Xây dựng bộ tiêu chí “thành phố sống tốt” cho TPHCM

Sống tốt là một trong 4 tiêu chí của TP phát triển bền vững, bao gồm: Sống tốt, kinh tế cạnh tranh, quản trị TP tốt và tài chính cân bằng. TP sống tốt được dựa trên 3 thành phần tác động qua là: Môi trường lành mạnh, kinh tế sống động và xã hội tốt đẹp. Sự cân bằng giữa 3 thành phần nêu trên là yếu tố quyết định cho các tiêu chí sống tốt và tính bền vững. Nhưng trên hết, chúng ta phải có khả năng quản trị tốt để có được TP có chất lượng sống tốt.
Xây dựng bộ tiêu chí “thành phố sống tốt” cho TPHCM

Sống tốt là một trong 4 tiêu chí của TP phát triển bền vững, bao gồm: Sống tốt, kinh tế cạnh tranh, quản trị TP tốt và tài chính cân bằng. TP sống tốt được dựa trên 3 thành phần tác động qua là: Môi trường lành mạnh, kinh tế sống động và xã hội tốt đẹp. Sự cân bằng giữa 3 thành phần nêu trên là yếu tố quyết định cho các tiêu chí sống tốt và tính bền vững. Nhưng trên hết, chúng ta phải có khả năng quản trị tốt để có được TP có chất lượng sống tốt.

Để TPHCM trở thành TP có chất lượng sống tốt, rất cần một bộ tiêu chí làm cơ sở thực hiện. Ảnh: PHƯƠNG PHẠM

Tiêu chí nào cho “thành phố sống tốt” ở TPHCM?

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn TPHCM, có thể nêu lên 3 nhóm tiêu chí của TP sống tốt ở TPHCM như sau: Sự phát triển của cá nhân, môi trường sống tốt, đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng.

Ở nhóm thứ nhất, sự phát triển của cá nhân bao gồm các khía cạnh: Sinh kế, sức khỏe, giáo dục, cơ sở hạ tầng, an

toàn/an ninh. Cụ thể, về sinh kế, hiện nay, đa số người dân có việc làm, nhưng không phải mọi người đều có việc làm chất lượng; do vậy, TPHCM cần quan tâm khắc phục, giúp người dân có việc làm ổn định, chất lượng, với thu nhập cao hơn. Về sức khỏe, hệ thống cung cấp dịch vụ sức khỏe như bệnh viện cần phải tốt, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân, quan tâm đến các vấn đề sức khỏe của trẻ em, hướng đến TP lành mạnh - là nơi người dân được chăm sóc sức khỏe cao, khuyến khích y tế dự phòng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Về giáo dục, tỷ lệ biết chữ cao, hoàn chỉnh hệ thống các trường học, học phí hợp lý; xây dựng xã hội học tập hướng đến TP học tập. Về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đi lại thuận tiện, viễn thông tốt, nguồn điện được cung cấp đầy đủ và nước sạch được cung cấp đảm bảo. Về an toàn/an ninh, cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, giảm trộm cắp, cướp giật, các vụ hành hung bạo lực, phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, hướng tới TP an toàn.

Riêng khía cạnh TP an toàn, có thể xây dựng theo 5 tiêu chí: An toàn số (đo lường chất lượng về an ninh mạng, an toàn số, giảm hành vi ăn cắp danh tính hay các yếu tố liên quan khác); An toàn sức khỏe (tuổi thọ trung bình của người dân, cũng như tỷ lệ giường bệnh cùng với dân số); An toàn cơ sở hạ tầng và nhà ở (chất lượng đường sá, các chung cư cũ bị hư hỏng nặng cần được xây lại và giảm số người chết vì thiên tai); An toàn cá nhân (tội phạm giảm, chất lượng cảnh sát khu vực tăng); An toàn vệ sinh thực phẩm.

Ở nhóm thứ hai, môi trường sống tốt với các tiêu chí như: Không khí, đất sạch, nước sạch, xử lý chất thải rắn, giải quyết nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch, có lượng carbon thấp. Trong đó, chất lượng không khí sạch, tác động tốt đến sức khỏe, không có khí thải do tắc nghẽn giao thông; đất sạch - không ô nhiễm đất; nguồn nước, chất lượng nước uống đều sạch, nước thải không gây ô nhiễm; các loại chất thải rắn, rác thải nguy hại, cần có cách thu gom hiệu quả; nhà lụp xụp, rách nát ven và trên kênh rạch ngày càng giảm, số người sống trong đó giảm dần cho tới khi không còn và đẩy lùi tình trạng khủng hoảng sinh thái; hướng tới “TP carbon thấp”, giảm khí thải nhà kính và phát triển TP sinh thái, TP xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ở nhóm thứ ba, đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng, bao gồm các tiêu chí về đời sống công dân, không gian dân sự, cộng hưởng văn hóa, tham gia của cộng đồng, nghỉ ngơi giải trí. Về đời sống công dân, các nhóm cộng đồng và tổ chức cộng đồng được tăng cường cách tiếp cận với các nguồn lực, sự bình đẳng của cộng đồng và các cơ hội để cộng đồng tham gia. Không gian dân sự là không gian mở, trong đó có mạng lưới các mảng xanh, công viên và cả không gian mở xung quanh khu nhà ở, TP cần đảm bảo yêu cầu vui chơi giải trí của người dân, là nơi thể hiện “sự vui vẻ” của cộng đồng nhân văn. TP cần có thêm các dự án, chương trình cho cộng đồng để thúc đẩy giá trị đạo đức của dân chúng. Cộng hưởng văn hóa ở TP được tôn vinh với bản sắc văn hóa độc đáo đa sắc tộc, tôn giáo, các sự kiện, các đặc trưng cho từng khu vực mang tính sáng tạo...

Ngoài ba nhóm tiêu chí trên, còn có các tiêu chí khác như: TP có đủ nhà ở cho người dân, đi lại dễ dàng, không bị ngập nước; TP xanh - sạch - đẹp. Các tiêu chí “TPHCM có chất lượng sống tốt” trên đây cần được lượng hóa và chi tiết hóa thành bộ tiêu chí, đó sẽ là các tiêu chí chung để người dân, doanh nghiệp và chính quyền cùng làm, trong đó chính quyền đóng vai trò chủ đạo trên cơ sở quản trị TP tốt.

Quản trị tốt để TP có chất lượng sống tốt

Quản trị TP tốt là để cân bằng giữa kinh tế cạnh tranh và môi trường sống tốt, hướng đến mục tiêu sống tốt và phát triển bền vững. Có thể nói, không thể xây dựng kinh tế trước tiên rồi mới chăm lo đến chất lượng cuộc sống, ngược lại cũng không thể xây dựng điều kiện sống tốt khi kinh tế còn trì trệ. Giao thức các mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội được cân bằng với chiến lược “cùng thắng” hay “cùng được” cũng sẽ giúp cân bằng giữa phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống tốt.

Quản trị TP tốt bao gồm 7 tiêu chí: Sự tham gia của cộng đồng dân cư; các quy định của pháp luật; minh bạch chính quyền; có trách nhiệm; hướng tới sự nhất trí; công bằng xã hội; hiệu lực và hiệu quả. Trong đó, sự tham gia của cộng đồng dân cư có nghĩa là tất cả mọi người dân đều có tiếng nói quyết định, có thể là trực tiếp hoặc thông qua cơ chế gián tiếp để đại diện cho quyền lợi của họ. Sự tham gia rộng rãi của người dân như vậy thường được thông qua các hoạt động của hội đoàn và tùy thuộc vào sự phát ngôn cũng như năng lực của họ. Do vậy, TPHCM cần thực hiện hiệu quả “quy chế dân chủ cơ sở” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. TP cần thiết lập các kênh để lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp và sử dụng chúng như những thông tin cơ bản trước khi thực hiện bất kỳ dự án hay hoạt động nào.

Về các quy định của pháp luật, khuôn khổ pháp luật phải công bằng và vô tư, đặc biệt là các luật có liên quan đến quyền con người. Do vậy, TP cần ban hành các quy định về quyền hạn của TP thích hợp với việc giải quyết các vấn đề của địa phương và công bố rõ ràng về các quy định này. Toàn cầu hóa luôn đi đôi với đô thị hóa và phân quyền hóa. Phân cấp phân quyền luôn là nội dung cơ bản của quản lý nhà nước tốt. Do vậy, TP cần có quy định phân cấp mạnh cho quận huyện; Trung ương cần có cơ chế đặc thù trao quyền tự chủ cho đô thị đặc biệt như TPHCM cả về nhân sự và tài chính để có thể quản trị TP tốt và kịp thời.

Minh bạch của chính quyền thường được xây dựng trên sự kiểm chứng qua nhiều luồng thông tin. Tiến trình, định chế và thông tin được đưa trực tiếp đến người dân, với những gì họ quan tâm và đủ thông tin được cung cấp để họ hiểu và có thể giám sát. Do vậy, chính quyền TP cần phòng ngừa và chống tham nhũng hiệu quả hơn. TP sẽ không có tham nhũng ở cấp điều hành hoặc nhân viên chính quyền, nếu có bất kỳ trường hợp nào, trường hợp đó phải được xem xét và đánh giá rõ ràng, xử lý triệt để, công khai để người dân biết, tăng sự tin cậy nơi nhân dân. TP cần xây dựng “chính quyền liêm chính”. Công cụ giúp TP minh bạch là  xây dựng “chính quyền điện tử” và xây dựng TPHCM thành “thành phố thông minh”.

Có trách nhiệm có nghĩa là chính quyền cần có trách nhiệm thực hiện các định chế và tiến trình để hỗ trợ cho các thành phần tham gia quản trị đô thị. Về hướng tới sự nhất trí, quản lý TP tốt là TP làm trung gian giữa các quyền lợi khác nhau hướng tới sự đối thoại rộng rãi, sao cho quyền lợi tập thể tốt nhất, từ đó trở thành chính sách và quy trình.

Công bằng xã hội có nghĩa là tất cả mọi người đều có cơ hội cải thiện hoặc giữ được những gì tốt đẹp. Về hiệu lực và hiệu quả, tiến trình và định chế của pháp luật có thể có hiệu lực nhưng chỉ có hiệu quả khi sử dụng tốt nhất các nguồn lực. Do vậy, TP cần tiếp tục cải cách hành chính, hướng đến “chính quyền phục vụ người dân”. Cương quyết chấn chỉnh tình trạng thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, vô cảm trong một số bộ phận cán bộ công chức khi thi hành công vụ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân và tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. TP cần đo sự hài lòng của người dân liên quan đến quản lý và phát triển TP. Đào tạo nguồn nhân lực cũng là yếu tố có tính chất quyết định.

Ở tiêu chí chịu trách nhiệm, những người ra quyết định trong chính quyền, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội đều phải chịu trách nhiệm trước người dân cũng như các thành phần tham gia. Những trách nhiệm khác nhau tùy thuộc vào vai trò từng tổ chức. Về tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo và người dân đều có tầm nhìn dài hạn để phát triển TP như thế nào cho tốt.

TPHCM đang có khát vọng trở lại vị trí hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, vì trước đây Sài Gòn đã từng là Hòn ngọc Viễn Đông. Là “chính quyền hành động”, TPHCM cần quản trị TP tốt để xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, phát triển bền vững và hướng tới vị trí hàng đầu ở khu vực.

NGUYỄN ĐĂNG SƠN
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng

Tin cùng chuyên mục