Vụ sai phạm tiền tỷ tại các doanh nghiệp công ích ở TPHCM: Đền bù thiệt hại cho người lao động

Ngày 28-8, trao đổi với PV báo đài về lãnh đạo một số doanh nghiệp công ích của TPHCM lãnh lương “khủng”, cũng như sai phạm tiền tỷ tại các doanh nghiệp này trong việc trả lương, sử dụng lao động đang gây xôn xao dư luận, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định: Quan điểm của UBND TP là xử lý kiên quyết vấn đề này theo hướng, thu hồi tiền sai phạm và khôi phục quyền lợi để đảm bảo công bằng cho người lao động.
Vụ sai phạm tiền tỷ tại các doanh nghiệp công ích ở TPHCM: Đền bù thiệt hại cho người lao động

(SGGP).- Ngày 28-8, trao đổi với PV báo đài về lãnh đạo một số doanh nghiệp công ích của TPHCM lãnh lương “khủng”, cũng như sai phạm tiền tỷ tại các doanh nghiệp này trong việc trả lương, sử dụng lao động đang gây xôn xao dư luận, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định: Quan điểm của UBND TP là xử lý kiên quyết vấn đề này theo hướng, thu hồi tiền sai phạm và khôi phục quyền lợi để đảm bảo công bằng cho người lao động.

Ông Trần Thiện Hà thừa nhận sai do không cập nhật các văn bản, chính sách của nhà nước.

Ông Trần Thiện Hà thừa nhận sai do không cập nhật các văn bản, chính sách của nhà nước.

Chiều cùng ngày, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM, đơn vị mà giám đốc nhận lương 2,6 tỷ đồng/năm, đã có văn bản phản hồi với PV Báo SGGP về “biện pháp hành động cấp bách” của công ty này khắc phục những hậu quả và sai phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động tiền lương. Theo đó, ngày 27-8, công ty đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong ban quản lý điều hành công ty để thực hiện những kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà theo nội dung Thông báo số 623/TB-VP ngày 26-8.

Cụ thể như sau: Trước hết công ty thực hiện ngay các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi và đền bù thiệt hại cho người lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động, đối với trường hợp 163 người lao động thường xuyên ký hợp đồng mùa vụ với thời hạn dưới 3 tháng và 355 người lao động ký hợp đồng dưới 1 năm. Công ty sẽ thực hiện công tác này trước ngày 10-9 và báo cáo chính thức UBND TP trước ngày 15-9. Thu hồi ngay toàn bộ số tiền chi tiền lương, tiền thưởng đối với 7 viên chức quản lý sai quy định trong 2 năm (năm 2011 và năm 2012). Công tác thu hồi sẽ hoàn tất trong tháng 9-2013. Các thành viên trong ban quản lý điều hành phải viết bản tự kiểm điểm cá nhân để xác định trách nhiệm và sai phạm của mình, tự nhận hình thức kỷ luật và biện pháp khắc phục hậu quả.

Cũng trong chiều 28-8, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM, đã có cuộc gặp gỡ, cung cấp văn bản liên quan cho báo đài về việc thực hiện kết luận của UBND TPHCM ngày 19-8. Ông cho biết, công ty có 2 thiếu sót, đó là thiếu sót trong việc ký hợp đồng thời vụ và chi lương vượt 1,2 tỷ đồng.

Về hợp đồng thời vụ, do nhu cầu của các đơn vị phụ thuộc cần một số lao động giản đơn để thực hiện duy tu ngắn hạn một số công trình nên chúng tôi chỉ ký ngắn hạn theo quy định là 2,5 tháng/người. Hết thời hạn lại ký tiếp, ký nhiều lần nhưng không liên tục. Kết luận thanh tra cho rằng đây là lách luật và công ty thấy có sai sót trong chuyện này. Về chi lương, từ năm 2010 trở về trước, lương của ban điều hành chia theo hệ số và phụ cấp trách nhiệm. Đến năm 2011, theo thông tư của bộ, công ty phải xây dựng quỹ tiền lương và phương án trả lương cho ban điều hành nhưng công ty chưa làm mà vẫn theo cách tính cũ, dẫn đến chi vượt. Cái này là do không cập nhật các văn bản chủ trương của nhà nước. Đây là 2 cái sai lớn. Sai thì phải sửa và chúng tôi phải chấp hành những yêu cầu, chỉ đạo của thanh tra và lãnh đạo thành phố.

Về phương án khắc phục, công ty đang triển khai ký hợp đồng lao động cho các lao động thời vụ. Về tiền lương, 7 thành viên trong ban điều hành phải nộp lại hơn 1,2 tỷ đồng trước ngày 1-9. Với trách nhiệm là lãnh đạo công ty, ông Hà đã viết thư xin lỗi người lao động và xin nhận hoàn toàn các sai sót…

VÂN ANH - THƯ LÊ  

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: "Phải xử lý vụ lương lãnh đạo doanh nghiệp công ích cao bất thường"

Tại buổi họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vào ngày 28-8, trước thông tin lương một số lãnh đạo doanh nghiệp (DN) công ích ở TPHCM cao bất thường đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, lương trong DN công ích, đặc biệt là lương của viên chức nhà nước quản lý trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được quy định rất chặt chẽ.

Năm 2007 có Nghị định 86 quy định, năm 2012 có Bộ luật Lao động. Sau đó, Chính phủ có Nghị định 50 và 51 giữa năm 2013 quy định rất chặt chẽ về cách hạch toán lương, mức lương của các viên chức quản lý trong DNNN, phân định rõ trong tập đoàn kinh tế là bao nhiêu, tối đa là bao nhiêu, trong tổng công ty là bao nhiêu với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc, kế toán trưởng… Mức cao nhất đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng.

Nghị định cũng quy định cuối năm thành tích tốt, lợi nhuận cao thì thưởng thêm nhưng không quá 1,5 lần mức lương. Như vậy, lương của lãnh đạo DN công ích ở TPHCM không đúng quy định, cần phải xử lý, đó là thẩm quyền của UBND địa phương, bộ ngành được giao quản lý DN. Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực này đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ tiền lương ở các DN thuộc phạm vi quản lý, ai làm không đúng thì phải xử lý.

Trả lời câu hỏi hiện nay lương của Thủ tướng là bao nhiêu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết ông không biết con số chính xác lương Thủ tướng là bao nhiêu, nhưng không quá 13 lần hệ số lương cơ bản (mức lương dành cho lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước). Theo hệ số mức lương tối thiểu mới điều chỉnh là 1.150.000 đồng thì có thể tính ra mức lương của Thủ tướng (hệ số lương của Thủ tướng là 12,5).

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục