Vì sao trạm thu phí vẫn dày đặc?

Trước những bức xúc của bạn đọc về việc các trạm thu phí đường bộ dày đặc tại nhiều cung đường từ TPHCM đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước…, nhất là trên các quốc lộ 13, 14, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Nguyễn Văn Huyện (ảnh) để làm rõ vấn đề này.
Vì sao trạm thu phí vẫn dày đặc?

Trước những bức xúc của bạn đọc về việc các trạm thu phí đường bộ dày đặc tại nhiều cung đường từ TPHCM đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước…, nhất là trên các quốc lộ 13, 14, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Nguyễn Văn Huyện (ảnh) để làm rõ vấn đề này.

Vì sao trạm thu phí vẫn dày đặc? ảnh 1

* Phóng viên: Xin ông cho biết, Tổng cục ĐBVN có nắm được số lượng thực tế các trạm thu phí hiện nay ở các địa phương? Vì sao mật độ các trạm thu phí dày đặc như vậy trong khi quy định các trạm phải cách nhau 70km?

* Ông NGUYỄN VĂN HUYỆN: Hiện trên địa bàn TPHCM, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương có 25 trạm thu phí BOT do Bộ GTVT và UBND tỉnh, thành phố là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý. Các trạm này đều đã được xem xét, tính toán để có cự ly, mức thu phù hợp với các quy định hiện hành.

Sở dĩ có cảm giác các trạm thu phí dày đặc là vì nhiều tuyến đường, địa hình không cho phép đặt một trạm thu phí hai chiều mà phải đặt hai trạm thu phí một chiều, hoặc tuyến có nhiều đường nhánh phải đặt các trạm thu phí phụ để đảm bảo bình đẳng cho các đối tượng tham gia giao thông. Do đó, trên tuyến xuất hiện nhiều trạm thu phí nhưng thực tế người điều khiển phương tiện chỉ phải trả phí một lần khi tham gia giao thông vào tuyến đường thuộc phạm vi dự án.

Ví dụ, trạm Bình Thung, trạm An Phú, trạm cầu Ông Bố trên đường tỉnh 743 (Bình Dương) gồm 3 trạm nhưng chỉ thu phí ở một trạm khi vào, các trạm khác chỉ để kiểm soát đầu ra. Tương tự, trạm số 1, trạm số 2, trạm tỉnh lộ 11 trên đường tỉnh 747 (Bình Dương) cũng có 3 trạm nhưng chỉ thu phí một trạm…

* Nhưng những trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý và những trạm do địa phương quản lý đã bị chồng chéo với nhau, dẫn đến cự ly không được đảm bảo như quy định?

* Theo quy định hiện hành, việc xác định vị trí đặt trạm thu phí phải thỏa mãn nhiều điều kiện. Ví dụ, đối với đường quốc lộ, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và có quyết định thành lập trạm thu phí của Bộ trưởng Bộ GTVT. Đối với đường địa phương, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định. Văn bản ban hành quy hoạch mạng lưới trạm thu phí đường địa phương và quyết định thành lập trạm thu phí của UBND cấp tỉnh phải đồng thời gửi cho Bộ Tài chính và Bộ GTVT. Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT cần thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ), UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương).

* Cụ thể là những trạm nào, thưa ông?

* Hiện trạm Vĩnh Phú và trạm Suối Giữa (quốc lộ 13) do tỉnh Bình Dương quản lý, chủ đầu tư là Công ty Becamex Bình Dương, có khoảng cách giữa 2 trạm là 17km. Đây là 2 trạm thu phí cho 2 giai đoạn của dự án, được HĐND tỉnh Bình Dương chấp thuận tại Nghị quyết 06/2007/NQ-HĐND. Cũng trên quốc lộ 13, trạm cầu Bình Triệu do UBND TPHCM quản lý cách trạm 13 do tỉnh Bình Dương quản lý có 9,2km, được HĐND TPHCM chấp thuận tại Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND.

* Nhiều người dân rất bức xúc về trạm thu phí Vĩnh Phú và Suối Giữa cách nhau chỉ 17km. Với tư cách là cơ quan quản lý đường bộ, ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

* Hai trạm đó phải đặt như vậy nhằm đảm bảo không bị thất thoát thu phí, đảm bảo hoàn vốn cho dự án BOT. Trách nhiệm của tỉnh Bình Dương là phải tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ vì sao phải đặt như vậy. Tôi cho rằng, nếu thông tin một cách cụ thể, rõ ràng hơn cho người dân về mức đầu tư tuyến đường, thời hạn thu phí để hoàn vốn thì người dân sẽ sẵn sàng chia sẻ khó khăn với địa phương hơn.

* Vậy ông nghĩ thế nào về những bức xúc của người dân về việc mức thu phí cũng chưa tương xứng với chất lượng đường?

* Vừa qua, một số nhà đầu tư BOT thực hiện chưa tốt công tác bảo trì trong quá trình khai thác, gây bức xúc cho người dân. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT đã tăng cường kiểm tra công tác bảo trì của các dự án BOT và chấn chỉnh các nhà đầu tư. Đã có những trạm thu phí BOT bị buộc dừng thu phí để khắc phục các sự cố mất an toàn giao thông. Chẳng hạn, vào tháng 7-2014, trạm thu phí Đèo Ngang trên quốc lộ 1 đã bị buộc dừng thu phí do mặt đường phía trước hầm hằn lún vệt bánh xe và chỉ được phép thu phí lại sau khi đã khắc phục hoàn toàn.

Gần đây nhất, ngày 23-1-2015, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo việc sửa chữa quốc lộ 13 đoạn từ cầu Tham Rớt đến thị xã Bình Long, nếu không sẽ dừng thu phí. Hiện nhà đầu tư đang triển khai sửa chữa, dự kiến đến ngày 15-2 sẽ hoàn thành…

BÍCH QUYÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục