Xây dựng chuỗi giá trị rau an toàn: Khuyến khích nông dân sản xuất sạch

Giải pháp triệt để cho bài toán an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được Chính phủ và xã hội quan tâm. Thúc đẩy sản xuất an toàn theo hướng gia tăng giá trị, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân tham gia sản xuất đang được xem là một trong những giải pháp để phát triển thị trường nông sản an toàn, trong đó có rau an toàn của Việt Nam.
Xây dựng chuỗi giá trị rau an toàn: Khuyến khích nông dân sản xuất sạch

Giải pháp triệt để cho bài toán an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được Chính phủ và xã hội quan tâm. Thúc đẩy sản xuất an toàn theo hướng gia tăng giá trị, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân tham gia sản xuất đang được xem là một trong những giải pháp để phát triển thị trường nông sản an toàn, trong đó có rau an toàn của Việt Nam.

Xây dựng chuỗi giá trị rau an toàn: Khuyến khích nông dân sản xuất sạch ảnh 1

Cánh đồng rau sạch tại Mộc Châu nằm trong dự án “Xây dựng chuỗi giá trị rau an toàn tại miền Bắc Việt Nam”.

Bài toán xây dựng chuỗi cung ứng rau an toàn

Trong Diễn đàn ISG ( Chương trình hỗ trợ quốc tế) thường niên về an toàn thực phẩm vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNN), Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, trong thời gian qua, đã có nhiều dự án phát triển chuỗi sản xuất nông sản an toàn từ trang trại đến bàn ăn được triển khai nhưng thành quả không bền vững vì chi phí vận hành quản lý và giá thành sản xuất cao. Cụ thể, Việt Nam đã phát triển được một số chuỗi quản lý rau an toàn qua một số dự án của  Đan Mạch, Canada, Nhật Bản, nhưng khi kết thúc dự án thì rất khó duy trì do thiếu kinh phí. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của quốc tế trong vấn đề xây dựng các chuỗi nông sản an toàn bền vững, trong đó có rau an toàn.

Theo báo cáo của Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, năm 2012, diện tích sản xuất rau cả nước là hơn 823.800ha, trong đó 120.000ha chuyên canh, 430.000ha luân canh; sản lượng rau đạt 14 triệu tấn. Mặc dù chủng loại rau rất đa dạng và phong phú, nhưng quy mô sản xuất rau hiện vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, khuyến khích sản xuất rau an toàn để người dân được tiêu thụ nông sản an toàn luôn là thực sự cần thiết.

Là một trong những doanh nghiệp FDI tiên phong xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng bền vững trong nông nghiệp trong suốt những năm qua, nhiều dự án của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) đã được đánh giá cao về tính hiệu quả, đặc biệt là chuỗi cung ứng rau quả tại Đà Lạt. Được biết, bên cạnh việc đào tạo kiến thức và kỹ năng cho nông dân, công ty Metro cũng đã xây dựng một trạm trung chuyển và bảo quản lạnh tại tỉnh Lâm Đồng. Trạm trung chuyển này đã được cấp chứng nhận HACCP và được coi là một trong những trạm trung chuyển đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm rau quả tốt nhất Việt Nam hiện nay. Trung bình mỗi ngày có trên 30 tấn rau quả đạt chất lượng được thu mua qua trạm này. Từ năm 2011, Công ty Metro đã mở rộng dự án này ra phía Bắc tại Mộc Châu (tỉnh Sơn La), thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Dự án “Xây dựng chuỗi giá trị rau an toàn tại miền Bắc Việt Nam”

Vừa qua, Công ty Metro phối hợp với Công ty Fresh Studio được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hà Lan đã tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Xây dựng chuỗi giá trị rau an toàn tại miền Bắc Việt Nam”. Dự án này có tổng giá trị cam kết đầu tư lên tới gần 1 triệu euro được thực hiện từ tháng 10-2010 đến tháng 5-2013.

Dự án đã kết hợp chặt chẽ với các đối tác như các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, các viện nghiên cứu, và các cơ quan của Nhà nước tập huấn cho nông dân các kiến thức nông nghiệp và kỹ thuật canh tác. Các kỹ sư nông nghiệp và công ty cũng đưa ra khối lượng cung ứng mục tiêu hàng năm cho nông dân và nhà cung cấp để đưa vào kế hoạch trồng trọt.

Chị Nguyễn Thị Ngà, một hộ nông dân tham gia vào dự án này cho biết: “Chúng tôi được hướng dẫn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt đồng thời được tập huấn giống mới trên mô hình trang trại mẫu. Một trong những khóa tập huấn rất mới và có ích đó là khóa tập huấn cho nông dân về quy trình làm việc với các đơn vị phân phối và bán lẻ.”

Hiện nay, mạng lưới nhà cung cấp và các hộ nông dân tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng cũng như các hộ nông dân nghèo ở khu vực miền núi phía Bắc đã được phát triển mạnh để đảm bảo nguồn cung cấp được liên tục quanh năm. Tham gia dự án gồm gần 120 nông dân chia thành 6 nhóm, sản xuất trên 30 chủng loại sản phẩm và cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn rau/ngày. 

Ông Philippe Bacac, Tổng Giám đốc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam chia sẻ:  “Sau 3 năm, các hộ nông dân tham gia dự án đã nhìn thấy được cơ hội sản xuất rau an toàn. Các hộ nông dân hiện nay đã mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, đầu tư trang thiết bị đóng gói, các dụng cụ chuyên dụng và thậm chí cả xe tải chuyên chở.”

“Từ góc độ thị trường, chúng tôi thấy rằng nhận thức của khách hàng về rau an toàn cũng được tăng lên thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của dự án. Sản lượng rau sạch tiêu thụ ngày càng tăng và hiện nay các sản phẩm còn được cung cấp vào các siêu thị, và cửa hàng ngoài hệ thống Metro. Chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hướng tới sản xuất an toàn, mang lại giá trị cao cho sức khỏe người tiêu dùng.” Ông Philippe Bacac cho biết.

PHẠM THANH

Tin cùng chuyên mục