Vụ phản đối sáp nhập trường ở Hà Tĩnh: Vận động phụ huynh cho con em đến trường học

Ngày 26-11, Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện miền núi Hương Khê và xã Hương Bình về vụ việc gần 600 học sinh các cấp tại xã Hương Bình vẫn chưa được cho đến trường học.

Theo lãnh đạo huyện Hương Khê, sau khi xảy ra tình trạng phụ huynh phản đối sáp nhập Trường THCS Hương Bình vào Trường THCS Hòa Hải và THCS Phúc Đồng, không cho con em đến lớp, mặc dù các tổ công tác của huyện, tỉnh đã trực tiếp về tận thôn, xóm tuyên truyền, vận động. Huyện cũng đã tạo mọi điều kiện cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn về học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ở thị trấn Hương Khê. Học sinh THCS Hương Bình học tại Trường THCS Hòa Hải, THCS Phúc Đồng và các trường THCS khác trên địa bàn huyện và được miễn đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất trường học trong năm 2014-2015; hỗ trợ mỗi học sinh THCS Hương Bình có hoàn cảnh khó khăn 1,2 triệu đồng để mua xe đạp.

Đối với những em học sinh ở 3 xóm thuộc diện 135 (có khoảng 65 em đang học bậc THCS) khoảng cách từ nhà đến trường từ 7km trở lên được hưởng chính sách hỗ trợ 15kg gạo/tháng/học sinh theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg, ngày 18-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ... Ngoài ra, hỗ trợ Trường THCS Hòa Hải 40 triệu đồng, THCS Phúc Đồng 36,6 triệu đồng để đảm bảo các điều kiện dạy học khi học sinh xã Hương Bình về nhập học theo dự kiến... Tuy nhiên, đến ngày 25-11, mới chỉ có 157/707 học sinh 3 cấp học trên địa bàn xã được đến trường, trong đó có 74/247 học sinh THCS, 43/255 học sinh tiểu học và 40/205 trẻ mầm non…

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh đã phê bình lãnh đạo xã Hương Bình và huyện Hương Khê trong thực hiện chủ trương sáp nhập trường tại xã Hương Bình. Đồng thời yêu cầu địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, khảo sát, xem xét hoàn cảnh gia đình của các em học sinh, những em nào thực sự khó khăn, nếu chưa có xe đạp sẽ hỗ trợ cấp xe đạp kịp thời, tạo điều kiện cho con em đi học, chỗ ăn, ở nếu học nội trú… Ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, việc sáp nhập trường là việc đúng đắn. Điều đó được chứng minh từ việc sáp nhập hàng trăm trường, lớp trong thời gian qua. Gia đình, phụ huynh cản trở không cho các em đến trường là vi phạm pháp luật. Tình trạng học sinh không được đến trường nếu xử lý không dứt điểm sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài.

Trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ trước đến nay, Hà Tĩnh đã làm tốt việc sáp nhập trường, còn sự việc tại Trường THCS Hương Bình một phần là do cán bộ cơ sở yếu kém, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa triển khai thấu đáo. Tỉnh vẫn nhất quán chủ trương sáp nhập trường, mong muốn người dân sẽ đồng thuận, tạo điều kiện cho con em đến trường. Nếu thay đổi không sáp nhập trường nữa thì sẽ gây ra nhiều hậu quả, hệ lụy  và có tiền lệ xấu sau này.

Không chỉ ở huyện Hương Khê mà tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho đến nay vẫn còn 132 em học sinh ở xã Kỳ Lợi (gồm 80 em ở bậc tiểu học và 52 em bậc THCS) chưa được gia đình cho đến điểm trường mới ở khu tái định cư xã Kỳ Phương để học tập. Số học sinh này là con em của 155 hộ dân do chưa kiểm đếm, chưa nhận tiền đền bù nhường chỗ cho các dự án trong Khu kinh tế Vũng Áng và đền bù chưa công bằng… nên gây sức ép với chính quyền địa phương bằng việc không cho con em lên học tập trên khu tái định cư mới. Mặc dù huyện Kỳ Anh đã trích kinh phí gần 100 triệu đồng/tháng hợp đồng thuê 2 ô tô đưa đón miễn phí 132 học sinh bậc tiểu học và THCS ở Kỳ Lợi đến những điểm trường mới và bố trí lớp học, chỗ ngồi cùng các chính sách hỗ trợ khác nhằm đảm bảo tốt nhất việc học cho các em học sinh mới chuyển đến. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nhất quyết không đồng ý.

DƯƠNG QUANG

- Vụ gần 600 học sinh ở Hà Tĩnh vẫn chưa đến trường: Phải đưa học sinh trở lại trường học trong thời gian sớm nhất

Tin cùng chuyên mục