Xăng dầu giảm giá mạnh, giá hàng hóa, dịch vụ giảm... nhỏ giọt

 Khoảng 1 tháng qua, giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh nhờ Chính phủ nỗ lực “ghìm cương” để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Thế nhưng, nghịch lý là hàng hóa, dịch vụ vẫn “neo” giá cao và nay đang rục rịch... giảm.
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một siêu thị ở TPHCM, chiều 2-8. Ảnh: THI HỒNG
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một siêu thị ở TPHCM, chiều 2-8. Ảnh: THI HỒNG

Cước vận tải giảm nhẹ

Ngày 2-8, đại diện Bến xe miền Tây thông tin, đã có 4 doanh nghiệp vận tải xin giảm giá cước từ 6-12%, gồm Công ty TNHH Vận tải Kumho Samco Buslines, Công ty TNHH Vận tải - Dịch vụ du lịch Hoa Mai, Công ty TNHH Vận tải Toàn Thắng chạy tuyến TPHCM - Vũng Tàu, HTX Chi bộ Rạch Giá chạy tuyến TPHCM - Kiên Giang.
Đại diện Bến xe miền Đông cho biết cũng vừa nhận được hồ sơ giảm giá cước của Doanh nghiệp vận tải Hồng Sơn chạy tuyến TPHCM - Tuy Hòa, giảm 10.000 đồng/vé/lượt (từ 310.000 đồng xuống còn 300.000 đồng). Theo đại diện 2 bến xe, phần lớn các doanh nghiệp vận tải chỉ tăng giá vé một lần vào đợt giá dầu khoảng 20.000 đồng/lít. Vì vậy, hiện nhiều doanh nghiệp thông tin vẫn chưa có lợi nhuận nên rất khó điều chỉnh giảm sâu.
Ông Trần Việt Huy, đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam, cho biết, từ tháng 2 đến nay, cước vận tải biển quốc tế đã giảm. Cụ thể, container 20 feet vận chuyển từ Việt Nam đi EU cước giảm từ 7.000 USD xuống còn 4.000 USD; Việt Nam đi bờ Tây của Mỹ giảm từ 14.000 USD xuống còn 7.000 USD. Trong khi đó, cước vận tải trong nước thì từ miền Bắc đi miền Nam giá cao, ngược lại từ miền Nam đi miền Bắc giá thấp. Nguyên nhân là Trung Quốc siết chặt cửa khẩu nên hàng hóa xuất khẩu ít, nhiều xe hàng chở rỗng từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc nên giá sẽ thấp để kích cầu.
Theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, giá cước vận tải vẫn chưa điều chỉnh giảm là do khi giá xăng, dầu lập đỉnh, nhiên liệu chiếm tới 50% chi phí hoạt động nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ điều chỉnh tăng giá cước khoảng 10%, chưa đủ bù đắp chi phí. Đại diện Bộ GTVT cho biết, nếu giá nhiên liệu giảm mạnh hơn nữa, các doanh nghiệp vận tải phải xem xét giảm giá cước.

Ngày 2-8, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho hay đang ra quân kiểm tra, xử lý các điểm kinh doanh cố tình găm hàng, giảm giá “nhỏ giọt”... QLTT TPHCM cũng tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý các vi phạm về giá bán, góp phần bảo đảm bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Tăng khuyến mãi, giảm giá bán
Ghi nhận tại TPHCM, giá cả của nhóm mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng đang rất được quan tâm. Do vậy, hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị vẫn đang nỗ lực duy trì giá bán ổn định để người dân có thể mua được đồ ăn với mức giá phù hợp.
Xăng dầu giảm giá mạnh, giá hàng hóa, dịch vụ giảm... nhỏ giọt ảnh 1 Khách mua hàng tại siêu thị Co.opmart trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM) chiều 2-8. Ảnh: THI HỒNG
Thông tin từ hệ thống siêu thị Co.opmart, MM Mega Market, BigC&Go!…, hiện các siêu thị đang giảm giá đậm cho nhiều mặt hàng tiêu dùng. Ví dụ, Co.opmart đang giảm giá từ 10-25% các mặt hàng sữa, thực phẩm khô, thịt và trứng gia cầm… Tại hệ thống BigC Trường Chinh (quận Tân Phú) giảm 59.000 đồng cho chai dầu đậu nành Tường An loại 5 lít (còn 260.000 đồng/chai); túi nước xả vải Comfort 3,8 lít giảm 77.000 đồng, còn 172.500 đồng/túi… Song song đó, các siêu thị cũng có thêm các chương trình giảm giá phục vụ ngày khai trường đối với quần áo, sách vở, dụng cụ học sinh từ 10-30%.
Đối với các chợ đầu mối nông sản thực phẩm (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn), giá bán sỉ các mặt hàng vẫn tương đối ổn định, không có tình trạng giá tăng đột biến. Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM), thông tin, lượng hàng hóa về chợ mỗi đêm đạt khoảng 2.500 tấn. Tương tự, đối với chợ đầu mối Hóc Môn, hàng nhập chợ dao động ở mức 2.400 tấn mỗi đêm. Tuy nhiên, giá các loại rau củ, trái cây vẫn tương đương cách nay 1 tháng.
Ở thời điểm hiện tại, một số tiểu thương cho biết, các nhà xe vận chuyển từ các tỉnh (Lâm Đồng, một số tỉnh ĐBSCL) vẫn chưa có kế hoạch giảm giá cước, do thời điểm xăng tăng giá họ phải hỗ trợ giá cho bạn hàng. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ba Huân, bổ sung thông tin, hiện tại giá thức ăn chăn nuôi các loại vẫn trên đà tăng và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nên việc các doanh nghiệp giảm giá trứng gia cầm, thịt gia cầm các loại sẽ khó khăn.
Trước tình trạng nhiều mặt hàng giảm giá “nhỏ giọt”, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM khẳng định sẽ xử lý nghiêm những điểm kinh doanh vi phạm. Ngoài ra, sở luôn đảm bảo cung cầu hàng hóa trên thị trường, đồng thời vận động các doanh nghiệp bình ổn cung ứng hàng hóa với mức giá ưu đãi, tối giản chi phí kinh doanh nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.

Đà Nẵng: Khuyến mãi giảm giá

Tại các siêu thị ở TP Đà Nẵng, giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đã được điều chỉnh giảm. Ghi nhận tại siêu thị Lotte mart (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), việc điều chỉnh giá nhiều nhất ở các sản phẩm dầu ăn, thực phẩm khô. Nhiều mặt hàng thiết yếu đang có mức khuyến mãi cao, giảm sâu giá bán như dầu ăn, nước mắm, gia vị, gạo, sữa.

Theo bà Lê Thị Hiền, Giám đốc Co.opmart Sơn Trà, các siêu thị phối hợp với nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu như gạo, thịt, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, cũng như các loại thực phẩm khô, giá giảm dự kiến từ 10-25%.

XUÂN QUỲNH


Tây Nguyên: Giá cả không “nhúc nhích”

Mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở rau, hoa từ Lâm Đồng đi các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng người trồng rau, hoa vẫn phải gửi hàng với giá cao. Cụ thể, giá cước gửi xe lạnh (đi các địa phương từ Đà Nẵng trở ra) đang được các nhà xe nhận với giá 6.000 đồng/kg, mỗi thùng hoa thì tiền gửi sẽ mất khoảng 300.000-350.000 đồng; xe thường (đi các địa phương phía Nam) giá cước hiện tại 40.000 đồng/thùng rau bất kỳ (25-40kg), gửi bằng đường hàng không giá cước cũng “neo” ở mức cao, 14.000-15.000 đồng/kg. 

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, cho biết, dù giá xăng thời gian qua có giảm nhưng giá cả dịch vụ, mặt hàng trên địa bàn tỉnh vẫn không giảm. Trước thực trạng này, Sở Công thương đã trao đổi với các doanh nghiệp, siêu thị có kế hoạch làm việc với các nhà cung cấp, rà soát và điều chỉnh giá cho phù hợp.

ĐOÀN KIÊN - HỮU PHÚC


Tây Nam bộ: Giá hàng tiêu dùng chưa hạ nhiệt

Ghi nhận tại An Giang, Kiên Giang… cho thấy giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn chưa hạ nhiệt. Tại các siêu thị và trung tâm thương mại Rạch Sỏi, giá các mặt hàng vẫn ở mức cao.

Ông Trịnh Chí Lập, Phó Giám đốc CIC Trading, cho biết: “Những mặt hàng tiêu dùng trên đà tăng giá liên tiếp, nay đã đứng giá nhờ tín hiệu tích cực từ việc giảm giá xăng, dầu. Tuy nhiên, phía nhà cung cấp vẫn chưa có thông báo giảm giá”. Tại các hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, Co.opmart…, giá các mặt hàng dầu gội, sữa tắm cũng tăng theo giá xăng, dầu rồi đứng giá. Cụ thể, nhà phân phối thông báo sẽ tăng giá từ 4-21% các sản phẩm thuộc Công ty TNHH Procter & Gamble (P&G) Việt Nam, áp dụng từ ngày 2-8-2022. 

Trong khi đó, cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là một trong những cửa biển nhộn nhịp nhất ĐBSCL, gần đây tàu cá đã ít nằm bờ so với trước. Nhiên liệu chiếm khoảng 70% chi phí mỗi chuyến đi biển, với giá dầu hiện nay, đi biển đã có lời.

“Giá xăng dầu giảm liên tiếp thời gian gần đây giúp ngư dân phấn khởi hơn. Vì vậy, tranh thủ lúc giá nhiên liệu giảm, nhiều ngư dân ra khơi bám biển”, ông Châu Minh Đảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), thông tin.

QUỐC BÌNH - TẤN THÁI


Đông Nam bộ: Thực phẩm vẫn “neo” giá cao

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), tại chợ Tam Hiệp, hiện giá nhiều loại thực phẩm bằng với giá hồi tháng 5. Tại chợ Biên Hòa, giá các loại thịt heo vẫn ở mức cao, thịt ba rọi từ 115.000-140.000 đồng/kg, thịt đùi từ 100.000-130.000 đồng/kg. Thông tin từ các siêu thị cho biết, đã triển khai chương trình giảm giá đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, nên sắp tới giá thịt heo sẽ giảm.

Ghi nhận ở một số chợ hải sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá cả các mặt hàng thủy hải sản tươi sống vẫn ở mức tăng khoảng 15-20% so với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng. Khảo sát tại chợ xóm Lưới (phường 2, TP Vũng Tàu) cho thấy, ghẹ có giá từ 200.000-490.000 đồng/kg trở lên tùy vào kích cỡ... các loại ốc hương, mực, tôm và các loại cá cũng tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg.

HOÀNG BẮC - NÔNG NGÂN

Tin cùng chuyên mục