Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIV năm 2014: Đam mê dòng điện

Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIV năm 2014: Đam mê dòng điện

LTS: Ngày 17-8, giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIV - giải thưởng cấp TP, do Báo SGGP và Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức, sẽ được trao cho 12 cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo và tận tình trong công tác đào tạo, truyền nghề cho thợ trẻ. Bắt đầu từ số báo này, Báo SGGP lần lượt giới thiệu các điển hình xuất sắc được xét chọn trao giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay.

Trong 6 năm liền, từ 2008 - 2013, kỹ sư Ngô Văn Miên, Công ty cổ phần Máy An Phát, thuộc Tổng Công ty Liksin liên tục cho ra đời những công trình, sản phẩm sáng tạo, làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị.

Trong con mắt tinh đời, tinh nghề của kỹ sư Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Xí nghiệp Bao bì Liksin (đơn vị Miên vào thực tập năm 3 đại học, và nay là Giám đốc Công ty cổ phần Máy An Phát) thì Miên là “thằng nhỏ có thể mài giũa và làm ra trò đấy!”. Vì vậy, sau đợt thực tập, Miên là sinh viên duy nhất trong 7 bạn cùng trường chính thức vừa học năm cuối vừa được giữ lại xí nghiệp thực tập ở tổ Cơ điện.

Kỹ sư Ngô Văn Miên thao tác bên máy.

Tháng 10-2002, Miên được nhận tiền lương đầu tiên. “Giở phong bì ra xem, tôi choáng!”, Miên cười nhắc lại. Không “choáng” sao được khi chàng sinh viên nghèo Đồng Tháp ấy nhận được số tiền lớn 1,2 triệu đồng/tháng - số tiền có thể thanh toán dư dả tiền phòng trọ cho Miên và còn gửi về quê thêm hỗ trợ đứa em đang học sư phạm, giúp cha mẹ chút ít ở quê. “Tình yêu của tôi với nghề bắt đầu được nuôi dưỡng sâu đậm thêm từ những bài học thực tế trong công việc với kỹ sư Phước - người thầy, người lãnh đạo và từ những đãi ngộ ngày ấy xí nghiệp dành cho cậu sinh viên nghèo nhưng ham học như tôi”, Miên nói.

Tháng 1-2003, Miên tốt nghiệp và chính thức trở thành nhân viên của xí nghiệp. Chỉ 2 năm sau, Miên bắt đầu có những sáng kiến, cải tiến nho nhỏ được áp dụng thành công trong đơn vị, được ban lãnh đạo xí nghiệp khen thưởng. Đến nay, 36 tuổi, sau 12 năm làm việc tại Xí nghiệp Bao bì Liksin và sau là Công ty cổ phần Máy An Phát, Miên đã có trong tay hàng trăm sáng kiến, cải tiến. Trong số đó có nhiều sáng kiến đem lại giá trị cao, như làm máy rửa trục in (của xí nghiệp sản xuất giá thành khoảng 150 triệu đồng, giá nhập ngoại chất lượng tương đương là 350 triệu đồng); chế tạo máy sấy UV theo đơn đặt hàng của công ty khác (giá khoảng 90 triệu đồng, hàng ngoại giá 250 triệu đồng); chế tạo băng tải (chỉ tốn 75 triệu đồng, hàng ngoại giá 250 triệu đồng); chế tạo máy rửa lô anilox (giá khoảng 200 triệu đồng, hàng ngoại giá khoảng 400 triệu đồng)…

Với chức vụ Tổ trưởng tổ điện quản lý hơn 20 thành viên là những kỹ sư, công nhân kỹ thuật trẻ lành nghề, Miên còn tham gia thường xuyên dạy nghề, kèm cặp cho các sinh viên đến thực tập hoặc nhân viên mới. Là thủ lĩnh Đoàn thanh niên của công ty và ủy viên BCH Đoàn TNCS Tổng Công ty Liksin, Miên luôn tích cực kéo các bạn trẻ của đơn vị đi về nguồn, góp công, góp kinh phí xây dựng nhiều công trình cho trẻ em, học sinh nghèo vùng sâu vùng xa.

Trong quá trình giao máy theo hợp đồng của công ty với các đơn vị bạn hoặc đi bảo trì máy móc ở các tỉnh thành, Miên nhận được nhiều lời mời chào về làm việc rất hấp dẫn. Lúc Miên mới cưới vợ, chưa mua được nhà riêng, có nhiều thứ phải chi, trong khi nhiều đơn vị cũng muốn kéo Miên về với thu nhập cao hơn, nhưng Miên đều lắc đầu. “Không phải chê tiền mà làm đâu cũng là làm, miễn mình thỏa mãn được đam mê, thấy cống hiến của mình có hiệu quả, đem lợi về cho đơn vị và được tập thể tin cậy là tôi thấy hạnh phúc rồi”, Miên bộc bạch.

LINH ĐAN

Tin cùng chuyên mục