Hơn 270 đoàn đến viếng đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần)

Sáng 31-10, Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, nơi tổ chức lễ tang đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đã liên tục đón tiếp các đoàn khách đến thắp nhang và chia buồn cùng gia đình.

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viếng đồng chí Nguyễn Văn Chính

(SGGP).- Sáng 31-10, Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, nơi tổ chức lễ tang đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đã liên tục đón tiếp các đoàn khách đến thắp nhang và chia buồn cùng gia đình.

Tính tới 19 giờ ngày 31-10, đã có hơn 270 đoàn đến viếng, chia buồn cùng gia đình. Trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và đoàn đại biểu TPHCM.

Chia buồn với gia đình, trong sổ tang, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM trân trọng ghi: Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Văn Chính, người cán bộ, đảng viên mẫu mực, trung kiên của Đảng, suốt đời luôn nêu cao đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đã dành tất cả tâm hồn, trí tuệ, sức lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho công cuộc đổi mới của đất nước. Xin vĩnh biệt đồng chí Nguyễn Văn Chính, anh Chín Cần kính mến, người con của quê hương Tân Quý Tây, Bình Chánh, vùng đất anh hùng giàu truyền thống cách mạng của TPHCM.

HỒNG HIỆP


Ông Chín Cần “Bù giá vào lương”

“Ở Long An, từ những năm 1979, 1980, người dân đã quen gọi ông Nguyễn Văn Chính là ông Chín Cần “Bù giá vào lương”. Cách gọi này nói về một chủ trương đổi mới được ông Chín Cần và đồng chí Nguyễn Văn Linh thực hiện ở tỉnh Long An và TPHCM…” - ông Nguyễn Trung Tín (Ba Tín), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An, mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy trong lễ tang đồng chí Nguyễn Văn Chính tại Nhà tang lễ TPHCM vào sáng 31-10…

Ông Ba Tín nói: “Lúc ông Chín Cần làm Bí thư Tỉnh ủy Long An, tôi làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh Long An. Những năm 1979, 1980, tình trạng ngăn sông cấm chợ cản trở nhiều chuyện lắm, người dân bức xúc. Bí thư Thành ủy TPHCM lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Linh đã bàn với ông Chín Cần: “Thôi ta làm diện hẹp trước để rút kinh nghiệm rồi mới báo cáo Trung ương”. Rồi hai ông đề xuất cách làm, TPHCM đổi mới về lương thực, còn Long An đổi mới giá-lương-tiền theo kiểu “bù giá vào lương”. Cách đổi mới lương thực được tính mỗi đầu người 12kg gạo theo tiêu chuẩn. Ví dụ, thương nghiệp lúc đó thay vì mua 1kg lúa tới mấy đồng, rồi xay xát, nhưng bán lại chỉ có 4 hào, giờ được tính hết vào hao hụt, công xay xát… rồi bán đúng với giá thực tế. 1kg gạo lúc đó giá 2,5 đồng, cán bộ, công nhân viên chỉ bỏ ra 4 hào, còn lại Nhà nước bù vào 2,1 đồng cho đủ mua 1kg, trả thẳng bằng tiền mặt luôn. Cứ cầm tiền ra cửa hàng muốn mua bao nhiêu thì mua, bán bằng giá hết, không tính dân hay cán bộ. Cách làm này Nhà nước không chỉ quản lý được thị trường gạo, mà còn giảm ngân sách bù lỗ. Chưa kể, nó cũng hạn chế được tình trạng ngăn sông cấm chợ. Đây chính là cách gọi “giá-lương-tiền”.

Thế nhưng, như ông Ba Tín nói, dù cách làm này lúc đó có kết quả ngay, được dân ủng hộ, được nhiều địa phương đến học tập, nhưng ở Trung ương thì nhiều đồng chí không chịu, riêng năm 1981, đã cử tới 41 đoàn vào kiểm tra và gọi Long An và TPHCM là “xé rào”. “Nhưng có báo cáo đầy đủ với Trung ương, tuy làm có khác quy định nhưng chỉ có tốt, đúng nguyên tắc, đúng chế độ chứ không ảnh hưởng gì, nên không bị phê bình. Từ kết quả này, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có văn bản chỉ đạo rằng làm thí điểm thế là tốt, đồng ý cho tiếp tục làm để rút kinh nghiệm”, ông Ba Tín nhớ lại. Cũng theo ông Ba Tín, những năm đó Long An có kho gạo ở ga Sóng Thần, nhiều đợt gạo chuyển cho bộ đội ở ngoài Bắc, đóng bao ghi “gạo Nàng Thơm Chợ Đào tỉnh Long An”. Anh em nhận được gạo ăn ngon, gửi thư cảm ơn tới tấp. Để hỗ trợ TPHCM đổi mới vụ gạo, Long An cũng sử dụng kho ở Sóng Thần, đưa gạo dưới đó lên, đi thành từng đoàn, có xe công an dẫn đường.

Sau gạo, anh Chín Cần còn chỉ đạo đưa điện về Long An cũng theo cách làm “bù giá vào lương”. Ông Ba Tín nói: “Còn nhớ, lúc đó cả tỉnh Long An có 15 huyện thị, mà chỉ có 5 nơi có điện, chủ yếu ở thị trấn, thị xã, chứ chưa xuống tới xã. Thường trực Tỉnh ủy bàn kéo điện về huyện, với mục tiêu huyện nào cũng có điện. Ông Chín Cần gọi tôi lên nói: “Cái này thì khó nhưng tao tin mày làm được”. Tụi tui lên gặp anh Hai Lưu, lúc đó phụ trách điện lực các tỉnh phía Nam, “thương lượng với ông Hai Lưu tìm cách kéo điện về Long An. Chủ trương đưa ra là lấy trạm điện ở Trảng Bàng kéo về Đức Hòa, Đức Huệ; trạm của Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thì kéo về các huyện khác. Lúc đó dây điện có tiền cũng không mua được, phải có tem phiếu. Tụi tui chạy đủ tem phiếu để kéo điện về 10 huyện thị còn lại. Có “tem phiếu dây điện” rồi, còn phải chạy lo “tem phiếu xi măng, sắt thép” để đúc cột điện. Tất cả đều làm theo cách “bù giá vào lương”, đều quy ra gạo. Nhờ vậy, chỉ 2, 3 năm sau, tỉnh Long An đưa điện được từ huyện về tới xã. Có điện, Long An tính chuyện làm 2 cây cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông từ Đức Hòa qua Đức Huệ và Vàm Cỏ Tây từ Mộc Hóa qua Vĩnh Hưng. Cách làm cũng được ông Chín Cần vận dụng tối đa mối quan hệ theo kiểu “tem phiếu” từ trung ương và huy động nguồn lực trong dân để làm cầu dân đi. Có điện, có cầu, lúc đó Long An mới tập trung đào kênh thủy lợi, đầu tiên là làm con kênh từ sông Tiền từ Hồng Ngự (Đồng Tháp) tới Mộc Hóa. Kênh bề ngang 60m, sâu 10m, đưa nước sông Tiền về thau phèn những cánh đồng bạt ngàn của Mộc Hóa, Tân Hưng, đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, giúp Long An đưa sản lượng lúa gạo từ 250.000 tấn/năm sau giải phóng, đạt hơn 3 triệu tấn hiện nay, trực tiếp giúp TPHCM những năm 1980 giải quyết vấn đề thiếu lương thực.

“Đồng chí Nguyễn Văn Chính, anh Chín Cần kính mến! Nhân dân và chúng tôi mãi mãi nhớ đến Anh, với những công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, cho quê hương; mãi mãi nhớ đến Anh với những đóng góp to lớn trong việc tìm tòi lối ra cho đất nước trước khi đi vào công cuộc Đổi mới - nổi bật không bao giờ quên về công lao tỉnh Long An trong đổi mới “giá-lương-tiền”; và những đóng góp quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Anh. Vĩnh biệt Anh, nhân dân trong đó có chúng tôi mãi mãi nhớ đến Anh”.

TRƯƠNG TẤN SANG
(nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam)

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục