Ngư dân đánh bắt hải sản ở ĐBSCL đang trong cảnh khó khăn nhất từ trước đến nay. Gánh nặng chi phí xăng dầu cùng vật tư nghề cá tăng cao, trong khi ngư trường càng cạn kiệt đã khiến hàng loạt tàu đánh bắt xa bờ đành phải nằm bờ. Nặng nề hơn, gần đây xuất hiện tình trạng nhiều tàu cá công suất lớn quăng neo nằm luôn ngoài biển…!
Từ nằm bờ đến “nằm biển”
Những ngày gần đây, dọc theo các cửa sông, bến cảng cá ở TP Rạch Giá, Phú Quốc, Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) đến Sông Đốc (Cà Mau), Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang nhan nhản cảnh tàu cá về neo đậu ngày một đông và nhùng nhằng chưa chịu ra khơi.
Tại sông Cái Bé và khu vực cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) tàu cá xếp hàng 5, hàng 6 đậu dày đặc cả khúc sông hơn 1km từ phà Xẻo Rô kéo dài đến nhà máy của Công ty Phúc Sao.
Đang loay hoay tìm vị trí an toàn hơn cho 2 cặp tàu cào đôi đậu dài ngày gần cửa sông Cái Bé, chủ tàu Nguyễn Chí Đức than: “Chuyến ra khơi vừa rồi, 2 cặp tàu của tôi đội chi phí hơn 40% so với đầu năm 2011 nhưng hiệu quả đánh bắt thì đi xuống. Rong ruổi hơn tháng trời ngoài biển về bán cá không đủ chi phí, lỗ hơn 40 triệu đồng, không có tiền chia cho anh em ngư phủ nên họ bỏ đi hết”.
Tương tự, cuối tháng 3-2011, ông Trần Hon đổ 25.000 lít dầu cho tàu ra biển đánh bắt nay khi trở về cặp cảng Tắc Cậu thì ông “méo mặt” vì lỗ. Chưa hết, xăng dầu lên là những thứ khác như nước đá, ngư cụ, nhân công… cũng sẽ tăng theo. Với đà này, chắc chắn sẽ có nhiều tàu nằm bờ, ngư dân khó bám nghề được.
Theo khảo sát mới nhất của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang: Sau 2 lần điều chỉnh (vào tháng 2 và tháng 3 vừa qua), giá dầu đã tăng 6.300 đồng/lít so với đầu năm 2011, kéo theo tăng giá của các vật tư nghề cá. Chi phí mỗi chuyến đi biển hiện nay tăng hơn 40% trong khi giá bán sản phẩm chỉ tăng từ 10% - 15%, năng suất khai thác giảm.
Tỉnh Kiên Giang có đội tàu khai thác thủy sản hùng hậu nhất nước với gần 12.000 chiếc, hiện có 10% tàu cá đang nằm bờ. Các địa phương ven biển khác như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre cũng có hàng ngàn tàu cá tạm chia tay ngư trường vì lỗ.
Hỗ trợ ngư dân
Một số chủ tàu ở Kiên Giang tổ chức đội “tàu tải” cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước đá, nước ngọt và trung chuyển thủy sản từ ngư trường vào cảng. Từ đó kéo dài mỗi chuyến biển lên 3 - 4 tháng. Cách làm này giúp tiết kiệm khoảng 2.000 lít dầu ra vào ngư trường cho mỗi chuyến biển nhưng không thể kéo dài vì ngư phủ không thể chịu đựng lâu với điều kiện khắc nghiệt ở ngư trường. Mặt khác, các tàu cũng phải vào bờ để sửa chữa máy móc, ngư lưới cụ…
Ngư dân Nguyễn Văn Hóa (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Dầu đã tăng rồi, chúng tôi dù có than vãn gì cũng vậy thôi. Nhưng đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho ngư dân hoặc nâng giá cá, tôm để ngư dân bám biển mà sống”.
Bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: Sở đã có văn văn gửi các cơ quan chức năng, cho các doanh nghiệp khai thác hải sản, chủ tàu vay vốn lưu động với lãi suất ưu đãi để mua nhiên liệu, vật tư ra khơi. Cần tiếp tục miễn giảm thuế môn bài và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các chủ tàu khai thác hải sản, giảm bớt các thủ tục hành chính về đăng ký, đăng kiểm tàu cá…
Theo ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Tổng cục Thủy sản đã xây dựng đề án hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân gặp khó khăn để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đánh giá ban đầu, do khó khăn về giá xăng dầu nên hiện có tới 30% tàu cá đang phải nằm bờ, 40% hoạt động cầm chừng, chỉ có 30% hoạt động bình thường. Trong đó, phần lớn tàu phải nằm bờ là loại đánh bắt xa bờ, có công suất từ 90 - 300 CV.
Bình Đại - Văn Phúc