhiên phương châm “4 tại chỗ” vẫn là chủ yếu, đặc biệt là đối với lực lượng thường trực tại chỗ, các trung đội dân quân đóng vai trò rất quan trọng.

  • Ông Nguyễn Ngọc Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

"Khó khăn nhất mà chúng tôi thấy là những vấn đề liên quan đến chuẩn bị cho động đất xảy ra cần phải ứng xử như thế nào còn rất lúng túng. Khi nói đến động đất thì nhiều người đều hình dung thiệt hại ghê gớm, trong bối cảnh đó lại gắn với việc hồ thủy điện Sông Tranh 2 bị thấm nước thân đập nên càng tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng"

Nguyên Khôi - Nguyễn Hùng

Tin cùng chuyên mục