Ốc đảo giữa Sài Gòn

Cách khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng khoảng 5km nhưng cuộc sống người dân Xóm Gò, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TPHCM) vẫn biệt lập với bốn bề sông nước. Vài năm gần đây, đời sống người dân Xóm Gò đã được cải thiện khi có điện, nước sạch về tận nhà. Thế nhưng ước mơ một cây cầu bắc qua kênh Cống Lớn để thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhất là các em học sinh đỡ nguy hiểm vẫn chưa thành hiện thực…
Ốc đảo giữa Sài Gòn

Cách khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng khoảng 5km nhưng cuộc sống người dân Xóm Gò, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TPHCM) vẫn biệt lập với bốn bề sông nước. Vài năm gần đây, đời sống người dân Xóm Gò đã được cải thiện khi có điện, nước sạch về tận nhà. Thế nhưng ước mơ một cây cầu bắc qua kênh Cống Lớn để thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhất là các em học sinh đỡ nguy hiểm vẫn chưa thành hiện thực…

  • Có điện, đời sống được cải thiện

Xóm Gò gồm 3 tổ 16, 17 và 18 thuộc ấp 1, xã Phong Phú có 158 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu sinh sống trên một “ốc đảo” có diện tích khoảng 400ha, tách biệt với khu dân cư bên ngoài. Giao thông cách trở, do vậy nhiều năm trước đây điện, nước sinh hoạt vô cùng thiếu thốn. Chú Lê Văn Quang, ngụ tổ 18 cho biết, từ ấp “bốn không”, phải đến năm 2011 hộ dân cuối cùng của Xóm Gò mới được dùng điện lưới. Do địa bàn hiểm trở, không có đường đi, nhân viên điện lực phải dùng xuồng chở trụ điện len theo từng con rạch để đưa điện về với người dân nơi đây.

Đến cuối năm 2011 mới có 5 giếng khoan để người dân nơi đây có nước sạch. Đưa điện về đã khó, khoan được giếng để người dân dùng nước sạch càng khó hơn. Khó từ khảo sát chọn địa điểm phù hợp đến việc vận chuyển vật tư vào tận nơi, tiến hành thi công... Mỗi trạm cấp nước được xây dựng cả giàn lọc, hồ chứa, hệ thống máy bơm công suất lớn. Tổng chi phí thực hiện 1 giếng nước hơn 600 triệu đồng. Trong đó, chi phí xây lắp đã lên đến 380 triệu đồng. Người dân được lắp đặt đường ống dẫn nước miễn phí, kể cả những hộ dân cách giếng nước cả kilômét cũng được kéo ống dẫn nước đến tận nhà.

Người dân Xóm Gò đều làm nghề nông, chủ yếu là nuôi cá, tôm, cua và trồng cây bồn bồn. Không còn phải lo lắng về điện, nước, nhiều gia đình bắt đầu dự tính làm ăn với ước mong cuộc sống bớt khó khăn. Mô hình nuôi cá tôm, cây kiểng của chú Tám Quang cho lãi ròng mỗi năm không dưới 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Ngọc Diệp, nhà trên đường Xương Cá 2, mấy năm qua chỉ nuôi cá phi với số lượng nhỏ. Từ khi có điện, ông Diệp mở rộng diện tích nuôi cá với số lượng hàng chục ngàn con nhưng không phải mất thời gian ngồi băm thức ăn cho cá bằng tay như trước đây mà sử dụng máy xay thức ăn chạy bằng điện…

  • Ước mơ một cây cầu

Có điện, có đường, có nước người dân Xóm Gò đã bớt khó khăn nhưng chứng kiến học sinh Xóm Gò hàng ngày lội bùn, vượt rạch đi học trông thật cám cảnh. Học sinh ở đây đi học phải vượt qua con đường duy nhất là rạch Cống Lớn. Muốn qua rạch Cống Lớn, nước lớn thì đi xuồng ghe, nước ròng thì lội sình đi trên cây cầu tạm làm bằng ván cũ nằm sát dưới lòng sông khá nguy hiểm.

“Khổ nhất là khi nước rút, đò không đi được nên các cháu phải đi cầu ngầm trơn trợt. Em nào cũng “bắt ếch” một đôi lần, quần áo lấm lem. Sẩy chân một tí là rơi ngay xuống lớp bùn sâu ngập tận cổ nên học sinh nhỏ không dám qua, phải chờ phụ huynh đến cõng. Gọi là cầu nhưng chẳng có chút gì gọi là an toàn cả. Đã có 4 trường hợp bị chết đuối tại rạch Cống Lớn” – chị Lê Thị Xuân Thu, nhà ở ngay đầu cầu ngầm, cho hay. Hầu hết học sinh đi học đều phải mang theo quần áo dự phòng nếu không may bị trượt chân té ngã. Nhà chị Thu còn để thêm mấy lu nước để các em học sinh vào rửa bùn, thay quần áo đến trường.

Người dân Xóm Gò mơ ước một cây cầu bê tông thay cho cây cầu xập xệ này.

Người dân Xóm Gò mơ ước một cây cầu bê tông thay cho cây cầu xập xệ này.

Chị Thu cho biết, người dân nơi đây đã từng nhiều lần nghe nói đến việc sẽ xây một cây cầu nhỏ qua đây nhưng chờ hoài mà chẳng thấy. Mang những tâm tư của người dân đến gặp chính quyền địa phương, chúng tôi được ông Huỳnh Cao Cường, Bí thư Đảng ủy xã Phong Phú, cho biết, UBND huyện Bình Chánh đã cử đoàn khảo sát, lập dự án xây dựng cây cầu bắc qua kênh Cống Lớn với nguồn kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng và giao nhiệm vụ cho Huyện đoàn Bình Chánh làm chủ đầu tư thực hiện công trình thanh niên. Đồng thời, trong năm 2012, ngân sách cũng đã dành kinh phí 15 tỷ đồng để làm bờ bao chống triều cường kết hợp đường giao thông cho người dân Xóm Gò.

Theo Bí thư Huyện đoàn Bình Chánh Trương Phi Hùng, cầu Xóm Gò được thiết kế bê tông cốt thép, gồm 5 nhịp, mỗi nhịp 12m, rộng 4m. Về kinh phí hiện nay ngân sách cấp 1/3, Huyện đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đóng góp được 1/3. Hiện tại đang thiếu khoảng 1,2 tỷ đồng. “Chúng tôi đang tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các mạnh thường quân ủng hộ để cây cầu sớm được khởi công, đáp ứng sự mong mỏi của người dân Xóm Gò. Hy vọng cây cầu sẽ được khởi công trong năm nay” – anh Hùng bày tỏ.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục