Đóng tàu cá vỏ sắt

Đóng tàu cá vỏ sắt

“Trước hàng loạt các vụ tấn công vô nhân đạo của tàu Trung Quốc nhắm vào ngư dân, chúng ta cần nhanh chóng tiếp sức, tạo điều kiện để thay đổi tư duy cho ngư dân, cấp thiết chuyển tàu cá thân gỗ truyền thống sang tàu vỏ sắt công suất lớn khi hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa” - ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định như trên trong cuộc trò chuyện với PV Báo SGGP.

Ông Lê Viết Chữ

Ông Lê Viết Chữ

- Phóng viên: Những ngày này, TPHCM cũng như các địa phương khác đã nhanh chóng có rất nhiều hoạt động hướng về biển đảo, về ngư dân và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, ông đánh giá như thế nào về điều này?

>> Ông LÊ VIẾT CHỮ: Trong những năm qua, người dân Quảng Ngãi nói riêng, miền Trung nói chung mỗi khi gặp thiên tai luôn nhận được sự chia sẻ, cảm thông của đồng bào cả nước, đặc biệt từ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Hơn một tháng qua, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hạ đặt trái phép, ngư dân miền Trung vừa đánh bắt mưu sinh, vừa góp phần phối hợp cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Những hiểm nguy, vất vả mà ngư dân miền Trung đang phải đối mặt cũng là lúc nhanh chóng nhận được sự quan tâm của rất nhiều từ TPHCM thông qua gọi điện thoại, nhắn tin động viên tinh thần cũng như hỗ trợ vật chất. Đây là những cử chỉ quan tâm rất kịp thời, quý giá. Nhân dân miền Trung, ngư dân Quảng Ngãi luôn tin tưởng tấm lòng của bà con cả nước và TPHCM. Qua đó, sẽ càng thấy rõ trách nhiệm của mình về việc tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông.

- Hạn chế nhất trong việc đánh bắt hiện nay của các ngư dân là gì, thưa ông?

Hiện Quảng Ngãi có 40.000 lao động trực tiếp trên biển và 200.000 nhân khẩu sống nhờ vào biển thông qua cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua, chế biến. Quảng Ngãi có 5.700 tàu, trong đó 2.400 tàu có công suất từ 90 mã lực (CV) đến 100 CV và trong số này có 800 tàu thường xuyên đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của chúng ta là hiện nay phương tiện đa số là tàu gỗ, sức vận tải yếu, công suất thấp nên khi gặp thiên tai, địch họa là không đủ sức chống chọi.

- Chủ trương của Chính phủ về hiện đại hóa tàu cá thông qua việc đóng tàu vỏ sắt, Quảng Ngãi hiện đã có chiếc tàu cá vỏ sắt đầu tiên, trong năm nay dự kiến tỉnh sẽ có thêm bao nhiêu tàu vỏ sắt nữa?

Với sự hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng xã hội và tự thân ngư dân, sẽ có 200 tàu vỏ sắt mới có công suất khoảng 1.000 CV. Đó là ưu tiên số một của tỉnh. Trong đó, trước mắt, Quảng Ngãi sẽ thí điểm tại huyện đảo Lý Sơn với vài chục chiếc. Chiếc tàu cá vỏ sắt đầu tiên do Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đầu tư đã cho ngư dân Mai Thành Văn (xã Bình Chánh) thuê.

Theo thông tin mới nhận được, chuyến đánh bắt đầu tiên đã về bờ, thu được khoảng 200 triệu đồng. Riêng trong năm nay, từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ ngư dân, tỉnh Quảng Ngãi đang xúc tiến đóng mới thêm 2 tàu vỏ sắt. Dự kiến số kinh phí cho việc đóng mới khoảng 14 tỷ đồng/2 chiếc. Hiện Quỹ Hỗ trợ ngư dân đã liên hệ với đơn vị đóng tàu để làm thủ tục đóng mới.

Chiếc tàu cá vỏ sắt đầu tiên có tải trọng 120 tấn được Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đóng mới và bàn giao cho ngư dân Mai Thành Văn, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi khai thác.

Chiếc tàu cá vỏ sắt đầu tiên có tải trọng 120 tấn được Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đóng mới và bàn giao cho ngư dân Mai Thành Văn, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi khai thác.

- Ông có thể đánh giá ưu điểm của tàu cá vỏ sắt?

Ngoài khả năng vượt trội so với tàu gỗ truyền thống, tàu vỏ sắt được lắp đặt các thiết bị hàng hải như hệ thống radar, máy định vị GPS, máy thu phát VHF, phao vô tuyến chỉ báo sự cố, la bàn từ, các loại phao cứu sinh, thiết bị cứu hỏa, cấp cứu, máy dò cá tầm quét 3.000m… sẽ hỗ trợ ngư dân rất hiệu quả.

- Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đã có hơn 10 tàu cá của Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm, va, cướp tài sản, đánh đập ngư dân? Những quan tâm của Quảng Ngãi với những tàu và ngư dân trên như thế nào, thưa ông?

Khi ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa bị tai nạn, hư hỏng do thiên tai, tàu Trung Quốc tấn công hoặc lỗi kỹ thuật thì ngư dân có thể yên tâm bởi những thiệt hại đó. Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh sẽ cùng chung tay xử lý, chịu trách nhiệm với mức hỗ trợ từ 30%, 50% hay 70% tổng giá trị tàu bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, những ngư dân trực tiếp đi trên tàu bị nạn sẽ được tặng động viên tiền từ 1,5 - 7 triệu đồng/người. Như đợt vừa rồi, sau khi hai ngư dân đi trên tàu cá QNg- 90205 TS bị kiểm ngư Trung Quốc đánh trọng thương là Nguyễn Tấn Hải và Nguyễn Huyền Lê Anh đã được Quỹ Hỗ trợ ngư dân tặng 7 triệu đồng/người, đó là chưa kể những hỗ trợ từ các mạnh thường quân, các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước.

- Số tiền ủng hộ, đóng góp của người dân trong và ngoài nước sẽ được quản lý, sử dụng như thế nào, thưa ông?

Từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ, đóng góp, ủng hộ của người dân trong và ngoài nước cho ngư dân Quảng Ngãi thông qua MTTQ tỉnh, chúng tôi sẽ dùng hỗ trợ bà con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; giúp sửa chữa lại các tàu đi đánh bắt trong vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bị tàu Trung Quốc va đâm và đóng góp cho Quỹ Hỗ trợ ngư dân để đóng mới tàu vỏ sắt. Chúng tôi sẽ giám sát việc sử dụng nguồn tiền này chặt chẽ và cam kết sẽ không phụ tấm lòng của nhân dân cả nước.

Về phía tỉnh, sẽ cùng bà con tổ chức sản xuất lại theo tổ hợp tác hoặc hợp tác xã và mạnh dạn hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực thu mua chế biến để nâng cao giá sản phẩm. Ngư dân có lãi hơn, sẽ đầu tư tàu, thuyền mạnh hơn. Đó là cách tốt nhất để ngư dân tiếp tục vươn khơi, tham gia bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

- Xin cám ơn ông!

HỒNG HIỆP - HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục