Từ 1-1-2015, tăng mức lương tối thiểu vùng: Duy trì phụ cấp, trợ cấp

Từ 1-1-2015, tăng mức lương tối thiểu vùng: Duy trì phụ cấp, trợ cấp

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM đã chủ động điều chỉnh lương tối thiểu vùng, đồng thời duy trì các khoản phụ cấp đối với người lao động. Sở LĐTB-XH TPHCM và LĐLĐ TP cũng tăng cường giám sát, kiểm tra việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng tại các DN nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Công khai để công nhân theo dõi

Tất bật, nhộn nhịp trong không khí lao động sản xuất dịp cuối năm, hơn 19.000 công nhân Công ty TNHH Freetrend (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TPHCM) đều vui mừng khi hay tin được điều chỉnh lương tối thiểu thêm 400.000 đồng/người/tháng từ đầu năm 2015. Riêng các vị trí tạp vụ, mức điều chỉnh là 380.000 đồng/người/tháng. Ông Liêu Quang Vinh, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, mức lương của công nhân mới làm việc tại Freetrend đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng 2015 (3,1 triệu đồng). Phương án điều chỉnh lương được DN công bố công khai, niêm yết ngay cổng ra vào để tất cả công nhân theo dõi, giám sát.

Ông Huỳnh Đại Trí, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) cho hay, DN có hơn 1.300 công nhân, với mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng như trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành và lợi nhuận của công ty. Công ty hy vọng toàn thể công nhân viên lao động đồng cảm, đồng thời nỗ lực hết sức mình trong công việc để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc. Bên cạnh việc thực hiện điều chỉnh lương, công ty vẫn đảm bảo các khoản phụ cấp, trợ cấp. Dịp Tết Dương lịch, DN đã có mức thưởng 2,5 triệu đồng/người. Riêng nhà trọ, nếu công nhân không ở miễn phí trong khu lưu trú mà đi thuê trọ bên ngoài thì DN sẽ hỗ trợ mỗi người 300.000 đồng/tháng.

Công ty DID Electronic Việt Nam (KCX Linh Trung 2, quận Thủ Đức) cũng điều chỉnh lương đối với 500 công nhân. Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Chủ tịch Công đoàn công ty, các khoản phụ cấp, trợ cấp như hỗ trợ đi lại 100.000 - 900.000 đồng/người/tháng (tùy quãng đường); tiền sinh hoạt 200.000 đồng, chuyên cần 200.000 đồng… vẫn được giữ nguyên, không cắt giảm. Cùng với điều chỉnh lương tối thiểu vùng vào đầu năm, trong năm 2015, việc nâng bậc, tăng lương cho công nhân được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty may TNHH Mountech (Phú Nhuận).

Bà Huỳnh Thị Kim Bắc, Phó phòng Hành chính nhân sự Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi (quận Tân Phú, TPHCM) cho hay, DN có 800 công nhân lao động. Nhờ điều chỉnh lương tối thiểu vùng, mức lương trung bình của công nhân cũng được nâng lên, đạt 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Được điều chỉnh lương song một số công nhân lại… buồn vì phải trích nộp BHXH nhiều. Bà Bắc lý giải, đa số công nhân là lao động trẻ nhiều, họ muốn sử dụng ngay đồng tiền chứ không muốn “để dành” qua việc nộp BHXH. Trước tình hình trên, công đoàn công ty đã gặp gỡ, phân tích: mức lương tối thiểu vùng tăng, trích nộp BHXH nhiều thì sau này công nhân sẽ được hưởng lương hưu cao. Đó là lợi ích lâu dài đối với người lao động.

Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ

Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015), mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho DN như sau: vùng I là 3,1 triệu đồng/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu vùng I năm 2014 là 400.000 đồng), vùng II 2,75 triệu đồng/tháng, vùng III 2,4 triệu đồng/tháng và vùng IV 2,15 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, TPHCM thuộc vùng I (riêng huyện Cần Giờ thuộc vùng II); DN trên địa bàn nào thì thực hiện mức lương tối thiểu vùng trên địa bàn đó. Đối với DN có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Khi điều chỉnh lương tối thiểu, DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, các khoản phụ cấp, trợ cấp đang áp dụng tại DN. Đồng thời, DN cần xem xét đến tay nghề của công nhân. Mức lương thấp nhất trả cho lao động đã qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Tại quận Thủ Đức, bước đầu LĐLĐ quận nắm tình hình ở 39 DN và ghi nhận, các DN chấp hành tốt chủ trương, đã có kế hoạch điều chỉnh theo quy định; chưa thấy DN phản ánh có phát sinh khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch LĐLĐ quận Thủ Đức cho biết, gần giữa tháng 1-2015 đa số DN mới chi trả lương nên lúc đó quận sẽ nắm được tình hình một cách toàn diện hơn. Ông Bình nhận định, với DN lớn, làm ăn ổn định, việc điều chỉnh lương tối thiểu tăng 400.000 đồng/người/tháng là trong khả năng của DN. Nhưng với DN nhỏ, mức điều chỉnh như thế cũng là số tiền lớn và DN ít nhiều phải tính toán, tháo gỡ khó khăn. Gần giữa tháng 1-2015, LĐLĐ quận sẽ gặp gỡ các DN nhỏ nhằm ghi nhận những khó khăn và chia sẻ kịp thời với DN.

Sở LĐTB-XH TPHCM yêu cầu Ban Quản lý các KCX-KCN, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, 24 quận, huyện rà soát, giám sát, kiểm tra việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng ở DN; kịp thời phát hiện các vi phạm và bảo đảm các DN thực hiện việc trả lương và các chế độ khác đối với người lao động theo quy định.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục