Phản hồi loạt bài “Việc làm thời khó khăn” - Tăng cường tư vấn nghề nghiệp

LTS:
Phản hồi loạt bài “Việc làm thời khó khăn” - Tăng cường tư vấn nghề nghiệp

LTS: Sau khi đăng loạt bài “Việc làm thời khó khăn” (từ ngày 20 đến 22-5), Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả về thực tế thị trường lao động hiện nay cũng như đề xuất những giải pháp cụ thể. Báo SGGP xin trích đăng bài viết của ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM về vấn đề này.

Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM đã có những chuyển biến tích cực song thị trường lao động vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất và đã bắt đầu tuyển dụng nhiều lao động, trong khi đó cũng có không ít lao động phổ thông lại không tìm được việc làm.

Lao động thất nghiệp tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm TPHCM. Ảnh: Hồ Việt

Lao động thất nghiệp tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm TPHCM. Ảnh: Hồ Việt

        Nhiều nghịch lý

Thực trạng thị trường lao động tại TPHCM luôn trong tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ chuyên môn lành nghề và nhân lực. Điều đó cho thấy, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất - kinh doanh. Nghịch lý thiếu - thừa như trên một phần đẩy người lao động vào tình trạng thất nghiệp. Nguyên nhân lao động thất nghiệp còn ở chỗ người học ra trường vẫn chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp và việc làm; một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Đặc biệt, ngoại ngữ và kỹ năng là những yêu cầu rất thiết thực từ phía nhà tuyển dụng nhưng rất đông sinh viên chưa đáp ứng được. Trong khi đó không ít thanh niên đang học nghề, hoặc muốn nâng cao tay nghề để tăng thu nhập, không muốn làm việc theo dạng lao động phổ thông. Người lao động ở các tỉnh, thành phố khác đến thành phố làm việc muốn quay về làm việc ở các khu công nghiệp, chế xuất ngay trên quê nhà để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, thu nhập thấp cũng khiến nhiều lao động trong các nhà máy, các khu công nghiệp chuyển dịch sang một số lĩnh vực khác và lựa chọn công việc tự do... Các nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục chú trọng nhu cầu lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn. Vì vậy người lao động và trên 50% sinh viên mới tốt nghiệp có bằng cấp nhưng thiếu kiến thức thực tế, thiếu kỹ năng mềm còn gặp nhiều khó khăn để có được việc làm phù hợp, ổn định, người tìm việc hiện nay chủ yếu là sinh viên mới ra trường (chiếm trên 50%), thiếu kỹ năng thực tế dẫn đến nghịch lý cung - cầu vẫn tiếp tục.

        Tập trung nhiều giải pháp

Xu hướng tuyển dụng năm 2013 gay gắt hơn so với năm 2012, các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc phục hồi hoặc lên phương án để tái cấu trúc cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Điều này cũng đồng nghĩa, một bộ phận nhân lực có bằng cấp chuyên môn cao vẫn có thể phải thất nghiệp và khó tìm được việc làm ổn định nếu chưa đủ điều kiện nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn và khả năng thích nghi thực tế thị trường lao động. Trước tình hình một số doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động, giảm lương đã ảnh hưởng đến nguồn cung nhân lực, nhiều người lao động mất việc làm, thất nghiệp, thiếu việc làm, khó tìm việc làm… Do đó xu hướng tìm việc bán thời gian, việc làm tại nhà đang là sự lựa chọn của nhiều người lao động đang thiếu việc làm, khó tìm việc làm ổn định.

Với góc độ của người làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, theo tôi, TPHCM cần quan tâm các giải pháp sau: Trước hết, cần nâng cao năng lực các trung tâm giới thiệu việc làm, đa dạng hóa hoạt động dịch vụ việc làm đáp ứng nhu cầu của người lao động. Đây sẽ là nơi gặp và trao đổi thông tin, tuyển dụng và tìm kiếm việc làm nhằm kết nối nhanh nhất, hữu hiệu nhất giữa người lao động và nhà tuyển dụng. Doanh nghiệp tuyển dụng cần phối hợp cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động và cung ứng lao động, giới thiệu việc làm phục vụ đào tạo và tái đào tạo theo nhu cầu xã hội. Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lao động, xây dựng hệ thống theo dõi, cập nhật tình trạng lao động thôi việc, mất việc làm, di chuyển chỗ làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp.

Về vấn đề tiền lương có ảnh hưởng tới tất cả các phương diện trong tuyển dụng nguồn nhân lực của một doanh nghiệp và là mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Vì vậy các doanh nghiệp phải tìm cách cải thiện đời sống của người lao động. Muốn tuyển được lao động, có chất lượng không có cách gì khác ngoài lương cao, mức đãi ngộ công nhân phải tốt hơn.

Đồng thời, TP cũng cần chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống để thu hút nhiều lao động; nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lao động, xây dựng hệ thống theo dõi, cập nhật tình trạng lao động thôi việc, mất việc làm, di chuyển chỗ làm việc tại các doanh nghiệp và thực trạng lao động thất nghiệp tại các phường xã; phát triển các nguồn quỹ tín dụng việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề… để hỗ trợ người lao động mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn có khả năng tự tạo việc làm; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ học nghề cho thanh niên và chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề công nhân, người lao động trong doanh nghiệp; xã hội hóa và tăng cường giám sát chặt chẽ các hoạt động tư vấn nghề nghiệp - việc làm, cung ứng lao động, giới thiệu việc làm.

TRẦN ANH TUẤN  

Nhu cầu nhân lực của TPHCM quý 2-2013 tăng 33% so với quý 1-2013, nhu cầu tuyển dụng lao động chiếm tỷ lệ cao ở các nhóm ngành: kinh doanh, bán hàng (26,96%), dịch vụ, phục vụ (10,72%), marketing, quan hệ công chúng (6,48%), các nhóm ngành dệt may - da giày, công nghệ thông tin, kiến trúc - xây dựng công trình, vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu, hành chính nhân sự, kế toán - kiểm toán, tài chính ngân hàng, marketing - quan hệ công chúng, chăm sóc khách hàng, dịch vụ, phục vụ - du lịch... sẽ được doanh nghiệp tuyển dụng nhiều.… Cơ cấu trình độ tuyển dụng đội ngũ lao động phổ thông và sơ cấp chiếm khoảng 48%, công nhân kỹ thuật lành nghề và trung cấp chiếm 20%, còn lại là trình độ CĐ-ĐH trở lên. Nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật lành nghề có xu hướng tăng gấp 3 lần so với quý 1-2013. Theo thống kê từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu lao động toàn thành phố tháng 5 trên 20.000 chỗ làm. Trong đó cần tới 48% lao động phổ thông và lao động có trình độ sơ cấp, 20% kỹ thuật lành nghề và trung cấp, 15% cao đẳng và 17% đại học trở lên. Nhân viên kinh doanh, bảo vệ, giúp việc nhà… chiếm 56% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông.

HỒ THU


- Thông tin liên quan:

>> Việc làm thời khó khăn

- Bài 3: Cần giải pháp căn cơ

- Bài 2: Nhiều nghịch lý

- Bài 1: Xoay xở vượt khó 
 

Tin cùng chuyên mục