Chậm giải tỏa chung cư: Nguy hiểm chực chờ

Dân muốn thỏa thuận với chủ đầu tư
Chậm giải tỏa chung cư: Nguy hiểm chực chờ

Kết quả kiểm định năm 2005, chung cư Cô Giang, quận 1, TPHCM xuống cấp ở mức báo động (chất lượng còn 50%). Năm 2007, UBND TP thuận chủ trương để UBND quận 1 giải tỏa, giao mặt bằng cho Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt thực hiện Dự án Khu căn hộ và Trung tâm Thương mại Pavilion Square, nhằm giúp cư dân chung cư sống an toàn, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Đến nay, sau 7 năm thực hiện dự án, chung cư Cô Giang vẫn đứng chông chênh, chực chờ gây họa. Vì sao?

Việc chậm giải tỏa chung cư Cô Giang đang kéo theo nhiều hệ lụy tại chung cư này. Ảnh: TUẤN VŨ

Việc chậm giải tỏa chung cư Cô Giang đang kéo theo nhiều hệ lụy tại chung cư này. Ảnh: TUẤN VŨ

Dân muốn thỏa thuận với chủ đầu tư

Tọa lạc giữa trung tâm TPHCM, chung cư Cô Giang được xây dựng từ năm 1968, gồm 4 lô A, B, C, D với tổng số 750 hộ dân cư ngụ. Năm 2005, sau hàng loạt sự cố rơi mảng tường, sập máng nước xảy ra, chung cư được kiểm định chất lượng. Kết quả, mức độ xuống cấp của chung cư là đáng báo động, chất lượng chỉ còn 50%.

Năm 2007, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương để Công ty cổ phần phát triển Đất Việt thực hiện Dự án Khu căn hộ và Trung tâm Thương mại Pavilion Square. Tiến độ bồi thường của UBND quận 1 sau 3 năm triển khai công tác giải tỏa đền bù, đến nay có 621/884 hộ dân di dời khỏi chung cư. Số hộ dân còn lại chưa giao mặt bằng vì chưa đồng ý với phương án bồi thường của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1.

Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho rằng hơn 20% cư dân chung cư Cô Giang đến thời điểm này không chịu giao mặt bằng với lý do mức bồi thường thấp là không hợp lý, thiếu cơ sở pháp lý. Ông Hòa phân tích: Từ khi triển khai thực hiện dự án, chính quyền địa phương luôn nghiên cứu, áp dụng các chính sách có lợi và tiện ích nhất cho cư dân. Bên cạnh hai phương án bồi thường là “nhận tiền trọn gói, tự lo nơi ở mới”, hoặc “nhận tiền hỗ trợ tạm cư, chờ nhận nhà tái định cư tại chỗ”, địa phương còn linh động áp dụng các phương án bổ sung theo nội dung Nghị quyết 34/2007 của Chính phủ cho bà con.

Cụ thể, những hộ không có nhu cầu tái định cư, không muốn nhận tiền trọn gói, có thể trực tiếp thỏa thuận, bán nhà lại cho chủ đầu tư. Việc mua bán căn hộ còn được miễn phí các loại thuế liên quan. Ngoài ra, những căn hộ bị giải toả có diện tích 12m², 24m² (chưa đủ diện tích tối thiểu theo quy định) cũng được đổi ngang căn hộ mới 30m². Đối với mức giá bồi thường, trước khi ban hành, cơ quan thẩm quyền đã thẩm duyệt theo đúng các thủ tục quy định. “Với các phương án trên, cư dân chung cư Cô Giang không thiệt thòi trong bồi thường khi bị giải tỏa”, ông Hòa nói.

Trong khi đó, nhiều hộ dân chưa chịu giao mặt bằng cho rằng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 và chủ đầu tư còn mập mờ trong phương án và các thủ tục bồi thường.

“Theo quy định, đối với các dự án thương mại, chủ nhà đất có quyền được trực tiếp thỏa thuận với chủ đầu tư về giá bồi thường và giá bán lại căn hộ. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, cư dân chúng tôi không hề nhận được thông báo nào về việc này từ UBND quận 1 cũng như từ chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư thương lượng với dân từ trước, tôi nghĩ việc giải tỏa chung cư Cô Giang không kéo dài đến vậy, bà con ở đây cũng không phải sống chung với nguy hiểm tới thời điểm này”, bà Hà Bửu Anh, chủ căn hộ 209 lô D, bày tỏ.

Một số hộ dân khác còn đưa ra lý do chưa chịu giao mặt bằng: “Chủ đầu tư chưa kịp thỏa thuận với dân thì UBND quận 1 lại ra Quyết định 18 với nội dung “trường hợp không thỏa thuận được với chủ đầu tư thì áp dụng theo chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại dự án này”. Như thế khác nào quận “mở đường” cho chủ đầu tư áp đặt giá khi thỏa thuận với dân?”.

Hệ lụy kéo theo

Trong khi chính quyền và hơn 200 hộ dân còn lại chưa thống nhất được phương án bồi thường thì chung cư Cô Giang ngày càng rệu rã.

Ghi nhận trên các tầng của 4 lô chung cư vào những ngày giữa tháng 5-2014, chúng tôi thấy trần của hành lang bị nứt toác, lộ cốt thép, nhiều mảng bê tông bị bong còn dính lủng lẳng trên cao khiến sự cố sập tường, sập trần có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Ngoài ra, nhiều căn hộ, chủ nhà chuyển đi từ những năm trước hiện nay đang trở thành những “kho chứa rác”, khiến muỗi phát sinh, ảnh hưởng người dân trong khu vực.

Đối với hàng trăm hộ dân đã giao mặt bằng (chọn phương án nhận nền tái định cư) cũng đang thắc thỏm, lo âu không kém. Ông Nguyễn Thành Thai, chủ căn hộ 106, lô A, chung cư Cô Giang trước đây, than: “Từ ngày chuyển ra tạm cư, kinh tế gia đình giảm sút nghiêm trọng. Chưa được chính quyền và chủ đầu tư cho biết thời điểm giao nhà cụ thể nên chúng tôi không thể có kế hoạch làm ăn lâu dài, chất lượng cuộc sống ngày càng giảm dần”.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Lưu Trung Hòa, cho biết: Chủ đầu tư đã có văn bản cam kết giao nhà tái định cư sau 42 tháng (để làm thủ tục và thi công công trình) kể từ khi nhận được mặt bằng trống. Do đó, thời điểm bàn giao nhà tái định cư phụ thuộc vào thời điểm hoàn thành công tác di dời giải phóng mặt bằng. Địa phương mong muốn các hộ dân còn lại cần sớm giao mặt bằng để dự án được đẩy nhanh tiến độ. Càng kéo dài thời gian giao mặt bằng, người dân càng chịu thiệt chứ không ai khác.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục