Chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ

Với tấm lòng sẻ chia và tình cảm tương thân, tương ái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí tham dự Hội nghị Trung ương 8 đã quyên góp ủng hộ đồng bào, đồng chí bị bão, lũ ở miền Trung, góp phần chung tay khắc phục, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, làm vơi nhẹ nỗi đau mất mát.
Chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ

Với tấm lòng sẻ chia và tình cảm tương thân, tương ái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí tham dự Hội nghị Trung ương 8 đã quyên góp ủng hộ đồng bào, đồng chí bị bão, lũ ở miền Trung, góp phần chung tay khắc phục, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, làm vơi nhẹ nỗi đau mất mát.

        Hàng tỷ đồng đã đến với đồng bào vùng lũ

Ngày 3-10, tại trụ sở Trung ương Đảng, trước khi bắt đầu phiên làm việc buổi chiều của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục thiệt hại do bão số 10 gây ra.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình có người bị nạn và gửi lời thăm hỏi ân cần đến toàn thể nhân dân vùng bị nạn do bão, lũ gây ra. Phát biểu tại lễ quyên góp, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cho biết, trước tình hình này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và toàn thể các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ gia đình có người bị nạn, ổn định đời sống nhân dân vùng bị bão, lũ tàn phá.

Các đội chống dịch ứng trực 24/24 giờ

Ngày 3-10, trước tình hình mưa lũ và ngập lụt diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh miền Trung, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên người tại những địa phương trên do ô nhiễm môi trường. Để triển khai các biện pháp phòng chống nhằm không để dịch bệnh xảy ra sau khi nước lũ rút, Sở Y tế các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh. Trong đó chú trọng tới bệnh tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, nước ăn chân, đồng thời tiến hành xử lý rác thải và xác súc vật chết.

Sáng 3-10, Đảng ủy Văn phòng Quốc hội phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Nguyễn Thị Kim Ngân, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Văn phòng Quốc hội đã dành ít nhất một ngày lương để góp phần giúp đỡ nhân dân vùng bão, lũ.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức lễ phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo, cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ đã tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ. Bước đầu, số tiền quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung được hơn 320 triệu đồng.

Chiều 3-10, cơ quan Thành ủy Hà Nội đã tổ chức lễ phát động quyên góp quỹ ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 10 gây ra. Tổng số tiền quyên góp được trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ quan Thành ủy Hà Nội còn trích từ nguồn kinh phí chăm lo phục vụ đời sống tổng số tiền 50 triệu đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung.

Chiều ngày 3-10, đoàn công tác TPHCM do Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Rảnh làm trưởng đoàn, đến tỉnh Nghệ An trao cho lãnh đạo tỉnh 700 triệu đồng và 200 phần quà để góp phần chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân gặp phải thiên tai. Đồng chí Nguyễn Văn Rảnh cho biết: “Món quà của người dân TPHCM tuy không lớn nhưng đó là cả tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM gửi đến đồng bào tỉnh Nghệ An với mong muốn người dân sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống…”.

Lãnh đạo TPHCM thăm hỏi, tặng quà đồng bào vùng bão xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Lãnh đạo TPHCM thăm hỏi, tặng quà đồng bào vùng bão xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận và Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Võ Thị Dung cùng đoàn công tác của TPHCM đã đến thăm và tặng quà cho người dân bị thiệt hại đặc biệt lớn do bão số 10 gây ra ở tỉnh Quảng Bình. Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Bình Lê Hùng Phi cho biết: TPHCM là đơn vị đầu tiên đã cử đoàn công tác về với người dân vùng tâm bão bị thiên tai, thể hiện tấm lòng tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Đoàn lãnh đạo TPHCM đã trao hỗ trợ bước đầu cho UBMTTQ tỉnh Quảng Bình số tiền 2 tỷ đồng, đồng thời tổ chức trong ngày chuyến đi trực tiếp đến thăm và tặng quà cho 400 hộ dân bị thiệt hại nặng nhất tại 2 huyện Bố Trạch và Quảng Trạch với số tiền 200 triệu đồng.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của TPHCM đã có mặt tại xã biển Cảnh Dương (Quảng Trạch), nơi ngư dân thiệt hại nặng nề để thăm, tặng quà cho 100 hộ dân có tàu biển bị bão đánh đắm thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Cùng đó, đoàn công tác cũng lên xã Quảng Phương (Quảng Trạch) tặng quà cho 100 hộ dân bị thiệt hại nặng nhất, mỗi suất quà 500.000 đồng. Đoàn công tác lãnh đạo thành phố cũng đã đến thăm hỏi hai gia đình có người thân bị chết trong bão số 10 ở xã Đức Trạch (Bố Trạch) trao mỗi gia đình 5 triệu đồng.

Ngày 3-10, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ TPHCM, toàn thể cán bộ, phóng viên và công nhân viên của Báo SGGP đã đóng góp mỗi người một ngày lương (tổng cộng khoảng 56 triệu đồng) giúp đồng bào miền Trung sớm khắc phục hậu quả nặng nề sau bão. Đồng thời, Quỹ Cứu trợ thiên tai bão lụt của Báo SGGP do bạn đọc đóng góp hàng năm cũng đã trích 50 triệu đồng giúp đồng bào các tỉnh miền Trung trực tiếp bị thiệt hại nặng nề do bão. Với số tiền trước mắt 106 triệu đồng, mở đầu đợt vận động quyên góp hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lụt, Báo SGGP đã cử đoàn cán bộ, phóng viên khẩn trương trực tiếp đến thăm và hỗ trợ đồng bào tại những xã, huyện bị thiệt hại nặng nề nhất do bão tại tỉnh Quảng Bình.

Cũng trong ngày 3-10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung trong toàn quốc. Trung ương Hội tiếp tục ủng hộ đợt 3 là 5 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại nặng nề, đồng thời sẽ tiếp nhận sự ủng hộ của nhân dân cả nước. Được biết, Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cũng sẽ ra lời kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung Việt Nam trên toàn thế giới.

Ngày 3-10, Hội Chữ thập đỏ TPHCM tổ chức đợt quyên góp cứu trợ đồng bào bị lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, số tiền nhận được trong ngày trên 900 triệu đồng. Đợt quyên góp kéo dài đến ngày 31-10 tại số 201 Nguyễn Thị Minh Khai quận 1 và Hội Chữ thập đỏ 24 quận huyện. Trước đó, Hội Chữ thập đỏ TP đã trích 300 triệu đồng chuyển khoản nhanh hỗ trợ đồng bào các tỉnh thiên tai Bắc Trung bộ.

Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị giúp người dân lợp lại nhà bị tốc mái do bão.

Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị giúp người dân lợp lại nhà bị tốc mái do bão.

        Đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài đã gây ngập cục bộ ở huyện miền núi Phước Sơn, cô lập nhiều xã vùng cao. Lượng mưa ước tính khoảng 250mm. Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, có 5 xã vùng cao bị cô lập là Phước Kim, Phước Thành, Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Công với khoảng 4.000 hộ dân. Mưa lớn cũng gây ngập lụt tại xã Phước Hiệp, Phước Hòa, làm ách tắc giao thông các tuyến đường liên thôn, xã. Trong đó, ngập nặng nhất là thôn 1 và thôn 10 xã Phước Hiệp, nhiều hộ đã bị nước làm ngập nhà cửa.

Chiều 3-10, Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 30 - 100mm, cá biệt như tại thị xã An Khê, lượng mưa lên tới xấp xỉ 150mm. Chiều 3-10, nước trên sông Ba (khu vực thị xã Ayun Pa) đã đạt mức 156.27m, cao hơn báo động III là 0,27m. Trong buổi chiều, mực nước trên các sông tiếp tục có xu hướng tăng, với đỉnh vùng thượng nguồn sông Ba ở mức trên báo động II, vùng hạ lưu sông Ba trên mức báo động III. Một số trường học trên địa bàn huyện Chư Sê, nhà trường phải cho học sinh nghỉ học vì trường bị ngập sâu trong nước.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất hiện dịch đau mắt đỏ và bùng phát mạnh hơn sau bão số 10. Các cơ sở y tế luôn có đông người đến khám bệnh, trong đó chỉ riêng tại Bệnh viện Mắt Huế có khoảng 200 lượt người/ngày. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, trên thực tế số người mắc bệnh đau mắt đỏ còn cao hơn nhiều, bởi đây là bệnh thường gặp nên nhiều người tự mua thuốc điều trị tại nhà.

PGS-TS Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, để đối phó với bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh, bệnh viện các tuyến từ tỉnh đến huyện và cơ sở đã dự trữ đủ cơ sở thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Người bệnh nên tìm đến thầy thuốc để được hướng dẫn hoặc tư vấn cách điều trị hiệu quả, hạn chế bệnh lây lan hoặc bùng phát trên diện rộng...

Ngày 3-10, tại tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Nguyễn Lý Nguyên cho biết, đường hầm dẫn nước của công trình thủy điện La Hiêng 2 phải đóng cửa do mưa to, nước lũ từ thượng nguồn đổ về dâng cao tràn vào cửa hầm. Từ trưa 2-10, công tác tìm kiếm 2 nạn nhân còn mắc kẹt tại công trình này phải tạm dừng. Đến 7 giờ ngày 3-10, mực nước suối La Hiêng đã vượt qua đập tràn thủy điện La Hiêng 2 hơn 20cm (đỉnh lũ thiết kế đập tràn là 29,44m).

Như Báo SGGP đã thông tin, tại tỉnh Quảng Nam, ngày 2-10, người dân sống ở lưu vực sông Vu Gia như: Đại Lãnh, Đại Hưng (huyện Đại Lộc) nháo nhào vì thông tin đập thủy điện bị vỡ khiến nước lũ dâng cao. Thực chất, nước lũ dâng cao bất thường là do nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ với lưu lượng lớn hơn lưu lượng thông báo xả gần 2.800m³/giây.

Trước đó, sáng 2-10, Ban quản lý (BQL) dự án thủy điện Đắk Mi 4 (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam) có văn bản thông báo về “dự kiến điều tiết nước về hạ du sông Vu Gia”.

Theo đó, “sẽ mở cửa van cung của đập tràn thủy điện Đắk Mi 4 kể từ 9 giờ ngày 2-10 điều tiết hồ chứa thủy điện về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng từ 1.000 - 1.800m³/giây và sẽ xả theo diễn biến của lũ”. Thế nhưng, trên thực tế, thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ đến 2.744m³/giây, vượt hơn 1/3 lần so với biên độ lớn nhất (max) như thông báo. Chính vì thế, trưa 2-10, người dân các xã Đại Lãnh, Đại Hưng (Đại Lộc), vùng hạ du sông Vu Gia thấy nước sông dâng cao bất thường nên hoảng loạn chạy lũ vì ngỡ vỡ đập thủy điện.

Theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện lũ trên các sông từ Nghệ An đến Bình Định, Gia Lai và Kon Tum tiếp tục lên cao, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Đến sáng 3-10, lũ thượng nguồn sông La (Hà Tĩnh), sông Gianh (Quảng Bình), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) lên mức BĐ2, có nơi trên BĐ2; các sông khác ở mức BĐ1; các sông từ Phú Yên đến Bình Thuận có khả năng sẽ lên. Đến chiều tối 3-10, lũ hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn có khả năng lên mức 6,5m, dưới BĐ2 0,4m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu 3,2m, trên BĐ2 0,2m; hạ lưu sông La còn dưới mức BĐ1.

Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, trong những ngày tới, mực nước sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên. Đến ngày 6-10, mực nước cao nhất tại Tân Châu lên mức 4,45m (dưới BĐ3: 0,05m); tại Châu Đốc lên mức 3,85m (dưới BĐ3: 0,15m); tại các trạm chính hạ lưu, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3.

Miền Bắc: Giá thực phẩm tăng vọt do lũ miền Trung

Do ảnh hưởng của lũ lụt tại miền Trung nên hiện nay, nguồn thực phẩm, chủ yếu là nông sản, rau củ quả vận chuyển từ Nam Trung bộ, Đà Lạt và ĐBSCL ra miền Bắc để tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu đang gặp khó khăn. Nhiều container bị ách tắc ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… không thể đưa nông sản ra Bắc. Do đó, giá cả các loại thực phẩm, nông sản như rau củ quả, thịt heo ở thị trường Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đang có dấu hiệu tăng nhẹ, trong khi trong vòng 1 tháng gần đây, giá nhiều mặt hàng thực phẩm, nông sản ở miền Bắc đã tăng đáng kể do ảnh hưởng của thời tiết.

Trước tình hình trên, Sở Tài chính Hà Nội đã đề nghị các lực lượng trên địa bàn tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả, đặc biệt là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đường, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ đi lại...

Hiện tại, giá nhiều mặt hàng rau xanh vẫn tăng 200% so với trước đó. Cụ thể, giá bắp cải đã tăng lên 15.000-20.000 đồng/kg, rau muống 10.000-15.000 đồng/mớ, rau cải 25.000 đồng/kg, khoai tây 25.000 đồng/kg, cà chua 30.000 đồng/kg, bí xanh 25.000 đồng/kg… Nguồn thịt heo vận chuyển từ Đồng Nai, Bình Dương và ĐBSCL ra Lạng Sơn - Quảng Ninh để xuất khẩu sang Trung Quốc trong vòng 2-3 ngày qua cũng giảm hẳn do ách tắc ở Bắc Trung bộ vì lũ lụt.

NHÓM PV

Mọi sự đóng góp ủng hộ miền Trung khắc phục hậu quả cơn bão số 10, được Báo SGGP tiếp nhận tại Ban Chương trình - Xã hội, số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, ĐT: (08) 22111263; hoặc chuyển qua số tài khoản Báo SGGP: 310.10000.231438 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

>> Sau bão số 10, lũ lên nhanh và nguy hiểm

Tin cùng chuyên mục