Xây chợ để… bỏ hoang

Ở Đắk Nông hiện có hàng chục ngôi chợ xây theo Chương trình 135 đang  bị bỏ hoang. Tuy nhiên, bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây chợ nhưng không có ai đến đây mua bán. Đây là sự lãng phí cần khắc phục.
Xây chợ để… bỏ hoang

Ở Đắk Nông hiện có hàng chục ngôi chợ xây theo Chương trình 135 đang  bị bỏ hoang. Tuy nhiên, bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây chợ nhưng không có ai đến đây mua bán. Đây là sự lãng phí cần khắc phục.

Lãng phí tiền tỷ

Chợ đầu mối nông sản Nam Dong (ở thôn Tân Bình, xã Nam Dong, huyện Cư Jút) được xây dựng trên diện tích đất 3,7ha, có tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 5 tỷ đồng, hoàn thành từ tháng 4-2008. Nhưng từ đó đến nay chợ này chưa có phiên họp nào đúng nghĩa và người dân trên địa bàn không vào đây mua bán, trao đổi nông sản. Trong khuôn viên chợ, cỏ mọc um tùm, nhà cửa xuống cấp, rác thải khắp nơi. Cổng chợ không có tên chợ mà chỉ có tên Công ty TNHH Hùng Phát.

Ông Trần Kế Duy, trưởng thôn Tân Bình, bức xúc: “Việc quản lý và khai thác chợ đầu mối nông sản Nam Dong hiện nay của Công ty TNHH Hùng Phát rất lỏng lẻo, vì thế chợ trở thành nơi vứt rác thải, chăn thả trâu bò. Vào ban đêm đây còn là nơi tụ tập hút chích ma túy. Từ năm 2009 đến nay, thôn Tân Bình đã nhiều lần kiến nghị với huyện và tỉnh tổ chức lại việc khai thác chợ sao cho hiệu quả nhưng vẫn chưa đến đâu”.

Nhưng ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, lại nói rằng: “Đây là chợ kinh doanh  chuyên biệt một số ngành hàng nông, lâm sản có đặc thù và tính chất riêng, hoạt động theo mùa vụ nên hoạt động kinh doanh không diễn ra nhộn nhịp như các chợ thông thường. Tính đến tháng 3-2012, huyện đã cho 5 doanh nghiệp thuê kho, bãi thu mua nông sản và nộp ngân sách 500 triệu đồng”. 

Chợ nông sản Nam Dong không có bảng tên

Chợ nông sản Nam Dong không có bảng tên

Rất nhiều chợ khác ở Đắk Nông cũng trong tình cảnh như thế. Vào giữa năm 2008, chợ liên xã Đắc Hòa - Đắc Môn (ở huyện Đắc Song) vốn đầu tư hơn 600 triệu đồng (từ nguồn vốn Chương trình 135) được xây xong và đưa vào sử dụng. Nhưng chỉ được vài tháng, người dân không còn vào chợ buôn bán nữa và nó bị bỏ hoang cho đến nay.

Trong khi đó, cách chợ này chừng 200m (ở ngã ba nằm trên quốc lộ 14C) người ta lại lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán. Còn chợ trung tâm xã Trường Xuân (huyện Đắc Song) được đầu tư 730 triệu đồng (từ nguồn vốn Chương trình 135), đưa vào sử dụng năm 2010 nhưng nay chợ không còn hoạt động và bắt đầu xuống cấp.

Ngoài ra, có nhiều chợ khác như: Chợ Đắc Ru, chợ Nhân Đạo (huyện Đắc R’lấp), chợ Quảng Sơn (huyện Đắk G’long), chợ Cư K’nia (huyện Cư Jút), chợ Thuận Hạnh (Đắk Song)… cũng không hoạt động và bị bỏ hoang một cách lãng phí.

Phong trào xây chợ

Sở Công thương Đắc Nông cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 12 chợ được đầu tư, xây dựng từ ngân sách nhà nước chưa được khai thác, sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

Theo sở này, việc nhiều chợ trong tỉnh hiện không phát huy hiệu quả là do thiếu tính toán kỹ lưỡng trong việc quy hoạch vị trí xây dựng và kết cấu chợ thường sơ sài nên không thu hút được người dân vào mua bán. Những ngôi chợ đang bị bỏ hoang thường ở những vị trí không thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán của người dân như: xa khu dân cư, khuất tầm nhìn, mặt bằng hẹp…

Trước khi xây dựng chợ, hầu như các địa phương đều không tham khảo, lấy ý kiến của người dân. Ngoài ra, do nguồn vốn đầu tư có phần hạn hẹp, các địa phương lại không bố trí thêm kinh phí nên hầu hết chợ đều được xây dựng theo một kết cấu vừa nhỏ hẹp vừa sơ sài, không tạo được không gian buôn bán thuận lợi.

Theo ông Hoàng Phú, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, việc xây dựng chợ nông thôn của Chương trình 135 đang chạy theo phong trào với mục tiêu xã nào cũng phải có chợ. Một số địa phương chạy theo thành tích trong việc xây dựng chợ mà không hề quan tâm có hoạt động hiệu quả hay không. Vì thế, vừa lãng phí vốn nhà nước vừa không cải thiện được đời sống ở những nơi này.

Có lẽ, đã đến lúc tỉnh Đắc Nông cần phải rà soát lại việc xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn để tránh lãng phí tiền của nhà nước như vậy.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục