Bài 5: Bỏ cách làm “đầu voi đuôi chuột”

PGS-TS Phùng Chí Sỹ
Bài 5: Bỏ cách làm “đầu voi đuôi chuột”

Đột phá - Bắt đầu từ đâu?

Đa dạng hóa nguồn vốn, thay đổi cơ chế thực hiện, quyết liệt hơn trong cách làm, nâng cao ý thức người dân… là các giải pháp mà PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), cho rằng TPHCM đặc biệt chú trọng để kéo giảm ô nhiễm môi trường trong những năm tới khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP. Ông nói:

PGS-TS Phùng Chí Sỹ

Trong 7 chương trình đột phá để xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM trong nhiệm kỳ 2015-2020, chương trình kéo giảm ô nhiễm môi trường cần được TP quan tâm, ưu tiên thực hiện đầu tiên, vì vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, cộng đồng. Các giải pháp cần được TP triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khoa học, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế… Như thế các tiêu chí đưa ra mới đạt kết quả tốt, không gây lãng phí ngân sách nhà nước.

* PV: Ở góc độ một chuyên gia nghiên cứu về môi trường, ông nhìn nhận thế nào về tình trạng ô nhiễm môi trường ở TPHCM hiện nay?

- PGS-TS PHÙNG CHÍ SỸ: Ở TPHCM, mức độ ô nhiễm môi trường (nước thải, khí thải, rác thải) nhìn tổng quát có giảm xuống, tuy nhiên mức giảm từng năm không đáng kể. Đáng lưu ý, ở một số nơi, khu vực có dấu hiệu ô nhiễm nặng hơn. Tổng quan lại, tình trạng ô nhiễm môi trường ở TPHCM vẫn ở mức cao, trong khi đó các giải pháp triển khai thời gian qua vẫn chưa mang lại kết quả khởi sắc, có tính đột phá để ngăn chặn ô nhiễm môi trường một cách hiệu quả nhất. Chẳng hạn như trong ô nhiễm môi trường từ không khí, ô nhiễm khí thải giao thông chiếm khoảng 60%. Con số này nhiều năm qua vẫn không dao động theo hướng tích cực (giảm xuống), dù TP đã triển khai nhiều giải pháp.

* Vậy theo ông, để kéo giảm ô nhiễm môi trường không khí ở TPHCM hiệu quả, cần tập trung vào nhóm giải pháp nào?

- Như tôi đã đề cập ở trên, phải “đánh mạnh” vào yếu tố ô nhiễm môi trường từ khí thải giao thông, cụ thể phải đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông. Vỉa hè, lòng đường phải được nâng cấp, tu bổ để hạn chế phát sinh bụi, tăng cường mảng xanh ở khu vực trung tâm TP. Hiện nay trên nhiều tuyến đường, một số công viên, tiểu đảo giao thông, dạ cầu…, việc tạo mảng xanh vẫn còn nhiều tồn tại (trồng các loại cây xanh không thích hợp, khai thác không đúng công năng…), việc này cần được khắc phục sớm. Tiếp đó, phải giảm lượng phương tiện giao thông, nhất là xe máy. Thời gian qua, thành phố cũng đã khắc phục bằng cách vận động, kêu gọi người dân sử dụng phương tiện công cộng, như xe buýt, taxi giá rẻ… để đi lại, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao, vì không giải quyết được hết những phát sinh liên quan.

Bên cạnh đó, việc phân luồng giao thông ở TP cũng phải khoa học hơn. Theo tôi, TP nên phân luồng, quy hoạch các tuyến đường dành riêng cho các loại xe làm phát sinh bụi nhiều (như xe tải, xe ben…) và có phương án vệ sinh riêng cho các tuyến đường này, để hạn chế phạm vi phát tán của bụi. Ngoài ra, phải đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất, chế biến gây ô nhiễm nằm xen cài trong khu dân cư. Các cơ sở này tuy lượng khí thải không lớn, nhưng hậu quả để lại về lâu dài là nghiêm trọng.

Giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí thì nhiều, nhưng tôi nghĩ cái quan trọng nhất là cách mình làm, có quyết liệt và khoa học hay không. Nếu chúng ta cứ làm “đầu voi đuôi chuột” thì không bao giờ thành công. Tôi xin dẫn chứng, từ năm 1995 đến nay, TPHCM lần lượt đưa vào hoạt động 13 trạm giám sát chất lượng không khí tự động. Đây được cho là một giải pháp có tính khả thi cao, góp phần đáng kể kéo giảm ô nhiễm môi trường không khí, vì căn cứ vào các chỉ số ô nhiễm của trạm báo về, các đơn vị sẽ có giải pháp thích hợp cho từng khu vực. Thế nhưng, nhiều năm nay, các trạm này hư hỏng, xuống cấp, nhiều trạm không hoạt động vẫn không được duy tu. Quá lãng phí!

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm được cải tạo, hạ tầng dọc bờ kênh được chỉnh trang, sạch đẹp. Ảnh: VIỆT DŨNG

* Với nước thải và rác thải, để kéo giảm ô nhiễm môi trường từ hai yếu tố này, TPHCM cần chú trọng vào các giải pháp căn cơ nào?

- So với ô nhiễm môi trường từ không khí, mức giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải và nước thải của TPHCM những năm gần đây cao hơn, đây là tín hiệu đáng mừng. Dẫu vậy, tôi vẫn còn một nỗi lo lớn khi mà nước thải và rác thải y tế ở các phòng mạch, phòng khám tư nhân, khu tiểu thủ công nghiệp tại TPHCM hiện nay gần như không qua hệ thống xử lý môi trường; thậm chí có thể nói là chúng ta chưa quản lý được.

Thực tế này rất đáng lo ngại vì rác thải, nước thải y tế đều có chứa các loại hóa chất nguy hại đến sức khỏe con người. Tôi nghĩ để khắc phục tình trạng này, thành phố cần thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về vấn đề môi trường đối với các đối tượng nói trên. Đặc biệt, phải truy trách nhiệm, xử lý nặng đối với các cơ quan, đơn vị chức năng được giao quản lý trực tiếp về môi trường đối với các đối tượng trên nhưng không làm hết trách nhiệm hoặc bao che, tiếp tay.

Riêng đối với rác thải sinh hoạt, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ đối tượng này, Chính phủ quy định tỷ lệ chôn lấp phải dưới 15%, tuy nhiên ở TPHCM hiện nay là hơn 80% (9.000 tấn/ngày đêm). Rất đáng ngại! Theo tôi, để khắc phục tình trạng này, thành phố cần đẩy mạnh thực hiện giải pháp tái chế rác thải sinh hoạt để sử dụng vào mục đích khác, như làm phân bón, điện…

* Ngoài các giải pháp cụ thể cho từng yếu tố gây ô nhiễm môi trường, ông có thể chia sẻ thêm về các giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài để kéo giảm ô nhiễm môi trường ở TPHCM?

- Thực tế cho thấy, để kéo giảm ô nhiễm môi trường, phải tốn nhiều nguồn lực, trong đó bài toán nan giải nhất là kinh phí, vốn. Để giải bài toán này, nhiều năm qua TP đã đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn vốn trong thực hiện các công trình cải thiện môi trường nước, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải... Tuy nhiên, bấy nhiêu thôi chưa đủ, theo tôi, thành phố cần mở rộng hơn cơ chế, có nhiều chính sách ưu đãi hơn để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư, thực hiện các dự án kéo giảm ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn như: hỗ trợ về giá bán, cho thuê đất; kết nối ngân hàng cho doanh nghiệp vay với giá ưu đãi, trợ giá… Hoặc khoán cho doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải, thành phố chỉ trả tiền khi mỗi mét khối nước sạch được thải ra (nhưng phải giám sát quy trình xử lý của doanh nghiệp). Như thế sẽ tinh gọn, tiết kiệm hơn về kinh phí, con người.

Tại sao TP phải mất hàng chục tỷ đồng mỗi năm để chi cho việc vớt rác trên kênh rạch, trong khi có nhiều giải pháp khác hiệu quả hơn, kỷ cương hơn, kinh tế hơn. Theo tôi, nếu chúng ta làm tốt việc tuyền truyền, thực thi pháp luật chặt chẽ hơn, cơ quan công quyền làm hết trách nhiệm, quyết liệt hơn, chắc hẳn tình trạng ô nhiễm môi trường ở TP sẽ giảm mạnh. Tóm lại, giải pháp để kéo giảm ô nhiễm môi trường ở TPHCM nằm ở sự sáng tạo và quyết liệt trong từng giải pháp

PGS-TS Phùng Chí Sỹ

TUẤN VŨ thực hiện

Thông tin liên quan:

>> Bài 4: Chỉnh trang để phát triển

>> Bài 3: Nhận diện cơ hội và thách thức

>> Bài 2: Cải cách hành chính - Cần những việc làm thiết thực, phục vụ dân

>> Bài 1: Xóa điểm nghẽn về đào tạo nghề



Tin cùng chuyên mục