“Xanh hóa” doanh nghiệp: Khó nhất từ đâu?

Sản xuất và tiêu thụ được xem là bền vững khi việc sản xuất và tiêu thụ đó đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đồng thời, giảm thiểu lượng chất thải và các chất ô nhiễm phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm, tránh gây nguy hại đến các nhu cầu của thế hệ sau. Đây cũng là xu thế mà thị trường thế giới đang hướng tới. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều việc phải làm.
“Xanh hóa” doanh nghiệp: Khó nhất từ đâu?

Sản xuất và tiêu thụ được xem là bền vững khi việc sản xuất và tiêu thụ đó đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đồng thời, giảm thiểu lượng chất thải và các chất ô nhiễm phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm, tránh gây nguy hại đến các nhu cầu của thế hệ sau. Đây cũng là xu thế mà thị trường thế giới đang hướng tới. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

“Xanh hóa” doanh nghiệp: Khó nhất từ đâu? ảnh 1

Hệ thống xử lý bụi tại một doanh nghiệp sản xuất ở quận Gò Vấp. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Lộ trình sản xuất xanh, cần dài hơi

Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Bình, để đạt được yêu cầu sản xuất xanh, doanh nghiệp cần phải áp dụng giải pháp kỹ thuật mới, sáng tạo trong thiết kế và cải tiến sản phẩm, chú trọng đến quá trình sản xuất như khuyến khích áp dụng sinh thái công nghiệp, sản xuất sạch hơn, sản xuất xanh, thiết kế sản phẩm bền vững, đánh giá vòng đời sản phẩm… Việc áp dụng sản xuất xanh không những giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh của mình trong mắt người tiêu dùng mà quan trọng hơn, doanh nghiệp cũng thu được những lợi ích trực tiếp nhờ tiết giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ông Mã Kê Hiền, Phó giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng cho rằng, lợi ích thu được từ sản xuất xanh còn có thể nhiều hơn thế. Tuy nhiên, cái khó nhất để xanh hóa một doanh nghiệp chính là sự dè dặt của lãnh đạo doanh nghiệp. Vì ngay từ đầu họ phải bỏ ra khoản kinh phí không nhỏ để cải tạo hệ thống trang thiết bị sản xuất. Khoản kinh phí này doanh nghiệp có thể được hoàn lại nhờ tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất nhưng nó chiếm thời gian khá dài. Trên thực tế rất ít doanh nghiệp đủ sự tin cậy cần thiết cũng như chấp nhận bỏ ra khoản đầu tư này.

Đồng thuận với quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Hoàng Việt, Trưởng phòng kỹ thuật Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty cổ phần Sữa Vinamilk cho biết, để có thể trở thành nhà máy đạt tiêu chuẩn xanh do thành phố đặt ra nói riêng và đạt được chứng chỉ môi trường của quốc tế, công ty đã xây dựng kế hoạch với lộ trình hơn 10 năm. Đơn cử, vào năm 2002, nhà máy xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải với công suất 1.200m3/ngày đêm, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại A. Đến năm 2004 tiếp tục hoàn thiện lại hệ thống xử lý khí thải lò hơi. Riêng từ năm 2005 đến nay hoàn tất việc xây dựng hệ thống thu gom quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại; đầu tư thay mới các dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu có năng suất thấp và tiêu tốn nhiều năng lượng bằng các thiết bị công nghệ hiện đại, giúp giảm thiểu chất thải ô nhiễm phát sinh và thân thiện môi trường. Đồng thời, áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn bằng cách sắp xếp lại hệ thống dây chuyền sản xuất, loại bỏ một số công đoạn không hợp lý để giảm thiểu tổn thất năng lượng không cần thiết; chuyển sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch sang khí tự nhiên CNG để giảm sức ép cho nguồn cung năng lượng hóa thạch; đầu tư hệ thống cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời… Không dừng lại cải tạo cơ sở vật chất, nhà máy nghiên cứu và sử dụng những nguyên vật liệu có khả năng phân hủy hoặc tái chế sau khi sử dụng.

Mạnh tay thay đổi

Theo Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Đại học Bách khoa TPHCM, không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ lại chọn mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, tập trung ưu tiên doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng phát triển xanh. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động vận động ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh trong cộng đồng. Điều này thể hiện xu hướng tất yếu trên thế giới đang tập trung phát triển xanh và nước ta cần phải có sự chuyển đổi để từng bước thích ứng và bắt nhịp cùng xu hướng này.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, bộ đang triển khai chương trình nhãn xanh Việt Nam với mục tiêu chính là khuyến khích các mẫu hình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường. Đây sẽ là tiền đề chuẩn bị cho hoạt động dán nhãn và phổ biến thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội. Xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2020 áp dụng chính sách mua sắm xanh.

Riêng tại TPHCM, để chủ động đón xu thế phát triển mới, thành phố đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh như hỗ trợ vốn đầu tư công trình xử lý chất thải; thành lập các quỹ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng mạng lưới chuyên gia sản xuất sạch hơn; ưu tiên hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho những doanh nghiệp có nhu cầu cải tạo hệ thống trang thiết bị sản xuất để cải tạo hiệu suất sử dụng năng lượng… Không dừng lại đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện ký kết liên tịch với các đoàn thể, tổ chức xã hội đẩy mạnh phong trào bảo vệ môi trường, hưởng ứng các chiến dịch kêu gọi ưu tiên tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường như chương trình 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng); Tiêu dùng xanh… Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp chủ động đến đâu để có thể nắm bắt kịp thời xu thế phát triển mới. Từ đó xây dựng lộ trình điều chỉnh thích hợp để cải thiện hoạt động sản xuất cũng như sản phẩm của mình theo hướng xanh hơn, sạch hơn và phát triển bền vững hơn.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục