Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 1-2015

Hàng loạt luật được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn tại kỳ họp thứ 7 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2015; trong đó một số luật được dự báo có tác động sâu rộng đến toàn xã hội.

Hàng loạt luật được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn tại kỳ họp thứ 7 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2015; trong đó một số luật được dự báo có tác động sâu rộng đến toàn xã hội.

Không cấm hôn nhân đồng tính

Thay thế Luật Hôn nhân và gia đình 2000, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã nâng độ tuổi kết hôn lên đủ 18 tuổi đối với nữ, đủ 20 tuổi đối với nam và tiếp tục không thừa nhận hôn nhân đồng tính, nhưng không cấm. Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn, nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi xảy ra tranh chấp. Luật này cũng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.

Hợp đồng từ 3 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Luật Việc làm năm 2014 quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ từ đủ 3 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trừ người lao động giúp việc gia đình hoặc đang hưởng lương hưu. Chủ sử dụng lao động vẫn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp dù sử dụng ít hơn 10 người lao động (trước đây khi sử dụng 10 lao động trở lên mới phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp).

Tăng gấp đôi mức phạt chậm nộp bảo hiểm y tế

Theo Luật Bảo hiểm y tế năm 2014, người sử dụng lao động thuộc diện phải đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì buộc phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây). Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

TAND cấp huyện có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản

Luật Phá sản năm 2014 quy định rõ thời điểm chủ nợ, người lao động bắt đầu có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ thời điểm hết 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán được. Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện là cấp có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với hợp tác xã và cả doanh nghiệp. Các giao dịch được thực hiện trong vòng 6 tháng trước ngày tòa án thụ lý đơn bị coi là vô hiệu.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục