Trên chỉ đạo, dưới thờ ơ - Bài 1: Quả bóng trì trệ

Không phải “bắn” văn bản đi là xong

LTS: Suốt chặng đường phát triển của đất nước, đặc biệt sau hơn 30 năm đổi mới, TPHCM luôn là địa phương đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như tổng thu ngân sách cả nước (chiếm trên 30% tổng thu ngân sách và trên 22% GDP của cả nước). Để thúc đẩy sự tăng trưởng của TPHCM trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền TPHCM kiên trì kiến nghị Trung ương những cơ chế, chính sách đột phá. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ nếu như bộ máy chính quyền TPHCM không được vận hành trơn tru. Trong khi thực tế hiện nay lại đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến “sức ỳ” của bộ máy vận hành đầu tàu kinh tế của cả nước, khi nhiều chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM chưa được các sở ngành, quận huyện thực hiện có hiệu quả, thậm chí bỏ qua. Sự trì trệ này đang là lực cản lớn trong quá trình đi lên của TP.

Có những quyết định nếu như được triển khai ngay từ thời điểm đưa ra, sẽ mang lại hiệu quả rất cao. Nhưng nếu để chậm trễ, có khi quyết định đó không còn phù hợp hoặc hiệu quả, tác dụng sẽ giảm hẳn, thậm chí cản trở sự phát triển. Thời gian qua, có nhiều vụ việc trên nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền của các địa phương, sở ngành được lãnh đạo TPHCM giao nhưng các địa phương, sở ngành thực hiện lại rất chậm; cùng một nội dung có khi lãnh đạo TP phải chỉ đạo rất nhiều lần, thậm chí nhiều chỉ đạo đi vào quên lãng…

Không phải “bắn” văn bản đi là xong

Từ rất lâu, khu tứ giác Đề Thám - Bùi Viện - Đỗ Quang Đẩu - Phạm Ngũ Lão (quận 1) trở thành điểm hẹn đối với khách du lịch “bụi” đến từ Nhật, Pháp, Úc, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, các nước châu Phi… mà người dân quen gọi với cái tên dân dã là “khu Tây ba lô”. Khu phố đặc trưng này phát triển ngày càng rầm rộ bởi nó phục vụ nhu cầu giải trí, lưu trú của một bộ phận du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, đặc biệt với các dịch vụ khách sạn, quán ăn, cửa hàng, quán bar, cà phê. Lượng khách này đã mang lại nguồn thu ngân sách không nhỏ cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do đặc thù phục vụ khách quốc tế với thời gian hoạt động từ sáng sớm đến nửa đêm nên bên cạnh những mặt tích cực, khu vực này cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về trật tự an toàn xã hội.

Dù đã được lãnh đạo TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 1 năm nhưng đề án quy hoạch “khu Tây ba lô” vẫn còn trên giấy (Trong ảnh: Buôn bán nhếch nhác trên vỉa hè đường Bùi Viện, quận 1, TPHCM ngày 9-4).  Ảnh: Thành Trí

Do vậy, tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng vào tháng 3-2016, ông Huỳnh Thanh Hải, Bí thư Quận ủy quận 1, kiến nghị cho phép quận quy hoạch lại khu phố này trở thành phố đi bộ để quận phát triển và quản lý mô hình du lịch đặc thù theo hướng tổ chức một số tuyến đường trong khu vực thành phố đi bộ. Đề nghị trên đã được Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng chấp thuận. Lãnh đạo quận 1 khẳng định sẽ phối hợp với Sở Du lịch TP xây dựng đề án và triển khai ngay cuối năm 2016.

Tuy nhiên, đến tháng 2-2017, khi Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong làm việc với quận 1 về kế hoạch triển khai nhiệm vụ của quận trong năm 2017 thì Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận tiếp tục kiến nghị đồng chí Nguyễn Thành Phong cho phép quận được quy hoạch khu phố Tây ba lô có tuyến đường Bùi Viện thành phố đi bộ. Lúc này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đặt câu hỏi vì sao chủ trương này TP đã đồng ý nhưng quận 1 không triển khai mà tiếp tục kiến nghị? Ông Thuận trả lời: Đề án này do Sở Du lịch chủ trì và quận đã báo cáo phần khảo sát thực tế của quận với sở. Đến đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phải tỏ ra gay gắt: Nếu quận đã gửi báo cáo mà Sở Du lịch chậm trễ thì quận phải chủ động báo cáo TP để TP chỉ đạo chứ đâu phải làm việc theo kiểu “bắn văn bản đi là đã xong trách nhiệm”! Mới đây, tại buổi làm việc với chính quyền quận 1, một lần nữa Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chốt thời hạn: Trước ngày 30-4-2017, quận 1 phải triển khai Đề án về quy hoạch quản lý khu phố Tây trong đó có việc xây dựng tuyến Bùi Viện thành phố đi bộ.

Như vậy, từ khi quận 1 kiến nghị và được Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng chấp thuận, đến nay đã hơn 1 năm nhưng đề án quy hoạch khu phố Tây ba lô vẫn chưa thành hiện thực. Điều này cũng đủ cho thấy sự chậm trễ của địa phương và sở ngành.

Dây dưa thực hiện chỉ đạo

Lại có trường hợp, chỉ mỗi văn bản kết luận cuộc họp của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong vỏn vẹn 2 nội dung ngắn nhưng đơn vị thực hiện đến 4 tháng trời mới ra văn bản. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bức xúc: Đi các nước thấy trung tâm sách người ta tổ chức rất quy mô, khoa học và hiện đại để phục vụ người đọc một cách tốt nhất. Người đọc cần loại sách gì chỉ cần tra cứu màn hình đặt ở trung tâm là biết ngay vị trí cuốn sách mình cần để đến lấy. Thành phố mình cũng đang đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhân dân. Một trong những giải pháp để đưa sách đến với người đọc được lãnh đạo TP tính toán là nâng tầm nhà sách Fahasa thành Trung tâm sách TP với quy mô khu vực.

Do vậy, tháng 8-2016, Chủ tịch UBND TP đã làm việc với giám đốc các nhà in, nhà xuất bản và kết luận đồng ý chủ trương xây dựng nhà sách Fahasa trở thành Trung tâm sách TPHCM, đồng thời cũng cho chủ trương xây dựng Đề án Phát triển ngành in của TP. Tuy nhiên, mãi đến 4 tháng sau, tức tháng 12-2016 mới có văn bản kết luận chỉ đạo 2 vấn đề trên, trong khi những người trong lĩnh vực này đang rất chờ đợi văn bản kết luận của Chủ tịch UBND TP làm cơ sở để triển khai thực hiện. “Thủ tục giữa các cơ quan nhà nước với nhau mà chậm trễ như vậy thì thủ tục giữa cơ quan nhà nước với dân, với doanh nghiệp còn chậm trễ đến mức nào nữa?”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bức xúc và cho rằng những trì trệ, chậm chạp trong xử lý công việc ở các khâu kiểu này đã trì kéo tiến trình đi lên của TP.

Cũng chậm trễ trong việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP và trái bóng trách nhiệm xoay đi xoay lại khiến người dân bức xúc là việc thực hiện các dự án trường học trên địa bàn quận 9. Theo báo cáo của UBND quận 9, quận có gần 200ha thuộc dự án của một số trường đại học, trường chuyên ngành và trường cao đẳng, ký túc xá dự kiến xây mới; gồm có: Trường Đại học Kiến trúc (quy mô 40ha), Trường Đại học Kinh tế (50ha), Trường Đại học Luật TPHCM (30ha), Đại học Marketing (15ha), Nhạc viện TPHCM (20ha), Học viện Tư pháp (9ha), Trường Đào tạo cán bộ ngành giáo dục TPHCM (5ha), Trường Cao đẳng và Đại học Nguyễn Tất Thành (14ha), Trường Cao đẳng Tài chính hải quan (21ha), Ký túc xá Trường Bưu chính viễn thông… Nhưng đến nay chỉ có Trường ĐH Luật TPHCM đang lập hồ sơ triển khai dự án, còn một số trường khác vẫn chưa triển khai dù đã được TPHCM giao đất.

Thậm chí có đơn vị chưa thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai dự án. Không ít lần lãnh đạo quận 9 đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành rà soát nhu cầu đầu tư và quy mô đầu tư để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án cũng như đảm bảo cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nêu trên. Ngày 30-8-2016, khi làm việc với quận 9, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu quận 9 phải quan tâm, theo sát để kịp thời báo cáo UBND TP xử lý, tháo gỡ. Nếu dự án được giao đã lâu nhưng vẫn chưa thực hiện thì dứt khoát thu hồi theo quy định.

Ngay sau cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Văn phòng UBND TP ban hành văn bản kết luận cuộc họp và phát hành đến quận 9 cũng như các sở ngành, đơn vị có liên quan yêu cầu giải quyết nhanh chóng các vụ việc, không để bức xúc của người dân kéo dài. “Giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận 9 và các đơn vị có liên quan rà soát lại tiến độ thực hiện từng dự án trong khu quy hoạch các trường đại học trên địa bàn phường Long Phước, quận 9, làm việc với các chủ đầu tư nắm chắc nhu cầu, khả năng thực hiện, tiến độ thực hiện... báo cáo đề xuất giải pháp xử lý cụ thể, trình UBND TP trước ngày 30-10-2016” - Thông báo số 555/TB-VP của UBND TP nêu rõ. Thế nhưng đến ngày 7-2-2017, khi đoàn công tác của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đến làm việc, lãnh đạo quận 9 lại tiếp tục “than thở” và xin TP “can thiệp”, “chỉ đạo” xử lý dứt khoát các dự án dây dưa của những trường nói trên.

Bức xúc, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phê bình ngay: Vì sao lại đề xuất lại trong khi kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong với quận đã rất rõ ràng? Trước sự chậm trễ của địa phương cũng như các sở ngành, ngay sau buổi làm việc, Văn phòng Thành ủy TPHCM cũng đã phát hành Thông báo kết luận của Bí thư Thành ủy nhắc nhở rất cụ thể: “Yêu cầu lãnh đạo quận 9 cần phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ban, ngành để thực hiện có hiệu quả các kết luận của lãnh đạo TP; chủ động rà soát kết quả thực hiện Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc với quận 9 vào ngày 30-8-2016, đề ra kế hoạch cụ thể thực hiện các nội dung kết luận, báo cáo Chủ tịch UBND TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện”, đồng thời giao “Ban Cán sự đảng UBND TP khẩn trương chỉ đạo UBND TP chỉ đạo các sở ngành liên quan chủ động, tích cực phối hợp với quận 9 giải quyết dứt điểm kết luận chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND TP”.

Họp xong, không biết ai thực hiện

Một trong những dự án cũng gây “nóng ruột nóng gan” với lãnh đạo TP nhưng bị chủ đầu tư dây dưa “xin” kéo dài thời gian hoàn thành là Dự án Bến xe miền Đông. Trong một cuộc làm việc giữa tháng 12-2016, ngay sau khi nghe Phó Tổng giám đốc Công ty Cơ khí ô tô Sài Gòn (SAMCO) Lê Văn Pha xin đến năm 2018 mới xong Bến xe miền Đông mới do dự án còn vướng giải phóng mặt bằng và thủ tục, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng không chấp nhận. Theo đồng chí Đinh La Thăng, đây cũng là một điển hình cho những chỉ đạo của cấp trên không được cấp dưới thực hiện nghiêm; đồng chí Đinh La Thăng chỉ đạo lãnh đạo SAMCO phối hợp sở ngành rốt ráo hoàn thành dứt điểm dự án, trong năm 2017 Bến xe miền Đông mới phải hoàn thành.

Trong khi chờ dự án Bến xe miền Đông tại quận 9 đi vào hoạt động, Bến xe miền Đông tại Bình Thạnh hiện nay gây nhiều trở ngại cho giao thông khu vực. Ảnh: THÀNH TRÍ

Ở góc độ thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu cho Thường trực UBND TP, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, nhìn nhận thực tế: Đối với một đô thị lớn như TPHCM, công tác quản lý nhà nước rất vất vả. Có nhiều việc Thường trực UBND TP họp kết luận chỉ đạo các địa phương, sở ban, ngành rồi nhưng khi họp lại thì có việc được giải quyết ngay, có việc chưa xong, thậm chí có việc chưa biết ai sẽ triển khai thực hiện. Do vậy, hiệu quả điều hành quản lý nhà nước có những hạn chế nhất định. “Thực tế này, Thường trực UBND TP trăn trở rất nhiều”, ông Hoan nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho rằng: Tình trạng trên bảo dưới không nghe đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều khâu, bộ phận và gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, trong các lĩnh vực: đầu tư, giải phóng mặt bằng… thì sự trì trệ này gây thiệt hại về kinh tế gia tăng theo từng ngày. 

Bức xúc trước sự trì trệ, trên nói dưới không nghe của không ít đơn vị, địa phương, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã yêu cầu: "Giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP thành lập tổ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện những kết luận của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP trong năm 2016, cần đánh giá cụ thể kết quả phối hợp thực hiện của các sở, ban, ngành, địa phương..., lấy kết quả rà soát làm cơ sở đánh giá, kiểm điểm cuối năm, báo cáo kết quả cho Thường trực UBND TP, Thường trực Thành ủy"

VÂN ANH - HỒNG HIỆP - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục