Dạy trẻ tránh những vụ bạo lực

Qua một số vụ bạo lực học đường được quay lại và tung lên mạng, người lớn có thể thấy dường như có sự vô cảm, manh động của các em trong lứa tuổi lẽ ra nghĩ nhiều đến những điều tốt đẹp. Trách nhiệm phòng chống bạo lực trong nhà trường thuộc cả về gia đình và nhà trường. Nhưng ở góc độ gia đình, người lớn cần quan tâm đến việc dạy trẻ tránh những vụ bạo lực, nhất là các trường hợp chỉ vì va chạm cá nhân với nhau.
Dạy trẻ tránh những vụ bạo lực

Qua một số vụ bạo lực học đường được quay lại và tung lên mạng, người lớn có thể thấy dường như có sự vô cảm, manh động của các em trong lứa tuổi lẽ ra nghĩ nhiều đến những điều tốt đẹp. Trách nhiệm phòng chống bạo lực trong nhà trường thuộc cả về gia đình và nhà trường. Nhưng ở góc độ gia đình, người lớn cần quan tâm đến việc dạy trẻ tránh những vụ bạo lực, nhất là các trường hợp chỉ vì va chạm cá nhân với nhau.

Hướng dẫn học sinh ứng xử thân thiện trong học đường

Dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ

Các biểu hiện yêu thương người khác là biết quan tâm, chia sẻ với niềm vui nỗi buồn, sự việc khó khăn… đối với người khác, nhất là những người gần gũi với mình. Ở gia đình, đó là cha mẹ, anh chị em, ông bà, họ hàng, lối xóm…, là những người gặp mặt thường xuyên, có nhiều dịp trao đổi, chia sẻ. Do đó, cha mẹ phải làm gương trong việc quan tâm, chia sẻ với người khác; đồng thời luôn dạy con biết yêu thương, giúp đỡ những người mình quen biết. Cha mẹ phải chú ý giáo dục con cái phải biết động viên, chia sẻ lẫn nhau, tránh thái độ vô cảm, ích kỷ, dửng dưng… Đặc biệt, trong bối cảnh các phương tiện thông tin, giải trí cá nhân chiếm ưu thế, nếu không có sự quan tâm đúng mực thì trẻ gần như chỉ biết cuộc sống ảo mà quên hết những gì thực tế diễn ra quanh mình. Khi trẻ biết yêu, quan tâm đến người khác hẳn sẽ khó có hành vi bạo lực.

Dạy trẻ không xúc phạm, ganh tị với người khác

Rất nhiều trường hợp bạo lực xảy ra khi có một sự xúc phạm đến người khác mà do trẻ thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng, thậm chí cố ý gây ra. Đôi khi, sự xúc phạm chỉ là sự vô tình, như trêu ghẹo anh chị em, làm lộ một bí mật của người khác, tị nạnh việc nhà, so bì tình cảm với anh chị em… Do đó, trong ứng xử, trẻ cần được dạy cách tôn trọng lẫn nhau với tinh thần “điều gì mình không thích thì đừng làm cho người khác”. Có những biểu hiện chưa phù hợp trong ứng xử thì cần được uốn nắn ngay. Chẳng hạn, khi cha mẹ nghe những câu như “ba/mẹ thương em hơn thương con”, “chắc con là con nuôi hay sao”, “tại sao con lúc nào cũng phải nhường cho em”… thì phải giải thích ngay cho con hiểu, tránh sự ngờ vực có thể dẫn đến thương tổn về mặt tâm lý, tình cảm, từ đó biến thành hành vi bạo lực.

Dạy trẻ biết nơi cần cầu cứu, xin ý kiến

Trong rất nhiều sự việc, bản thân trẻ không thể tự xử lý được tình huống mà cần có sự trợ giúp của người lớn. Do đó, trẻ cần được hướng dẫn rằng khi xảy ra “sự cố” thì có thể tìm đến với ai để làm “trọng tài”, để nghe lời khuyên, lời tư vấn, thay vì tự mình giải quyết theo cách riêng, mà thường do thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, trẻ có thể xử lý sai lầm. Trong gia đình, nếu anh chị em có bất đồng với nhau, cần thiết trao đổi với cha mẹ để được chia sẻ, giải thích, xử lý, không được tự ý xử sự. Chẳng hạn, khi con lớn cho rằng em hỗn với mình mà định đánh em thì cha mẹ phải xử lý ngay sự việc, có thể do em còn nhỏ không biết nói/làm điều đó là hỗn nên bản thân con là anh/chị phải giải thích để em biết; dẫu em có lỗi, con cũng chỉ được báo lại với ba mẹ chứ không được đánh em; nếu em có lỗi thì phải bắt em xin lỗi anh/chị ngay… Khi có người cần trợ giúp, người được “cầu cứu” cần có mặt ngay và có biện pháp xử lý kịp thời, hợp lý, để “dập tắt” “ngòi nổ” có thể dẫn đến sự ấm ức từ đó hình thành hành vi bạo lực.

Có thể thấy, trong nhiều trường hợp dẫn đến bạo lực, nguyên nhân tiềm ẩn xuất phát từ gia đình, chẳng hạn, đó là thói quen sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, hoặc thường xuyên chứng kiến bạo lực, hoặc không ai giải thích rằng có thể sử dụng biện pháp khác thay vì dùng bạo lực… Trên hết, trẻ có xu hướng sử dụng bạo lực có thể có thương tổn nào đó về mặt tình cảm, tâm lý, tính cách, vốn manh nha từ trong gia đình. Do đó, nếu các bậc cha mẹ chỉ xem vấn đề bạo lực học đường thuộc về nhà trường mà bản thân mình thờ ơ thì rất có thể bạo lực xảy ra đến với ngay con em của mình. Sự phòng tránh bạo lực học đường phải xuất phát từ gia đình và phải được xem đây là biện pháp hiệu quả nhất.

Trúc Giang

Tin cùng chuyên mục