Nhiều người dân ở Cần Thơ “bán” thận: Nỗi đau dai dẳng

Việc nhiều nông dân nghèo ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ liều mình bán thận lấy tiền lo cuộc sống và trang trải nợ nần khiến dư luận chú ý. Liệu có đường dây lôi kéo, rủ rê, ép buộc nông dân và các thanh niên không nghề nghiệp đi “đổi” thận lấy tiền?
Nhiều người dân ở Cần Thơ “bán” thận: Nỗi đau dai dẳng

Việc nhiều nông dân nghèo ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ liều mình bán thận lấy tiền lo cuộc sống và trang trải nợ nần khiến dư luận chú ý. Liệu có đường dây lôi kéo, rủ rê, ép buộc nông dân và các thanh niên không nghề nghiệp đi “đổi” thận lấy tiền?

Chúng tôi đến xã vùng sâu Thạnh Phú thuộc huyện Cờ Đỏ, cách trung tâm TP Cần Thơ gần 70km. Từ đây, tiếp tục vượt hơn 20km đường nông thôn mới đến được các ấp 5, 6, 7 nơi được xem là “điểm nóng” của dân nghèo bán thận.

Câu chuyện bán thận đang là đề tài nóng hổi, được nhiều người bàn tán xôn xao khắp đầu đường, ngõ xóm. Tuy nhiên, nhiều người dè dặt khi chúng tôi hỏi thăm về những trường hợp bán thận hoặc đầu mối liên hệ để thực hiện việc bán thận.

        Nghèo túng hóa liều

Mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới tìm được nhà ông Hồ Văn Tranh (45 tuổi), đã “hiến” thận cho một người ở TPHCM cách nay hơn 3 tháng. “Vì nhà nghèo quá, không đất sản xuất, nên khi biết người bạn ở TPHCM tên Nguyễn Quốc Lợi, 37 tuổi, trong ngành công an bị hư 2 quả thận. Do chỗ quen biết, được hứa hỗ trợ tiền xứng đáng nên tôi đồng ý hiến cho anh ta một quả thận” - ông Tranh tâm sự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đầu tiên ở ấp 6 đi “bán” thận là ông Nguyễn Văn Bình (39 tuổi). Ông Bình là em rể, nhà kế bên ông Tranh. Năm 2013, ông Bình “hiến” cho một người không họ hàng, bà con ở TPHCM, được trả 100 triệu đồng. Sau khi về, vợ chồng ông Bình dọn đến ở tại ấp 1 xã Thạnh Phú vài tháng rồi đi đâu không rõ.

Tại ấp 5, 6, 7 xã Thạnh Phú, vì hoàn cảnh túng thiếu, nghèo khó, có 9 người nghèo bán thận lấy tiền. Trong số này, trường hợp của anh Danh Lan (32 tuổi, ngụ ấp 7) là khổ nhất. Ông Nguyễn Văn Nhơn (48 tuổi), Trưởng ban nhân dân ấp 7 xác nhận: “Danh Lan đi bán thận năm 2012. Lúc đầu nó giấu nhưng sau này thì thừa nhận. Đây là người đầu tiên trong ấp đi bán thận và là trường hợp bị rủ rê”.

Anh Danh Lan cùng 3 đứa con nheo nhóc.

Anh Danh Lan cùng 3 đứa con nheo nhóc.

Chúng tôi đến nhà Danh Lan vào buổi chiều, trong căn nhà nhỏ xíu, chưa đầy 20m², 3 đứa trẻ (2 gái, 1 trai) nheo nhóc đang đòi ăn cơm. Danh Lan vừa đi làm mướn về, dáng vẻ chậm rãi kể: “Trước món nợ gần 100 triệu đồng, em không biết tính sao để trả nên mới đi làm liều. Qua một người quen tên Phú Anh, ở ấp 5, xã Thạnh Phú hứa giúp em vượt qua cảnh khó khăn bằng cách sang Trung Quốc bán thận...

Thấy em đắn đo, Phú Anh cho em xem vết mổ của anh ấy vừa qua bên đó bán thận được 100 triệu đồng. Sau đó Phú Anh thường xuyên gặp, động viên, thuyết phục nên em về bàn với vợ... làm liều”. Sau khi Danh Lan đồng ý thì Phú Anh và một người tên Nghĩa ở TPHCM lo mọi thủ tục...

Cuối tháng 9-2012, Danh Lan cùng người “mua” thận tên Phú ở TPHCM sang một bệnh viện ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cắt và ghép thận... Ngày 13-10, Danh Lan trở về Việt Nam, được ông Nghĩa đưa cho 100 triệu đồng. “Ông Nghĩa và Phú Anh còn dặn em cố gắng tìm, giới thiệu thêm người mới, sẽ được trả công hậu hĩnh” - Danh Lan nói.

        Nghèo vẫn hoàn nghèo

Với số tiền có được, Danh Lan trả bớt nợ nần, dành một ít mua 10 con heo nuôi với hy vọng bán kiếm lời nhưng trúng ngay đợt heo xuống giá, thua lỗ. Bán xong đợt heo đó, vợ chồng Danh Lan lại rơi vào vòng luẩn quẩn nợ nần như trước. Đặc biệt khi sinh đứa thứ 3 thì gia cảnh càng khó khăn hơn.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Tranh khá dè dặt kể về manh mối, cũng như có hay không đối tượng vận động mình đi hiến thận. Tuy nhiên, trước tình trạng sức khỏe suy giảm của mình, ông Tranh nói: “Sau khi mổ về, tôi đi lại rất khó khăn, đến thời điểm này đã 3 tháng nhưng vẫn còn đau, không chạy xe được, thấy sức khỏe giảm sút 50% so với trước, giờ không làm được gì nặng, đi đứng cũng chậm hẳn so với ngày trước, cầm cây búa, đóng đinh mà tay cứ run bần bật”.

Theo như lời ông Tranh, khi mổ xong đang nằm điều trị ở bệnh viện thì có một người lạ đến thăm và mua cho bọc trái cây. Họ nói tôi về quê tìm thêm người đi bán thận, nếu có sẽ được tiền bồi dưỡng...

Trao đổi với Thượng tá Lê Văn Thơ, Trưởng Công an huyện Cờ Đỏ, ông cho biết huyện vừa có báo cáo xác minh gửi Ban Giám đốc Công an TP Cần Thơ về tình trạng người dân nghèo ở địa phương đi bán thận lấy tiền. Theo đó, tại xã Thạnh Phú từ năm 2012 đến nay có 8 trường hợp, trong đó, gia đình ông Ngô Văn Y (tạm trú tại ấp 5) có 5 người bán thận...

Dư luận không khỏi băn khoăn trước thực trạng này. Trách nhiệm của chính quyền các cấp, đoàn thể, các ngành chức năng đến đâu trong việc quản lý địa bàn, hỗ trợ vốn làm ăn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; cấp đất sản xuất đối với những gia đình đồng bào nghèo?

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục