Tình người trong bão lũ

Sau khi cơn bão số 10 đi qua để lại những hậu quả nặng nề, Ủy ban MTTQ TPHCM ngay lập tức phát động đợt vận động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả. Ngay sau đó, TPHCM tổ chức 2 đoàn cứu trợ đến vùng tâm bão miền Trung để thăm hỏi, động viên tinh thần và trao quà cho người dân vùng bị thiên tai…
Tình người trong bão lũ

Sau khi cơn bão số 10 đi qua để lại những hậu quả nặng nề, Ủy ban MTTQ TPHCM ngay lập tức phát động đợt vận động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả. Ngay sau đó, TPHCM tổ chức 2 đoàn cứu trợ đến vùng tâm bão miền Trung để thăm hỏi, động viên tinh thần và trao quà cho người dân vùng bị thiên tai…

Đồng chí Nguyễn Văn Rảnh trao quà cho đồng bào gặp thiên tai.

Đồng chí Nguyễn Văn Rảnh trao quà cho đồng bào gặp thiên tai.


"TPHCM có truyền thống nghĩa tình nên luôn sẵn sàng chung tay góp sức để giúp đồng bào các vùng bị thiên tai bão lũ khắc phục khó khăn. Đó không chỉ là tình thương mà còn là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP mang tên Bác Hồ kính yêu"

Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM
NGUYỄN VĂN RẢNH

Đoàn cứu trợ TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Rảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy làm trưởng đoàn có mặt rất sớm tại tỉnh Nghệ An, nơi bị ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão số 10. Len lỏi đến khu vực nằm sâu trong thị xã Hoàng Mai, mọi người lội bì bõm trong nước lũ để đến từng nhà dân. Bà Lê Thị Nhợi, 88 tuổi, rưng rưng: “Tôi sống ở đây ngót 90 năm rồi mà chưa từng thấy trận lũ nào khủng khiếp như lần này, lũ đến rất nhanh đã cuốn trôi tất cả thóc lúa, rau màu, gà vịt, tôm cá khiến dân trắng tay…”. Không khí tang thương bao trùm xóm nhỏ. Ông Lê Văn Trung, ở xóm 19, xã Quỳnh Vinh buồn bã: “Nhà tôi có hơn 2 tấn thóc và đàn gia súc, gia cầm trị giá hàng trăm triệu đồng đều đã bị lũ cuốn trôi sạch, sắp tới không biết lấy gì để ăn đây…”.

Trong cơn bão lũ, khổ nhất vẫn là người già ốm yếu. Bà Bùi Thị Hiếc, 76 tuổi, cho biết: “Nhà tôi nghèo chỉ có mỗi cái nồi cơm điện mà cũng đã bị trôi mất…”. Bà Lê Thị Nghiêm (86 tuổi) nói: “Lũ quét mạnh quá, nếu không có người đến cõng đi chắc tôi cũng bị trôi rồi…”. Chị Đậu Thị Mỡn, chồng chết, một mình nuôi 3 con nhỏ ăn học, vừa để dành được thóc để ăn thì bão lũ tràn qua cuốn trôi mất 1,5 tấn thóc và đàn gà, vịt… khiến chị chỉ còn biết khóc ròng. Trước sự mất mát của dân, Chị Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, không cầm lòng: “Chúng tôi rất đau xót và cố gắng làm hết sức mình để lo cho dân sớm ổn định cuộc sống…”.
Để góp phần xoa dịu nỗi đau ấy, đoàn cứu trợ TPHCM đã trao cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An 600 triệu đồng và dành 100 triệu đồng tiền mặt cùng 200 phần quà trị giá 100 triệu đồng đến trực tiếp trao tận tay người dân. Nhận quà trong tay, bà con xúc động cho biết: “Đoàn cứu trợ TPHCM là đơn vị đầu tiên đến với người dân vùng bão lũ của tỉnh Nghệ An để giúp bà con sớm khắc phục khó khăn, ổn định đời sống…”. Ông Trần Trọng Khoan, nhà ở xóm 10, xúc động: “Trước nghĩa cử “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của đồng bào TPHCM dành cho người dân vùng bão lũ miền Trung, chúng tôi rất ấm lòng và không sao nói hết lời cảm ơn…”.
Đồng chí Nguyễn Văn Rảnh thăm hỏi một hộ dân gặp thiên tai.

Đồng chí Nguyễn Văn Rảnh thăm hỏi một hộ dân gặp thiên tai.

Rời tỉnh Nghệ An, đoàn cứu trợ TPHCM về 2 xã Tân Trường và Mai Lâm của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí đại diện Huyện ủy huyện Tĩnh Gia cảm động: “Chúng tôi rất biết ơn tấm lòng của người dân TPHCM, nghĩa cử cao đẹp này chính là chỗ dựa niềm tin và nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và người dân vùng bão lũ để tạo động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn…”. Tại huyện Tĩnh Gia, cơn bão số 10 làm vỡ 2 đập nước, gây thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng, nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước hơn 1m, toàn bộ tuyến quốc lộ cũng bị ngập nặng khiến giao thông ách tắc.
Với tấm lòng “thương người như thể thương thân”, đoàn cứu trợ TPHCM đã trao cho tỉnh Thanh Hóa 600 triệu đồng và trao 200 phần quà trị giá 100 triệu đồng cho đồng bào 2 xã bị ảnh hưởng bão nặng nề nhất. Đoàn còn trực tiếp đến thăm nhà ông Lê Văn Nhuần, 75 tuổi, ở xã Tân Trường là một cựu chiến binh đã từng vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, nay cuộc sống vẫn còn vất vả. Đoàn cũng đã đến nhà chị Lê Thị Liên có chồng mới mất trong bão lũ đang phải một mình nuôi 3 con nhỏ. Chị Liên nghẹn ngào: “Cảm ơn đoàn TPHCM đã đến động viên gia đình tôi thật đúng lúc…”.

Về tỉnh Hà Tĩnh, sau khi trao 600 triệu đồng cho lãnh đạo tỉnh, đoàn xuống xã Kỳ Anh. Khi đến nơi, đã có hàng trăm người dân đang chờ đón đoàn từ rất sớm. Ông Nguyễn Văn Duệ, thôn Minh Đức, huyện Kỳ Anh bộc bạch: “Gia đình tôi bị trôi sạch tài sản rồi, nay được đoàn tặng món quà đầy ý nghĩa này, tôi càng thấm thía nghĩa cử vì dân nghèo của đồng bào TPHCM dành cho…”. Được trực tiếp gặp gỡ động viên người dân, khi ra về, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy nhẹ lòng vì đã góp phần xoa dịu nỗi đau người dân…

MINH NGỌC

>> Báo SGGP cứu trợ đồng bào vùng bão đảo Cồn Cỏ

>> Mưa lũ miền Trung: Nhiều tuyến đường còn bị chia cắt

Tin cùng chuyên mục