Xây dựng chiến lược phát triển cây mắc ca ở Việt Nam

Ngày 29-9 tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua và định hướng, giải pháp phát triển trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày các sản phẩm được chế biến từ hạt mắc ca. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày các sản phẩm được chế biến từ hạt mắc ca. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương cũng đánh giá hiệu quả phát triển, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển cây mắc ca. Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho rằng, thông qua trồng xen, mắc ca đã cho thu nhập gấp 2 lần so với trồng chè. Nhưng mắc ca là loại cây dài ngày, chi phí đầu tư không ít. Do vậy cần xác định vai trò của doanh nghiệp là đầu tàu.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, diện tích mắc ca tăng nhanh nên có một số cơ sở đã tự gieo ươm, bán giống cho người dân trồng, điều này ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng. Ngoài ra, ở Việt Nam hiện chưa có thuốc đăng ký phòng trừ sâu bệnh hại mắc ca. 

Còn theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, người dân thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều vào quá trình trồng, chăm sóc, sơ chế mắc ca. Sản lượng mắc ca thu hoạch còn thấp, chưa ổn định. Cơ sở thu mua, chế biến còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trồng mắc ca; chưa xây dựng được thương hiệu mắc ca trên thị trường và quốc tế. 

Tại hội nghị, một số nông dân, doanh nghiệp cũng kiến nghị hỗ trợ thành lập hợp tác xã mắc ca để chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên, dần dần tiến tới thu mua mắc ca cho bà con hoặc kết nối thị trường cho các doanh nghiệp chế biến. 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cây mắc ca là cây sinh thái, cây xóa đói giảm nghèo, cây làm nên giàu có, cây dinh dưỡng, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh. Cây mắc ca “đi sau về trước” nếu chúng ta biết ứng dụng khoa học - công nghệ, biết liên kết chuỗi giá trị, không chỉ tăng diện tích mà đặc biệt tăng chế biến sâu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.   

Thủ tướng cho rằng cần có quy hoạch tiểu vùng với việc thúc đẩy chế biến sâu sản phẩm mắc ca. Trước hết, quy hoạch phát triển, quản lý về giống, xử lý vấn đề vốn, đầu tư khoa học - công nghệ. Hai vùng có thể phát triển ổn định cây mắc ca là Tây Bắc và Tây Nguyên. Quy hoạch phải tập trung cho 2 vùng này, còn các nơi khác xem xét cho thí điểm trước khi kết luận đại trà. Bên cạnh đó, cần phát triển đồng bộ, gắn với ngành công nghiệp chế biến. Đây là ngành hàng mới nên các ngành ngân hàng, tài chính dành nguồn vốn, hỗ trợ cho người dân với những chính sách cụ thể về lãi suất…

Thủ tướng giao Bộ NN-PNTT chủ trì, phối hợp Hiệp hội Mắc ca, các địa phương xây dựng chiến lược phát triển cây mắc ca ở Việt Nam.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay cây mắc ca đã được trồng tại 23 tỉnh, với tổng diện tích hơn 16.553ha, trong đó 9 tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng được hơn 15.439ha. Năng suất bình quân đạt 3 tấn hạt tươi/ha. Giá bán hạt mắc ca tại vườn (hạt tươi) dao động 70.000 - 90.000 đồng/kg. Sản phẩm chế biến chủ yếu ngoài tiêu thụ trong nước còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Điều này mở ra cơ hội tốt cho phát triển mắc ca ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục