Hàng trăm tiểu thương chợ An Đông bức xúc việc chậm trễ sửa chợ

Hơn 12 giờ trưa ngày 28-10, hàng trăm tiểu thương chợ An Đông (còn gọi là Trung tâm thương mại An Đông 1), quận 5, TPHCM vẫn chưa hết bức xúc khi liên tiếp chất vấn đại diện UBND quận 5, gồm Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Kinh tế…(ảnh)
Hàng trăm tiểu thương chợ An Đông bức xúc việc chậm trễ sửa chợ

(SGGPO).- Hơn 12 giờ trưa ngày 28-10, hàng trăm tiểu thương chợ An Đông (còn gọi là Trung tâm thương mại An Đông 1), quận 5, TPHCM vẫn chưa hết bức xúc khi liên tiếp chất vấn đại diện UBND quận 5, gồm Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Kinh tế…(ảnh)

Hàng trăm tiểu thương chợ An Đông bức xúc việc chậm trễ sửa chợ ảnh 1

Nội dung liên quan đến việc bà con tiểu thương đã đóng góp hơn 200 tỷ đồng để xây dựng chợ từ giữa năm 2013, thế nhưng từ đó đến nay chợ ngày càng xuống cấp trầm trọng (mưa dột lỗ chỗ, nắng chiếu chói chang), còn số tiền đóng góp không rõ đang nằm ở đâu.

Các hệ thống đấu nối của chợ lòng thòng, xuống cấp.

Dẫn lại câu chuyện trước đây với PV Báo SGGP, tiểu thương Lý Cẩm Vân, cho biết, hơn 20 năm qua, tiểu thương chợ An Đông đã nộp vào ngân sách Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng. Riêng đối với hoạt động kinh doanh, năm 1989 thành phố và lãnh đạo quận 5 kêu gọi Công ty Việt Hoa xây dựng chợ từ nguồn vốn do tiểu thương đóng góp. Các tiểu thương đã cố gắng tham gia đầu tư, xây dựng chợ. Trên tinh thần đó, tiểu thương được quyền kinh doanh ổn định trong thời gian 20 năm. Với các yếu tố này, tiểu thương là đồng sở hữu chợ An Đông được xây dựng lại, chứ không đơn thuần là bên thuê sạp. Vì vậy, việc tái ký hợp đồng, nâng cấp sửa chữa, nâng cấp chợ đều phải mang tính bình đẳng, tự nguyện, hai bên cùng có lợi chứ không được áp đặt.

Tiểu thương phản ánh bức xúc về việc chợ xuống cấp trưa 28-10.

Về việc hùn vốn với Công ty Việt Hoa, theo bà Lý Cẩm Vân, thời giá năm 1991, khi lãnh đạo thành phố và quận 5 đưa ra là hơn 4 lượng vàng, một số tiền khá lớn thời điểm đó. Đến năm 2011, sau khi hết hợp đồng với Công ty Việt Hoa, tiểu thương đã đóng góp trên 219 tỷ đồng để chỉnh trang, sửa chữa chợ. “Thế nhưng, từ năm 2012 đến nay, trong khi tiểu thương rất cần nâng cấp sửa chợ nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh thì lãnh đạo UBND quận 5 và Ban quản lý chợ lại thờ ơ; trong khi tình hình kinh doanh của bà con rất thê thảm. Hiện doanh thu giảm từ 50-70%. Dù khó khăn nhưng tiểu thương chúng tôi vẫn chấp hành tốt nghĩa vụ của mình với Nhà nước, đóng thuế hằng năm trên 70 tỷ đồng”, bà Lý Cẩm Vân nói.

Trước tình hình khó khăn mà đông đảo tiểu thương phải gánh chịu nhiều năm qua, tiểu thương Cẩm Nhung (có sạp tại lầu 1) kiến nghị đẩy nhanh lộ trình, thời gian tiến hành sửa chữa chợ. Công trình nâng cấp chợ phải đạt chất lượng, công khai, minh bạch, bàn bạc dân chủ với tiểu thương. Trong suốt quá trình sửa chữa không thu thêm tiền của tiểu thương. Tập thể tiểu thương được quyền giám sát việc thi công, nâng cấp sửa chữa chợ thông qua một đơn vị có chuyên môn, nghiệp vụ về xây dựng cùng giám sát công trình. Bên cạnh đó, tiểu thương cũng kiến nghị việc thay gạch nền chợ, lắp đặt máy điều hòa để giảm oi bức, ngột ngạt trong khu vực lồng chợ…

Đáng lưu ý, tại buổi gặp gỡ UBND quận 5 trưa 28-10, chỉ có các đại diện phòng, ban tham dự, chứ không có lãnh đạo UBND quận. Một tiểu thương (xin giấu tên) đại diện cho bà con kinh doanh chất vấn: “Số tiền hơn 200 tỷ đồng của bà con giờ được sử dụng như thế nào? Nếu gửi vào ngân hàng thì phát sinh lãi là bao nhiêu, thu chi ra sao? Ngoài ra, số tiền trên 9 tỷ đồng chỉ để nâng cấp 2 hạng mục là điện động lực và hệ thống nhà vệ sinh (WC) là quá lớn, tốn kém, nhưng không hiệu quả. Vì hiện tại, dù mới đi vào hoạt động thời gian gần đây những hệ thống WC đã xuống cấp nhanh chóng. Vấn đề ở chỗ là tiểu thương chỉ được nghe nói về các hạng mục sửa chữa có số tiền hơn 9 tỷ nhưng không thấy công khai văn bản. Tại sao?”.

Trả lời lần lượt một số thắc mắc này, ông Trần Minh Sang, đại diện Phòng Tài chính – Kế hoạch, cho rằng, số tiền thực đóng của bà con là 217 tỷ đồng chứ không phải 219 tỷ đồng. Toàn bộ được nộp thẳng vào kho bạc quận 5 và hoàn toàn không có lãi suất.

Đối với hạng mục sửa chữa công trình vệ sinh, ông Nguyễn Chí Trung, Phó Ban quản lý chợ An Đông, lý giải, ở đây bà con chưa hiểu rõ vấn đề. Công trình được xây dựng kiểu cuốn chiếu, xây xong đến đâu là dùng ngay đến đó. Ví dụ như hệ thống WC. Chính vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào thời điểm nghiệm thu để tính tuổi công trình mà nói rằng nó xuống cấp thì không đúng, bởi công trình đã được sử dụng từ trước rồi. Các hạng mục bao gồm, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, WC, điện động lực tại trung tâm chợ. Tổng mức đầu tư là 11,315 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chí Trung thông tin thêm: “Lầu 3 và 4 của Công ty Việt Hoa hiện vẫn chưa bàn giao lại cho phía quận. Trong khi toàn bộ các lầu này hầu như công ty đã dỡ bỏ hoàn toàn, để trống, gây lãng phí. Hơn nữa công trình không đưa vào hoạt động nên ẩm mốc, bốc mùi, xuống cấp nghiêm trọng. Điều này ảnh hường đến toàn bộ các lầu mà tiểu thương đang khai thác, kinh doanh phía bên dưới”.

Về phần trả lời của đại diện một số phòng chuyên trách thuộc UBND quận 5, tiểu thương Vân Trang, không đồng ý và cho rằng: “Tiểu thương chúng tôi đi vay mượn ngân hàng, thậm chí vay lãi cao bên ngoài để được kinh doanh, thế nhưng phía UBND quận 5 lại cho biết toàn bộ số tiền này đưa thẳng vào kho bạc và không sinh lãi. Rõ ràng, điều này thật nghịch lý”.

Gút lại cuộc gặp mặt trao đổi với tiểu thương, bà Lê thị Loan, Trưởng Phòng Kinh tế quận 5, khẳng định, hoàn toàn chia sẻ với những bức xúc, chịu đựng dài ngày đối với tình trạng chợ xuống cấp của các tiểu thương. Tuy nhiên, thực tế, các thủ tục, quy trình xét duyệt, triển khai các hạng mục xây dựng thường mất thời gian. Trong khi bà con kinh doanh cần cơ sở kinh doanh khang trang, sạch đẹp, nhằm thu hút khách hàng. Toàn bộ các đề đạt, kiến nghị của bà con tiểu thương sẽ được chuyển đến lãnh đạo UBND quận 5xem xét, giải quyết sớm; đồng thời mong rằng bà con chia sẻ, ủng hộ và thông cảm.


Thi Hồng

Tin cùng chuyên mục