Xanh hóa khu phố

TPHCM phấn đấu đến cuối năm 2024 có khoảng 1.500 khu phố xanh, sạch, đẹp. Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có sự góp sức rất lớn từ người dân.
Dọn vệ sinh tại cù lao Nguyễn Kiệu, quận 4, TPHCM
Dọn vệ sinh tại cù lao Nguyễn Kiệu, quận 4, TPHCM

Xóa nhiều “điểm đen” ô nhiễm

Thời gian qua, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, nhiều khu phố tại các quận, huyện đã đẩy mạnh phong trào tổng vệ sinh khu vực mình sinh sống, xóa các điểm ô nhiễm do rác thải gây ra. Bà Trịnh Thị Thúy Ngần, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 13, quận Tân Bình, chia sẻ: “Trước đây, đường Mai Lão Bạng (khu phố 7) là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, rác thải chất thành đống, bốc mùi gây khó chịu cho người dân sinh sống nơi đây và cả người đi đường. Chưa hết, xe ô tô, ba gác, xe bán hàng rong đậu kín trên đường, gây cản trở giao thông. Để xử lý điểm ô nhiễm này, chính quyền đã xây dựng công trình Không gian xanh và công trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Với sự đồng thuận cao của toàn thể cán bộ và nhân dân trong khu phố, cùng với sự chung tay góp sức của mạnh thường quân, khu phố đã thực hiện và hoàn thành 2 công trình, giúp bộ mặt khu phố khang trang, sạch đẹp hơn. Từ đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng được nâng cao, không còn tình trạng xả rác bừa bãi ra đường”.

Đại diện Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh, cho biết, tại khu vực ngã ba đường Bà Cả và đường tổ 10, ấp 5, xã Đa Phước phát sinh bãi rác hoang nhiều năm qua, mặc dù chính quyền đã nhiều lần tổ chức ra quân xử lý nhưng chưa cải thiện được. Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách, cần phải xử lý, chính quyền địa phương đã vận động người dân phối hợp với các tổ chức tổng vệ sinh, thu gom rác thải, san lấp, sau đó tổ chức trồng hoa, đặt khẩu hiệu tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường. Bãi rác hôi thối trước đây được thay thế bằng vườn hoa xinh xắn. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục tổ chức phát động, nhân rộng các “mô hình xanh” trên toàn địa bàn, phấn đấu 100% khu phố trên địa bàn đạt khu phố xanh, sạch. 

Ông Phí Văn Thịnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 7, quận 8, cũng cho biết, hẻm 2695 đường Phạm Thế Hiển, khu phố 2 có khoảng 320 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, cuối hẻm có khu đất trống khá ẩm thấp, cỏ mọc hoang nhiều, một số người dân vứt rác, vật dụng hư cũ gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh. Quyết tâm xóa điểm ô nhiễm, chính quyền đã phát động phong trào ra quân dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải. Đã có hàng trăm lượt người dân tham gia dọn dẹp, đồng thời tự nguyện đóng góp kinh phí cải tạo khu đất thành không gian công cộng sạch, đẹp. Sau thành công của mô hình ở đường Phạm Thế Hiển, chính quyền địa phương cũng tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các khu phố còn lại trên địa bàn thực hiện, biến nhiều “điểm đen” ô nhiễm do rác thải thành những vườn hoa, khu vui chơi xanh, sạch trong khu dân cư. 

Dân đồng thuận, môi trường sẽ sạch 

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho biết, công tác bảo vệ môi trường luôn là nội dung quan trọng được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quan tâm. Thời gian qua, các đơn vị trên địa bàn thành phố đã có nhiều sáng kiến, hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Chẳng hạn như cải tạo các bãi rác ô nhiễm, ra quân dọn vệ sinh mỗi ngày, trồng cây tạo mảng xanh… Điều đặc biệt, khi triển khai các hoạt động, lãnh đạo địa phương luôn nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng dân cư. Chính sự chung tay của người dân là nhân tố quan trọng trong việc giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp tại các khu phố. Để giữ gìn môi trường thành phố xanh, sạch, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên và sâu rộng trong các cấp, ngành, các địa phương nhằm nâng cao nhận thức và vận động sự tham gia của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp để thực hiện cải tạo, bảo vệ môi trường. Một vấn đề quan trọng không kém là huy động mọi nguồn lực phục vụ cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển mảng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu tại các địa phương; vận động người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí, nguyên vật liệu cho phong trào xây dựng, cải tạo hẻm, đường, rãnh thoát nước thải ở khu dân cư.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, công tác kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo. Sở TN-MT đã phối hợp với nhiều đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể như vệ sinh khu phố, không xả rác bừa bãi… Những kết quả đạt được trong việc xây dựng khu phố xanh, sạch ở các khu phố là động lực để thành phố tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình hướng tới xây dựng thành phố sạch, xanh, thân thiện môi trường. Bên cạnh giải pháp quản lý, công tác truyền thông về bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh đồng loạt trên toàn thành phố với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sở ngành, chính quyền các cấp. Năm nay đánh dấu cột mốc quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường, bổ sung cộng đồng dân cư vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Do vậy, có sự chung tay, đồng thuận của người dân, công tác bảo vệ môi trường sẽ đạt được những kết quả tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục