Phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” - Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

Ngày 14-7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”.
Phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” - Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

(SGGP).– Ngày 14-7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”.

Ngư dân miền Trung đang cần nhiều hỗ trợ trong hoạt động đánh bắt xa bờ và bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Nguyên Khôi

Ngư dân miền Trung đang cần nhiều hỗ trợ trong hoạt động đánh bắt xa bờ và bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Nguyên Khôi

Ngư dân Trần Phương ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết tới nay đã có 25 năm đi biển. Cả hai cha con ông đều bám biển, nuôi sống gia đình bằng nghề biển. Vậy nhưng bên cạnh thiên tai bão tố luôn đe dọa, thời gian gần đây tàu của ông và nhiều ngư dân còn chịu áp lực từ các tàu lạ cướp bóc ngư cụ và hải sản. Tháng 5-2012, ông bị tàu nước ngoài cướp tàu, ngư cụ trị giá 1 tỷ đồng và bị bắt giữ tới 6 ngày. Giờ đây, cha con ông thành trắng tay và nợ hơn 200 triệu đồng.

Hai ngư dân trẻ là anh Nguyễn Thành Nhất và Trần Hiền ở đảo Lý Sơn cũng vậy. Anh Hiền cho biết, liên tục hai năm 2005 và 2006, tàu của anh bị tàu lạ cướp ngư cụ. Tháng 3 vừa rồi, tàu của anh lại bị bắt giữ và anh bị giam tới 49 ngày trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa).

Anh Dương Văn Hải, ngư dân ở xã Tam Giang (Núi Thành - Quảng Nam) đang ôm món nợ hơn 1,4 tỷ đồng vì tàu cá của anh bị cháy khi đang đánh bắt tại vùng biển Khánh Hòa do chập điện trong khoang máy. Tàu không còn, cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi vợ anh đang mang bầu, đứa con đầu còn nhỏ. Vì vậy, anh muốn có chút vốn liếng sắm một con tàu mới đi biển để mong trả nợ.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, trong những năm gần đây, thời tiết và rủi ro khác đã gây ra nhiều khó khăn cho ngư dân nước ta. Ngư dân Việt Nam đang phải từng ngày đối mặt với bão lũ, bị tàu lạ đâm, cướp, bị tàu nước ngoài bắt giữ, cướp cả tàu, lưới, ngư cụ... Chưa kể nhiều gia đình ngư dân chịu cảnh ly tán, con mất cha, vợ mất chồng… Vì vậy, chúng ta phải có hành động cụ thể để giúp ngư dân có được tàu thuyền, ngư cụ để tiếp tục ra khơi. 7 triệu đoàn viên công đoàn chính là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân Việt Nam tiếp tục vươn khơi bám biển, bám ngư trường, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Cũng vì lẽ đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” với thông điệp “Mỗi người một tin nhắn, cả hệ thống công đoàn sẽ cùng ngư dân ra khơi”. Tháng 9-2011, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” giai đoạn 1 được phát động, cán bộ, đoàn viên, người lao động, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ, hỗ trợ cho ngư dân hơn 3,73 tỷ đồng.

Để tiếp tục chia sẻ những khó khăn với ngư dân, động viên họ yên tâm bám biển, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định phát động giai đoạn 2 chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”. Đến nay, chương trình đã nhận được sự quyên góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, nhà hảo tâm trong và ngoài nước với số tiền lên tới 15 tỷ đồng. Trong đó, có 658 triệu đồng được hỗ trợ thông qua tin nhắn.

Ông Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” mang lại hiệu quả cao, đáp ứng lòng mong đợi của hàng ngàn ngư dân cũng như người dân cả nước, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ, cần phải nghiên cứu các hình thức hỗ trợ sao cho thiết thực, như hỗ trợ mua sắm tàu mới, ngư cụ, phương tiện thông tin liên lạc, trang bị cứu hộ cứu nạn… Đặc biệt, cần rà soát những trường hợp ngư dân hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bị thiệt hại để có chính sách hỗ trợ kịp thời. Chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là sẽ mở rộng mô hình nghiệp đoàn nghề cá ở nhiều địa phương để tạo cơ hội bảo vệ ngư dân.

Ban tổ chức Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” cũng kêu gọi các công đoàn viên và người dân trong cả nước tiếp tục tham gia giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển, vượt khó khăn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong số 7 triệu đoàn viên công đoàn, mỗi người chỉ cần nhắn một tin nhắn ủng hộ theo cú pháp: soạn tin “ND” gửi 1407 ủng hộ 14.000 đồng là đã đóng góp hàng tỷ đồng chung vai sát cánh với ngư dân, cùng ngư dân vươn khơi bám biển.

Ngay tại buổi lễ phát động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức trao tiền hỗ trợ cho 5 chủ hộ ngư dân miền Trung vừa gặp hoạn nạn do thiên tai, cháy tàu và bị tàu lạ bắt giữ tàu, ngư cụ… với mức cao nhất là 500 triệu đồng, thấp nhất là 30 triệu đồng/hộ để bà con bước đầu trang trải nợ nần, tạo vốn liếng đóng sửa tàu mới. Số tiền còn lại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết sẽ sớm hỗ trợ những ngư dân khó khăn khác để bà con tiếp tục vươn khơi bám biển.

Văn Phúc


Trao giải cuộc thi sáng tác tranh biển đảo Việt Nam

Sáng 14-7, tại Trung tâm Văn hóa TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị diễn ra lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền chủ đề Biển, đảo Việt Nam; Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới và kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ. Tác phẩm “Mỗi người dân Việt Nam là một công dân biển” của tác giả Lê Anh (Nam Định) đoạt giải nhất chủ đề biển đảo.

Tác phẩm “Sống giữa tình thương đồng đội” của 2 tác giả Phạm Hùng Cường (Hà Nội) và Trần Đức Huy (Vĩnh Phúc) đoạt giải nhất, chủ đề kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ.

Ban tổ chức cũng trao giải nhất chủ đề cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới cho tác giả Hoàng Minh Phương (Nghệ An); giải phong trào cho 3 đơn vị là Trung tâm Văn hóa Vĩnh Phúc, Trung tâm Văn hóa triển lãm Hà Nội và Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Bình.

Cuộc thi được phát động (từ ngày 16-2 đến 30-4-2012), ban tổ chức nhận được 2.450 tác phẩm của 932 tác giả tham dự.

V.Thắng – L.Ngọc

Tin cùng chuyên mục