Chen chúc vào nội thành

Thực ra, khu vực nào trên địa bàn TPHCM cũng có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, nặng nề nhất, nguy cơ cao nhất vẫn là những khu vực cửa ngõ trên các tuyến đường huyết mạnh đi vào nội thành TPHCM. Tại sao?
Chen chúc vào nội thành

Thực ra, khu vực nào trên địa bàn TPHCM cũng có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, nặng nề nhất, nguy cơ cao nhất vẫn là những khu vực cửa ngõ trên các tuyến đường huyết mạnh đi vào nội thành TPHCM. Tại sao?

Một hình ảnh đã trở nên quá đỗi bình thường với không ít người dân TPHCM: cứ mỗi buổi sáng trên các tuyến đường đi vào nội đô thành phố ken cứng người đi trong khi chiều ngược lại vắng vẻ. Chiều đến, dòng xe quay đầu: hướng ra khỏi nội đô dày đặc xe còn dòng xe đi vào lại trở nên ít ỏi. Theo nhiều chuyên gia về đô thị, đây là hậu quả của việc để cho đô thị phát triển… như vết dầu loang.

Dòng xe nhích từng chút tại khu vực cầu Chánh Hưng, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Nhà nhiều, cơ sở sản xuất kinh doanh, giải trí ít

Là một trong những hướng phát triển chính, nhiều năm qua khu vực phía Đông của TPHCM bao gồm các quận 2, 9, Thủ Đức được tập trung đầu tư khá lớn về mọi mặt. Về sản xuất có khu công nghệ cao, về giáo dục có làng đại học… Hạ tầng giao thông thông suốt đến rất nhiều khu vực vốn chỉ có dừa nước, cây cỏ dại… Thế nhưng, như ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhận xét: nhìn chung nơi đây, “chỉ toàn thấy nhà ở và các dự án nhà ở đang được triển khai thực hiện”.

Trong khi các dự án phát triển bất động sản “xếp hàng” nối đuôi nhau hình thành thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giải trí ngoài khu công nghệ, làng đại học nêu trên… được xây dựng mới rất ít. Hệ quả, hàng ngày phần lớn người dân sinh sống tại khu vực này vẫn phải vào khu vực nội thành thành phố để làm việc,… Xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn - tuyến giao thông huyết mạnh nối các địa phương ở đây với trung tâm thành phố vì thế luôn trong tình trạng quá tải. TPHCM đã phải mở rộng xa lộ Hà Nội, xây thêm cầu Sài Gòn 2 và đưa vào sử dụng đường Phạm Văn Đồng để giải quyết nhu cầu đi lại này của người dân.

Cũng là hướng phát triển chính nên khu vực phía Nam TPHCM được tập trung đầu tư không kém khu vực phía Đông. Thế nhưng, ngay cả khi đô thị mới Phú Mỹ Hưng được đầu tư khá bài bản có nhiều cửa hàng mua bán, trường học… mọc lên nhưng phần lớn người dân sinh sống nơi đây vẫn phải vào khu vực trung tâm thành phố làm việc, mua sắm, vui chơi…

Chị N.T.T.T. ngụ tại khu dân cư Him Lam nằm gần khu đô thị Phú Mỹ Hưng cho hay, trụ sở cơ quan của chị nằm ở quận 3 nên cứ sáng chị phải vào trung tâm làm việc. Đoạn đường đi không dài nhưng chị thường mất cả giờ mới tới nơi, bởi bị…kẹt xe liên tục. “Sợ nhất là khi đi qua các cầu Kênh Tẻ, Nguyễn Văn Cừ… xe phải nhích từng tí. Chỉ cần một va quẹt nhỏ là ùn ứ giao thông xảy ra ngay”.

Chị N.T.T.T.đã nhiều lần tính tìm công việc gần nhà nhưng chẳng có công việc nào phù hợp với chị. Chị N.T.T.T. vốn là biên tập viên của một nhà xuất bản. Cùng hoàn cảnh, chị P.T.A.V. ngụ tại quận 8 cũng rất mệt mỏi với hành trình đi làm của mình. Chị P.T.A.V. cho biết, chị thường qua các cầu Chánh Hưng, Nguyễn Tri Phương để tới quận 5 làm việc. Hơn một năm trước đây cầu Chánh Hưng và cầu Nguyễn Tri Phương đã có dấu hiệu quá tải vào giờ cao điểm; tuy nhiên, hiện nay, tình trạng ùn ứ giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo chị P.T.A.V. hàng loạt cao ốc hình thành gần trụ sở UBND quận 8 và gần giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ nằm cách đó không xa, kéo người dân vào ở là nguyên nhân làm cho giao thông ở đây luôn trong tình trạng quá tải.

Xe cộ đông đúc trên đường Cộng Hòa. Ảnh: Cao Thăng

Không là hướng phát triển chính, không được ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông tương thích nhưng hướng Bắc và Tây lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao của thành phố. Nền đất cứng, chi phí xây dựng thấp, giá đất rẻ (do chưa được đầu tư hạ tầng nhiều) là lý do để nhiều người, đặc biệt là người nhập cư chọn các quận, huyện nằm ở hướng Bắc, hướng Tây làm nơi “an cư lạc nghiệp”. Thế nhưng, cũng chính vì không được tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, khu vực này lại càng ít các doanh nghiệp, tổ chức chọn làm nơi đặt trụ sở văn phòng. Người dân sinh sống nơi đây buộc phải vào khu vực nội thành làm việc.

Đường Trường Chinh - tuyến đường huyết mạnh nối các quận 12, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn… vào mỗi giờ cao điểm sáng với dòng xe ken cứng theo hướng đi vào nội đô và ngược lại vào cao điểm chiều, phản ánh rõ điều này. Tình trạng ùn ứ giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất cũng có nguyên nhân lớn từ việc người dân ở khu vực Gò Vấp, quận 12, Thủ Đức đi qua đường Trường Sơn vào nội thành làm việc.

Đô thị vệ tinh… trên giấy

 

* Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản về giao thông TPHCM, hệ số đi lại hàng ngày của người dân thành phố rất cao: 1.85 trong khi ở nhiều thành phố ở châu Á chỉ 1.4.

 

Theo Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 và Quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM đến năm 2025, TPHCM sẽ có 3 đô thị vệ tinh trong phạm vi thành phố: đô thị cảng Hiệp Phước, đô thị Tây Bắc, đô thị công nghệ cao quận 9 và một đô thị vệ tinh ngoài phạm vi thành phố: đô thị Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Các đô thị này sẽ được xây dựng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh với đầy đủ các trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ, sản xuất, vui chơi, giải trí… Các nhà quản lý kỳ vọng, sự ra đời của các đô thị vệ tinh, trung tâm TPHCM sẽ được giảm tải.

Mong muốn là thế song như ông Hoàng Minh Trí nhận xét: “Trên thực tế, TPHCM chưa hình thành được đô thị vệ tinh nào có đầy đủ các yếu tố như vậy”.

Đô thị cảng Hiệp Phước mới khởi động được dự án nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp để làm cơ sở cho việc phát triển hệ thống cảng biển ở đây. Tuy nhiên, hiệu quả của việc nạo vét này không như kỳ vọng nên các dự án xây dựng đô thị đi kèm hầu như chưa được triển khai. Đô thị Tây Bắc còn èo uột hơn khi mà gần như chưa có dự án nào được triển khai xây dựng.

Vừa rồi, UBND TPHCM đã phải chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch khu đô thị Tây Bắc để quy hoạch khả thi hơn. UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải TPHCM cùng các cơ quan liên quan nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất giải pháp thu hút nhà đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hệ thống giao thông. Hiện nay từ nội thành đi lên đô thị Tây Bắc gần như chỉ có quốc lộ 22 (đường xuyên Á). Tuyến quốc lộ này đã quá tải ở nhiều đoạn, đặc biệt ở nút giao thông An Sương.

TPHCM đã quyết định chi ra hàng trăm tỷ đồng, giao Sở Giao thông Vận tải TPHCM xây hầm chui ở đây nhằm giải quyết tạm thời tình trạng ách tắc giao thông. Đô thị Nhơn Trạch dù đã được đầu tư hạ tầng khá hoàn chỉnh nhưng do giao thông kết nối với TPHCM không thuận tiện nên từ lúc hình thành cho tới nay, đã gần 10 năm nhưng hầu như vẫn chưa có người ở. “Đô thị ma” là tên mà nhiều người đặt cho khu đô thị vắng bóng người ở này.

Đô thị cứ phình rộng dần ra theo kiểu vết dầu loang với một trung tâm duy nhất nên hậu quả không thể khác hơn: người dân cứ phải chen chân vào nội thành làm việc. Theo nhiều chuyên gia về đô thị, điều này đồng nghĩa với việc tình trạng ùn tắc giao thông ở TPHCM rất khó giải quyết một cách căn cơ nếu thiếu các giải pháp từ tổ chức không gian phát triển đô thị một cách hợp lý.

NGUYỄN KHOA - QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục