Đô thị “ôm”… đường dây cao thế

Đường dây 110kV, 220kV, thậm chí “hàng khủng” 500kV đều đi qua huyện Nhà Bè! Điều đáng nói ở đây là khu đô thị sang trọng, hiện đại hàng đầu của khu Nam TPHCM đang ôm trọn cả hệ thống lưới điện, thật bất an.
Đô thị “ôm”… đường dây cao thế

Đường dây 110kV, 220kV, thậm chí “hàng khủng” 500kV đều đi qua huyện Nhà Bè! Điều đáng nói ở đây là khu đô thị sang trọng, hiện đại hàng đầu của khu Nam TPHCM đang ôm trọn cả hệ thống lưới điện, thật bất an.

Tiếng hú lúc nửa đêm

Điển hình là khu đất nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ, bắt đầu từ cầu Rạch Đĩa (giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh) đến giao lộ Phạm Hữu Lầu, kéo dài gần 3,5km. Chỉ trong một thời gian ngắn, có đến hơn 5.000 sản phẩm là nhà chung cư, biệt thự đua nhau mọc lên san sát, góp phần hình thành một khu đô thị mới hiện đại của khu Nam. Đó là các dự án chung cư Phú Hoàng Anh, Park Premier của Công ty M.I.K; về biệt thự gồm có dự án Galeria của Công ty Kiến Á; chiếm số lượng lớn nhất từ đầu, giữa và cuối khu đất là các dự án của Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, gồm chung cư Phú Long và khu biệt thự phố kinh doanh Ngân Long, khu biệt thự song lập vườn Dragon Parc. Nhà xây lên ngày càng nhiều, dân cư ngày càng đông đúc, còn đường dây điện nằm ở hướng nhìn về Khu đô thị Phú Mỹ Hưng dài ngoằn ngoẵng “xé toạc bầu trời”, trở nên nỗi ám ảnh của cư dân nơi đây.

Anh Hoài Bắc, một cư dân tại dự án Phú Hoàng Anh cho biết, khi dọn về ở rất thích, nhưng bất tiện chính là cửa sổ - cũng là view của căn hộ, hướng về phía dây điện! Cửa sổ nhà anh luôn luôn đóng, vì cảm giác “với tay ra là đụng dây điện”. Ban đêm, đặc biệt là lúc mưa gió, đường dây phát ra tiếng hú thật khủng khiếp. Kế bên là chung cư Phú Long, cư dân cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Vũ Khanh, Trưởng ban quản lý tòa nhà chung cư, cho biết: “Bất kể ngày nào, lúc 17 - 18 giờ và 23 giờ là đường dây điện hú lên. Lúc đầu, người dân mới ở nghe sợ hãi, nhưng rồi quen dần”, ông Khanh kể. Do đó, vấn đề điện đóm trở thành đề tài “nóng” nhất của cư dân ở đây. Họ liên tục họp, làm văn bản yêu cầu chủ đầu tư làm việc với cơ quan chức năng sớm di dời đường dây điện. Một trong những tiện ích dành cho cư dân sinh hoạt ngoài trời đó là khu vực barbecue (khu vực tổ chức tiệc nướng), đến nay đã gần 5 năm vận hành chung cư nhưng vẫn còn đóng cửa vì nằm ngay dưới đường dây điện, ai cũng sợ không dám dùng dù chỉ một lần. Vì bất tiện như vậy nên những căn hộ nhìn về hướng này giá bán thấp hơn so với các vị trí khác.

Xịch xuống một đoạn là khu biệt thự song lập vườn Dragon Parc, đang hoàn tất những hạng mục cuối cùng. Một dải đất dành cho công viên, vừa mới trồng cỏ xong, trông thật bắt mắt. Thật bất ngờ, ngay giữa thảm cỏ lại cắm tấm bảng khá to, ghi cảnh báo rợn tóc gáy: “Chú ý: Phía trên có đường dây điện cao áp 220kV nguy hiểm chết người” của Truyền tải điện miền Đông, đồng thời trích dẫn Nghị định 106/2005 của Chính phủ về “Hướng dẫn thi hành Luật Điện lực bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp” như nghiêm cấm đào đất gây sụt lún, thả diều, bắn chim đậu trên dây điện…

Những dự án nhà ở đang triển khai dọc đường Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè) nằm dưới lưới điện cao thế chằng chịt Ảnh: LIÊN THƯỢNG

Trông chờ xã hội hóa?

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè cho biết, tuyến dây điện trên thuộc dự án ngầm hóa đường điện 220kV Nhà Bè - Tao Đàn, theo Quyết định 3727 của UBND TPHCM ngày 5-8-2009. Đến nay, việc ngầm hóa đã thực hiện xong đoạn từ Tao Đàn đến cầu Rạch Đĩa, phần còn lại hiện đang vướng đền bù. Toàn bộ dự án có tổng diện tích đất phải thu hồi là 20ha, bao gồm 91 hộ và 16 thửa chưa xác định được chủ sử dụng. Diện tích phải bồi thường là 17,8ha, tổng kinh phí bồi thường là 172 tỷ đồng. Hiện nay còn 10 hộ thuộc xã Phước Kiển chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nhà Bè đang phối hợp với Phòng Tư pháp rà soát tham mưu UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế bàn giao mặt bằng. Ông Trần Phương Tuấn, Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè, cho biết việc di dời là chậm so với kế hoạch, huyện sẽ kiên quyết thực hiện bàn giao mặt bằng vào cuối năm nay để chủ đầu tư triển khai dự án.

 

Cuối năm nay cũng là mốc thời điểm huyện Nhà Bè phải hoàn tất đền bù để bàn giao mặt bằng ngầm hóa hệ thống điện 110kV -  220kV và di dời đường dây 500kV đi qua dự án Metro city của Tập đoàn GS - Hàn Quốc, nằm trong chương trình đổi đất lấy hạ tầng của TP. Tổng vốn đầu tư dự án là 1.100 tỷ đồng, trong đó có 158 hộ dân bị ảnh hưởng.

 

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đường dây điện cao thế này nằm ngoài ranh đất của các dự án nhà ở đang triển khai. Hiện tại Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long đang làm đề xuất bỏ ra kinh phí để làm hệ thống ngầm, đổi lại TP cho phép khai thác quỹ đất sau khi ngầm hóa. Thực tế chủ trương này không phải lúc nào cũng được đồng thuận, chẳng hạn trường hợp trước đây Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng xin ngầm hóa đường dây điện 110kV đi qua khu dân cư phường Phú Mỹ. Mặc dù được TP đồng ý nhưng sau đó cư dân phản đối bởi theo quy hoạch là đất công viên cây xanh nhưng khi ngầm hóa hoàn tất, chủ đầu tư đề xuất phân lô bán nền quỹ đất đó, dự án thành dở dang. Tuy nhiên, nhờ cách làm này, nhiều tuyến điện cao thế ở khu Nam đã được ngầm hóa, như đường dây cao thế đi ngang qua dự án The Everich 2 do Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư; hoặc dự án ngầm hóa gần 1km đi ngang qua phường Phú Mỹ do Công ty Tài Nguyên đầu tư…

Triển khai bằng cách nào thì việc ngầm hóa hệ thống điện cao thế ở huyện Nhà Bè nói riêng, khu Nam nói chung là hết sức cần thiết, xóa bỏ hệ thống mạng nhện này sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển. Sự tồn tại của đường dây điện cao thế không những gây bức xúc cho người dân mà ngay cả với lãnh đạo TP. Trước đây, có lần đi công tác ngang qua khu vực này, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân ta thán với phóng viên: “Làm sao để xóa bỏ đường dây điện này thì Nhà Bè mới phát triển được”!

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục