“Cái tôi” dưới góc nhìn nhà giáo dục

Việc khẳng định “cái tôi” trong giới trẻ nếu không quá đà, sẽ là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Ngược lại, nếu được “bày biện” ra không đúng nơi, đúng lúc sẽ lố lăng, lập dị và nguy hiểm tùy theo mức độ. Và gánh nặng này đang đổ lên vai gia đình và nhà trường. Với tinh thần đó, chúng tôi đã tìm đến các nhà giáo dục, lắng nghe ý kiến của họ về vấn đề này.
“Cái tôi” dưới góc nhìn nhà giáo dục

Việc khẳng định “cái tôi” trong giới trẻ nếu không quá đà, sẽ là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Ngược lại, nếu được “bày biện” ra không đúng nơi, đúng lúc sẽ lố lăng, lập dị và nguy hiểm tùy theo mức độ. Và gánh nặng này đang đổ lên vai gia đình và nhà trường. Với tinh thần đó, chúng tôi đã tìm đến các nhà giáo dục, lắng nghe ý kiến của họ về vấn đề này.

Phạm Thị Lệ Nhân, Hiệu trởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TPHCM: "Cái tôi" phải gắn với tập thể

Theo tôi, thể hiện cá tính riêng biệt là tốt, nhưng tốt hơn nếu biết gắn “cái tôi” với số đông, với tập thể.

Nếu nói về “cái tôi” hay cá tính thì mỗi người mỗi khác, nhưng để “cái tôi” phát triển theo chiều hướng tốt, thì vai trò của nhà giáo dục là phải đưa các em về với 2 khái niệm: nhận thức và ý thức; theo đó, nhận thức mang tính quyết định. Nhà trường đặt các em vào khuôn khổ, nội quy, nhưng cũng hướng các em phát huy đúng năng lực, sở trường.

Khi giáo dục “cái tôi” cá nhân, chúng tôi dựa vào lứa tuổi để có phương pháp phù hợp. Học sinh có “cái tôi” hay cá tính quá lớn, đó là đối tượng cần quan tâm, nhưng cần phải luôn linh hoạt trong cách dạy dỗ, đưa các em về với chuẩn mực xã hội. Có thể gọi đó là “cá thể hóa giáo dục”. Ví dụ cùng một bài, một lớp học, nhưng với mỗi em sẽ có cách hướng dẫn khác nhau. Ngoài ra nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm sẽ kết hợp với gia đình, nắm bắt tâm lý các em, sở trường, sở đoản gồm những gì, tạo điều kiện để các em được phát huy, được thể hiện bản thân, đưa cái tôi cá nhân vào tập thể và hạn chế những mặt xấu.

Theo tôi, trường học như một xã hội thu nhỏ, và pháp luật chính là nội quy, mọi học sinh cố tình vi phạm thì đều bị xử phạt, nhẹ thì nhắc nhở, kiểm điểm, nặng thì buộc thôi học. Tuy nhiên, cốt lõi của giáo dục là ngăn ngừa.

Bà LÊ THỊ LỆ VÂN, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 3, Q.5, TPHCM: Tôn trọng và biết
lắng nghe trẻ!

Nếu nói trẻ lứa tuổi dưới 5 đã dần biểu lộ “cái tôi” thì tôi không thấy như thế. Có thể các em sẽ bộc lộ điều đó ở lứa tuổi cấp I, thế nhưng, từ lứa tuổi mầm non - lứa tuổi ngấp nghé dần ý thức về cái tôi cá nhân - thì phụ huynh và nhà trường sát sao trong dạy dỗ con em dần là vừa.

Trẻ em ngày nay khác nhiều so với trẻ ngày xưa. Trẻ em ngày xưa “ngoan” hơn, ngoan trong sự áp đặt của người lớn, nên thụ động; còn trẻ ngày nay năng động hơn, có ý thức về bản thân và có kiến thức về cuộc sống xung quanh khá sớm, do điều kiện kinh tế phát triển hơn, phương tiện giải trí nghe nhìn phong phú hơn…

Trước một đứa trẻ lanh lợi và năng động như thế, phương pháp giáo dục mầm non hiện nay, cụ thể là bộ chuẩn phát triển 5 tuổi, rõ ràng phải khác ngày xưa, phải tôn trọng trẻ, để trẻ nói lên tiếng nói của chúng rồi mình căn cứ theo đó mà phân tích, khuyên răn, điều chỉnh dần cho trẻ. Cách điều chỉnh hiệu quả ở lứa tuổi này là kể cho trẻ nghe câu chuyện để thông qua đó trẻ rút ra bài học cho bản thân.

Việc bắt ép, quát nạt, đánh mắng trẻ hoàn toàn phản giáo dục. Tôi cũng xin nhắn nhủ đến phụ huynh mầm non, nếu chúng ta quát nạt, đánh mắng trẻ là chúng ta đã “hết cách”, và một khi phương pháp cuối cùng này không còn hiệu quả với trẻ, thì rõ ràng cha mẹ đã thất bại trong việc uốn nắn một mầm non.  

Để tiết chế “cái tôi” ở trẻ, theo tôi, cách tốt nhất là cho trẻ thực hiện những kỹ năng tập thể như: Nếu ở trường, trẻ học cách tự làm những việc vừa sức như đặt đồ dùng cá nhân đúng chỗ, tự xúc ăn, cùng nhau chơi, cùng nhau trồng cây, kết nút áo… thì ở nhà, phụ huynh cũng để trẻ tự làm những việc vừa sức như mặc áo quần, mang giày dép, gấp quần áo, khăn ăn… Để qua đó, trẻ dần thấy rõ trách nhiệm trong một gia đình, một tập thể để phát triển lòng yêu thương, sự chia sẻ và biết lắng nghe.

Ông Sơn Ngọc Tranh, Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Q.Gò Vấp, TPHCM: "Cái tôi" sẽ thay đổi theo thời gian

Theo tôi, “cái tôi” của bạn trẻ sẽ thay đổi theo thời gian, độ tuổi, môi trường. Cụ thể học sinh lớp 10 khi bước vào môi trường mới với bạn mới, thầy mới… các em thường muốn chứng tỏ, muốn thể hiện “cái tôi” của mình với mọi người xung quanh. Tuy nhiên qua năm lớp 11 thì “cái tôi” đã đằm xuống bớt; và đến năm 12 thì các em đã trưởng thành về ý thức, nhận thức, trở nên gắn kết với mọi người hơn. Dĩ nhiên, cũng có nhiều học sinh cá biệt với “cái tôi” bộc phát quá lớn. Với những trường hợp như vậy thì giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm không bỏ mặc các em, hoặc trả về gia đình… vì như vậy sẽ vô tình đẩy các em ra ngoài xã hội. Cần đặt mình vào vị trí các em, không nên lấy bản thân làm “chuẩn”, bắt các em phải làm theo mình. Nói như thế không có nghĩa là nhượng bộ các em mà xử lý vấn đề một cách có lý, có tình.

Theo kinh nghiệm riêng tôi, những em thuộc dạng cá biệt thường có đời sống tình cảm phong phú, sâu sắc, do các em đã trải qua những biến cố gia đình, hay cách giáo dục sai lệch của phụ huynh… Do vậy, người thầy cần định hướng, giáo dục các em, không để cho cái tôi cá nhân phình lên như quả bong bóng, có thể nổ tung bất cứ lúc nào, mà cần biết vực dậy, lôi kéo, gắn kết, hòa quyện cái tôi cá nhân của em vào cái ta của tập thể.

Song Phạm - Phúc Nguyễn Hoàng Tuấn thực hiện

>> Khi “cái tôi” trẻ hóa và hoang mang

Tin cùng chuyên mục