TPHCM - Nghĩa tình chăm lo Tết. Bài 1: Không chỉ là vật chất

Cứ đến những ngày cận tết, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể lại chia thành rất nhiều đoàn đi thăm hỏi, chúc tết, tặng quà cho tất cả các đối tượng chính sách, người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo… Sự chăm lo đều đặn với nhiều cách làm sáng tạo của các địa phương vào mỗi dịp tết đến xuân về, đọng lại trong lòng người dân không chỉ là vật chất…
TPHCM - Nghĩa tình chăm lo Tết. Bài 1: Không chỉ là vật chất

LTS: Năm cũ đang dần khép lại, cả nước chuẩn bị đón chào Tết Bính Thân 2016 với nhiều âu lo lẫn vui mừng. Đối với người dân TPHCM, những ngày này, tết như đang đến gần hơn khi không chỉ các công trình vui xuân như đường đèn, đường hoa, hội hoa xuân TPHCM... đồng loạt khởi động, mà công tác chăm lo tết cũng đã được triển khai rộng khắp. Bên cạnh nguồn ngân sách, ở thành phố nghĩa tình này, các nguồn lực xã hội chung tay đóng góp không nhỏ với mong muốn tất cả mọi đối tượng, mọi người dân đều có tết.

Cứ đến những ngày cận tết, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể lại chia thành rất nhiều đoàn đi thăm hỏi, chúc tết, tặng quà cho tất cả các đối tượng chính sách, người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo… Sự chăm lo đều đặn với nhiều cách làm sáng tạo của các địa phương vào mỗi dịp tết đến xuân về, đọng lại trong lòng người dân không chỉ là vật chất…

Mẹ không đơn độc

Thấy chúng tôi đến nhà, Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mưa (87 tuổi, nhà ở quận Tân Bình), hỏi: “Hôm nay các con không đi làm hay sao mà đến thăm mẹ vậy?”. Như bao lần, mỗi khi thấy ai đến thăm mẹ rất vui nhưng lại lo lắng các con lơ là việc cơ quan. Mẹ có chồng và con trai hy sinh cho Tổ quốc. Quê gốc của mẹ ở Củ Chi nhưng hơn 10 năm qua do sức khỏe yếu, phải thường xuyên ra vào bệnh viện nên mẹ chuyển về sống ở quận Tân Bình với người con út. Nhớ lại cái tết năm ngoái, vừa lau nước mắt, mẹ Mưa bảo: “Năm ngoái vì bệnh phải mổ nên gần tết mẹ phải nằm bệnh viện. Suốt thời gian ở bệnh viện, mẹ luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Các con dù bận rộn công tác nhưng vẫn thường xuyên vào thăm hỏi, trò chuyện, động viên giúp mẹ bớt buồn. Tuổi già rồi nên đâu cần vật chất gì nhiều, chỉ cần các con thường đến nói chuyện với mẹ thôi”. Năm nào cũng vậy, vào dịp tết, cán bộ địa phương thường tổ chức các đoàn đến nhà mẹ Mưa cũng như các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn quận để chúc tết. Từng lời hỏi thăm, động viên, những món quà nhỏ đã giúp các mẹ ấm lòng mỗi khi tết đến.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM thăm, chúc tết Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Khả

Nhiều người dân sống tại các con hẻm trên địa bàn quận 4, quận 7 khá quen thuộc với tiếng rao nghe đứt quãng của bà Nguyễn Thị Chín (70 tuổi, quê Quảng Ngãi): “Ai bán… ve chai không?”. Công việc của bà là đẩy chiếc xe tự chế đi hết con hẻm này đến khu phố khác để thu mua ve chai. Có người vừa bán vừa cho, có người thậm chí để dành ve chai khi bà đi ngang qua thì gửi tặng. Trong những ngày cuối năm, dù tiết trời se lạnh, các khớp chân lại đau nhưng bà Chín vẫn lặn lội đi làm. “Khi nào đau nhiều tôi mới nghỉ, chứ đau ít ít thì nhầm gì. Phải cố gắng đi làm tích cóp cho tuổi già. Với lại những ngày gần tết này, người ta dọn nhà, đồ cũ bỏ ra tôi thu mua được nhiều hơn”, bà Chín cho biết. Đối với những mảnh đời khốn khó phải chạy vạy miếng ăn từng ngày như bà thì khoảng thời gian nghỉ tết coi như bị thất thu. Nhưng không vì thế mà bà lo, buồn. Ngược lại, bà còn thấy hạnh phúc, ấm áp. Bà Chín chia sẻ: “Tết nào cũng vậy, các cô chú ở phường đều đến ân cần hỏi thăm sức khỏe, tặng bánh mứt, thịt gạo, mì gói… cho tôi. Tôi trữ ăn đến khi đi làm trở lại”. Sống ở nơi phố thị này hơn chục năm, cũng ngần ấy năm bà Chín nhận được bao nhiêu tình cảm tốt đẹp của những người sống quanh mình. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà nhận ra mảnh đất này thân quen như chính quê hương nơi mình được sinh ra.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, nguồn ngân sách phải căng kéo, nhưng Tết Bính Thân 2016 TPHCM dự kiến chi ngân sách tăng khoảng 25% so với kinh phí thực hiện năm 2015 để thực hiện chăm lo tết các đối tượng. Dự tính, số tiền chăm lo từ ngân sách cho tất cả đối tượng khoảng 670 tỷ đồng.

 

Gia đình anh Vũ Văn Tá (54 tuổi, nhà quận Tân Bình) thuộc diện khuyết tật khó khăn. Anh bị mù từ nhỏ, sinh sống bằng nghề bán vé số, bán kẹo dạo. Vợ anh sức khỏe yếu nên chỉ buôn bán lặt vặt gần nhà. Thu nhập gia đình rất bấp bênh. Cuộc sống hàng ngày đã khó nên vợ chồng anh đâu dám nghĩ đến ăn tết như thế nào. Ngày tết, anh Tá vẫn đi bán vé số để có thu nhập lo cho các con. Nhiều năm nay, nhờ sự hỗ trợ của Hội Người mù và chính quyền địa phương, gia đình anh Tá cũng có gạo, bánh và có nồi thịt kho trứng như bao gia đình khác. “Chính sự hỗ trợ này mà gia đình tôi có không khí mùa xuân. Các con tôi cũng không tủi thân vì gia cảnh khó khăn của mình”, anh Tá bày tỏ.

Chăm lo thiết thực

Từ nhiều năm qua, vào mỗi dịp tết đến, cùng với chính quyền TP, chính quyền quận - huyện, phường - xã, các tổ chức xã hội, đoàn thể cũng thực hiện nhiều hình thức chăm lo sáng tạo, thiết thực.

Theo kế hoạch, năm nay quận Tân Bình sẽ tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà, tiền cho Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, hưu trí, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật… Dự kiến mức chăm lo cho mỗi trường hợp là 500.000 đồng. Ngoài ra, trong Tết Bính Thân 2016, quận Tân Bình còn tổ chức gói bánh tét để chăm lo cho những gia đình nghèo, dân nhập cư trên địa bàn quận. Tại quận 1, từ nhiều năm nay, những ngày cận tết, các tổ chức đoàn thể của các phường lại phân công nhau đến các gia đình chính sách neo đơn, hộ nghèo để dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, nấu thức ăn, may áo mới tặng các em nhỏ.

Niềm vui của công nhân khi nhận được suất vé xe về quê ăn tết

Cùng chung tay chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, năm nay cũng như mọi năm, LĐLĐ quận 1 thường tổ chức họp mặt những thành viên nghiệp đoàn xe ôm trên địa bàn quận. Theo bà Hồ Bích Ngọc, Chủ tịch LĐLĐ quận 1, các thành viên trong nghiệp đoàn xe ôm đa phần có hoàn cảnh khó khăn, có người cuộc sống rất khó, làm ngày nào thì chỉ đủ trang trải sinh hoạt ngày đó nên tết đến nhiều người trong nhà không có nồi thịt kho. “Dịp tết năm nay, LĐLĐ quận cũng sẽ họp mặt, tặng quà các thành viên trong nghiệp đoàn. Riêng những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật chúng tôi sẽ tổ chức tặng thêm quà, tiền để họ có chi phí mua sắm tết cho gia đình”, bà Hồ Bích Ngọc cho biết.

Góp phần chăm lo cho người khuyết tật cũng như trẻ mồ côi mỗi độ tết đến xuân về, hàng năm Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM tổ chức chương trình cây mùa xuân “Thắp sáng lòng nhân ái” nhằm đem đến những món quà tình nghĩa cùng với hương vị ngày tết cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là lần thứ 15 chương trình được tổ chức. Dự kiến 2.000 người khuyết tật và trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt ở cộng đồng, các cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở, các trung tâm thuộc hội sẽ được tham dự chương trình lễ hội và nhận quà với mỗi phần trị giá 500.000 đồng. Theo bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, chương trình Cây mùa xuân giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi có thêm niềm tin rằng mình luôn luôn có trong lòng mọi người, luôn được cả cộng đồng chăm lo, từ đó họ có được niềm tin và cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Chính ý nghĩa cao đẹp ấy, chương trình Cây mùa xuân đã nhận được sự chung tay góp sức của lãnh đạo Thành ủy, UBND, UBMTTQ TPHCM cùng các mạnh thường quân, các doanh nghiệp để mang đến những món quà xuân đầy ắp lòng nhân ái cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thái Phương - Mai Anh

Tin cùng chuyên mục