Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIV năm 2014: Vì an toàn lao động

32 năm trước, khi còn là một thanh niên tuổi đôi mươi, Sử Văn Dũng (Đội trưởng Đội Cơ động, Truyền tải điện miền Đông 2 - Công ty Truyền tải điện 4) rất ngưỡng mộ các anh thợ điện suốt ngày được ở tít trên cao. Nên sau này, Dũng xin làm công nhân đội đường dây, chứ không chịu ngồi văn phòng làm dân bàn giấy.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIV năm 2014: Vì an toàn lao động

LTS: Ngày 17-8, giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIV - giải thưởng cấp TP, do Báo SGGP và Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức, sẽ được trao cho 12 cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo và tận tình trong công tác đào tạo, truyền nghề cho thợ trẻ. Bắt đầu từ số báo này, Báo SGGP lần lượt giới thiệu các điển hình xuất sắc được xét chọn trao giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay.

32 năm trước, khi còn là một thanh niên tuổi đôi mươi, Sử Văn Dũng (Đội trưởng Đội Cơ động, Truyền tải điện miền Đông 2 - Công ty Truyền tải điện 4) rất ngưỡng mộ các anh thợ điện suốt ngày được ở tít trên cao. Nên sau này, Dũng xin làm công nhân đội đường dây, chứ không chịu ngồi văn phòng làm dân bàn giấy.

Ông Sử Văn Dũng (phải) luôn sát cánh cùng anh em trong đội trên các công trình.

“Dấn thân vào nghề, mới thấy hết tính chất nguy hiểm của công việc này. Người làm công tác đường dây, luôn phải vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây và thiết bị điện các trạm biến áp 220kV đến 500kV, kể cả sửa chữa điện nóng nên phải thường xuyên làm việc trên những sợi dây điện cao cách mặt đất 50m, có khi lên đến 156m, chỉ một sơ suất nhỏ đều có thể nguy hại đến tính mạng”, ông Dũng tâm sự. Với tính chuyên cần, chịu khó, đam mê nghề và ham học hỏi, ông thường tích cóp, ghi nhớ những việc đã làm để rút tỉa kinh nghiệm. Thói quen của ông là mỗi buổi tối suy nghĩ về công việc đã làm trong ngày và tìm cách để có thể thực hiện tốt hơn. Chính những đêm thao thức đó đã giúp ông đưa ra những sáng kiến để cải tiến công việc, nâng cao độ an toàn cho chính bản thân mình và anh em trong đội.

Điều ông trăn trở nhất là làm sao rút ngắn thời gian công nhân phải leo trèo trên các dây điện, nếu sửa chữa hư hỏng thì chỉ cần đứng tại trụ là có thể thao tác. Như vậy mới có thể giảm thấp nhất các tai nạn ngoài mong muốn. Nghĩ là làm, ông mạnh dạn đưa ra những sáng kiến để đảm bảo an toàn cho đơn vị thi công, bên cạnh đó giảm thời gian cắt điện để không gây cản trở sinh hoạt của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp. Từ công việc nhỏ đến dự án lớn, hễ thấy có cách làm tốt hơn là ông lại tìm giải pháp và đề xuất để thử nghiệm. Hầu hết sáng kiến của ông đều thành công và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo cũng như anh em trong đội vì giúp mọi người thấy an toàn hơn trong lao động.

Sáng kiến đầu tay của ông cách đây 20 năm chính là nâng cùng lúc xà và dây dẫn lên để giảm thời gian làm việc của công nhân. Từ thành công đó, liên tiếp những năm sau, hầu như năm nào ông cũng có những cải tiến được đánh giá cao và thực hiện áp dụng rộng rãi. Cải tiến mà ông cũng như toàn thể công ty tâm đắc nhất là giải pháp căng kéo đường dây 500kV Đắk Nông - Phú Lâm. Trước khi có giải pháp mới thì 3 ngày công nhân chỉ làm xong 1 pha, nhưng sau cải tiến 1 ngày đã có thể làm được 3 pha lại không cần cắt điện. Ông Dũng tâm sự: “Đường dây 500kV rất cao nên khi rút ngắn thời gian làm việc thì xem như đã giảm đi rất nhiều nguy hiểm cho công nhân, nên ai cũng ủng hộ sáng kiến này”. Nhờ những sáng kiến của ông mà công ty đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng và hạn chế thấp nhất sự cố xảy ra. Do đó ông nhận được nhiều bằng khen của của Liên đoàn Lao động TP, tổng công ty. Nhưng với người đội trưởng Sử Văn Dũng có làn da cháy nắng và nụ cười hiền lành thì điều tâm đắc nhất là cải tiến của ông đã giúp được anh em an toàn hơn.

Hiện ông cũng đang thử nghiệm 2 sáng kiến thay xà chống sét cho trụ néo và trụ đỡ. Với ông, còn làm việc là còn phải suy nghĩ, học hỏi và áp dụng những cái mới để công việc tốt hơn.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục