Báo SGGP đến với người dân vùng bão

Ngày 6-10, Báo SGGP phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã trao 130 suất quà với tổng giá trị 70 triệu đồng ở xã biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề do bão số 10.
Báo SGGP đến với người dân vùng bão

Ngày 6-10, Báo SGGP phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã trao 130 suất quà với tổng giá trị 70 triệu đồng ở xã biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề do bão số 10.

        Bão “cướp” xã biển 96 tỷ đồng

Về với xã biển Hải Ninh, người dân đang gắng mình gượng dậy sau bão. Mái nhà dân tan hoang trước bão. Ông Mai Văn Buôi, Chủ tịch xã Hải Ninh, nói: “Bão to lắm các chú ạ, đời tui chưa thấy cơn bão nào như thế này, các ông bà già 80-90 tuổi nói họ cũng chưa thấy cơn bão nào tàn phá khủng khiếp như thế. Cả xã 99% nhà cửa của dân bị tốc mái, 3 nhà bị đổ sập hoàn toàn. Nhà tui mái ngói cũng bay tanh bành từ sau bão đến giờ cũng chưa sửa lại được, phải để rứa đi lo cho dân đã”.

Hải Ninh có hơn 1.200 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu, sống dựa vào kinh tế biển, nuôi tôm, đánh bắt gần bờ, dân kiếm gạo từng bữa, bão vào cuốn trắng tôm, quét sạch tài sản, học trò mất sách vở, người già mất áo quần, hộ gia đình thiếu ăn, mất điện. Ông Buôi nói như mếu: “Xã có 5 thôn, mới thống kê sơ bộ đã thiệt hại hết 96 tỷ đồng, bão ác quá, quét qua một phát đã lấy mất của dân từng nớ tiền, mà mỗi năm mỗi người chỉ thu được 3,6 tỷ đồng, chẳng biết thu mô mà bù vô để vực dậy cuộc sống”.

Bà Mai Thị Kiết cho biết: “Bão vô bất ngờ, dân chẳng kịp trở tay, cứ tưởng chiều mới vào, ai ngờ buổi trưa cơm nước chưa xong bão đã quét, tui chạy dài trên trảng cát về đóng cửa trốn nhưng không kịp, nhà cửa đã bị bật mái bay tan hoang”.

Đại diện Báo SGGP trao quà cho người dân bị thiệt hại sau bão số 10 tại Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Đại diện Báo SGGP trao quà cho người dân bị thiệt hại sau bão số 10 tại Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

“Hồ tôm là hy vọng của dân nghèo ở đây, cứ tưởng năm nay ăn chắc thu được vốn để trả nợ, ai ngờ chẳng được đồng nào, nợ ngân hàng ngập đầu, bão càn xong thiệt hại mới thống kê chưa hết đã hơn 30 tỷ đồng theo tôm rồi” - ông Buôi giãi bày.

        Chia sẻ khó khăn

Bão qua, xã Hải Ninh chống chọi đến tàn sức, Báo SGGP là đơn vị đầu tiên chung tay với địa phương chia sẻ phần nào khó khăn của bà con vùng biển bãi ngang với 70 triệu đồng, trong đó có 10 hộ khó khăn đặc biệt bị tốc mái nhà được hỗ trợ 1 triệu đồng, 120 hộ khó khăn khác được hỗ trợ mỗi hộ 500.000 đồng. Bà Kiết nhận 1 triệu đồng nói trong xúc động: “Tui lần đầu tiên nhận cứu trợ, thiệt là cảm ơn cán bộ báo ở trong miền Nam mà biết tui khó khăn rồi giúp đỡ”. Bà Kiết bị tốc mái nhà, đơn thân một mình, phải nhờ xóm làng lượm lặt mảnh vỡ dựng túp lều úp trên cát để chống chọi qua cái rét sau bão.

Nhà chị Nguyễn Thị Hòa (30 tuổi) có hai con, họ vừa mới xây được căn nhà cấp 4, niềm vui ngắn chẳng tày gang, vừa vô nhà mới đúng một tuần, bão quét tàn nhẫn, mọi thứ bay hết, cả áo quần, mái ngói, dấu vết gia tài còn lại trong nhà là chiếc ảnh cưới trên tường bị quăng quật nhàu nát cùng tờ giấy khen và chiếc đèn bão thiếu dầu thắp sáng. Nhận món quà 1 triệu đồng, Hòa rơi nước mắt: “Từ ngày bão đi qua đến chừ mới có đoàn đầu tiên đến thăm hỏi, em thiệt đỡ tủi. Chừ có món tiền ni em cố gắng vay mượn thêm, mua tôn về lợp lại mái nhà, tránh cảnh lợp bạt che giường ngoài trời cho con nằm, rét lạnh tội lắm”.

Thương nhất nhà mẹ Nguyễn Thị Toan (70 tuổi) ở một mình, nhà của mẹ là mấy chiếc kèo lồ ô buộc lại, tạm bợ lợp lên mấy tấm fibro bể tứ tung, mùa mưa dột nát, mùa nắng nóng bưng, nhưng bão cũng không tha, bão vào mẹ phải đi chạy nạn nhà hàng xóm. Bão tan, mẹ về, gia sản chụp trên cát nay chỉ còn đống hoang tàn. Thấy chúng tôi đến trao quà 1 triệu đồng, mẹ dâng trào nước mắt: “Mẹ không biết nói răng, chỉ biết cảm ơn thôi, chừ nhà cửa mất hết, không biết răng mà sống”.

Tất cả 130 phần quà chúng tôi đã trao tận tay, món quà tuy nhỏ, không với tới hết những mất mát thiệt hại toàn xã, nhưng trong lúc khó khăn này, bà con đón nhận với tình cảm quý giá. Mẹ Nguyễn Thị Hường, nhà tan nát nói: “Có một triệu đồng mừng lắm, ở vùng cát này làm chi ra, tình cảm như các chú, mẹ với làng không quên, cũng mong các chú giúp bà con vùng bão nhiều hơn, chứ nói thiệt khổ cực cả đời, chừ bão cướp sạch tài sản, mùa đông tới thì đói, rét là khổ nữa”.

THƯ NAM - MINH PHONG 

Khẩn cấp cứu cây cao su đổ ngã trong bão

Tính đến chiều 6-10, Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, hơn 50% trên tổng số hàng ngàn hécta cao su tại 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh bị đổ ngã trong bão số 10 đã được lực lượng xung kích là lực lượng quân đội, công an, dân phòng và đoàn viên thanh niên tỉnh này phối hợp với người dân trên địa bàn phát lá, đào hố trồng lại cây. Việc cứu cây cao su đổ ngã tiếp tục được đẩy mạnh trong vài ngày tới. Khó khăn là người trồng cao su trên địa bàn rất cần hóa chất zenlin, bôi vào những vết cây tước và vỏ để chống lở loét, nhiễm nấm hồng và nhiều loại bệnh khác.

Cùng ngày, đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, TP Cần Thơ và Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam đã đến thăm hỏi và trao tiền ủng hộ khắc phục bão số 10 cho chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong đó, đoàn Thanh Hóa ủng hộ 200 triệu đồng, đoàn TP Cần Thơ ủng hộ 100 triệu đồng và Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam ủng hộ 50 triệu đồng.

VĂN THẮNG - VĂN NHÂN

>> TPHCM: Trên 6,4 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung

Tin cùng chuyên mục