Xây dựng gia đình hạnh phúc

Theo số liệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, phụ nữ Việt Nam chiếm 50,8% dân số, trong đó có trên 34 triệu phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, chiếm 48,7% lực lượng lao động toàn quốc. Đặc biệt trong ngành giáo dục, y tế, lao động nữ chiếm phần lớn (76,4% trong ngành giáo dục, 63,7% trong ngành y tế). Phụ nữ chiếm 33,95% số người có trình độ thạc sĩ, 25,69% số người có học vị tiến sĩ, ngày càng trẻ hóa. Đáng chú ý, hiện tuổi thọ trung bình của phụ nữ ngày càng được nâng lên. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ năm 2015 là 76,1 tuổi (trong khi tuổi thọ trung bình của nam giới là 70,7 tuổi). Đời sống, công việc của phụ nữ ngày càng tốt lên, ngày càng có nhiều phụ nữ thành công trong mọi lĩnh vực, trở thành những người có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với phụ nữ. Đơn cử như thu nhập bình quân của phụ nữ chỉ bằng 89,95% so với nam giới; tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 11,8%; tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ còn cao và có xu hướng tăng, đặc biệt ở nhóm dân tộc thiểu số; vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức báo động (112,8 trẻ trai/100 trẻ gái)...

Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ còn nghiêm trọng. Hiện, phụ nữ Việt Nam có rất nhiều bức xúc, lo lắng về tình hình biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm nhiễm bẩn… gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe con người. Có thể nói, sức ép đặt lên vai người phụ nữ ngày càng lớn: vừa phải lo làm tốt công việc chuyên môn, xã hội; vừa phải làm tốt nhiệm vụ làm mẹ, làm vợ, giữ ấm hạnh phúc gia đình, bởi xã hội vẫn quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

Theo Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, có một thực tế là trong bối cảnh hội nhập nhưng một bộ phận phụ nữ thiếu kiến thức, kỹ năng, chưa chủ động rèn luyện các phẩm chất đạo đức, còn chạy theo lối sống thực dụng, sa vào tệ nạn xã hội, chưa làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Đó là một trong những lý do mà nhiệm kỳ 2017 - 2022, Hội LHPN Việt Nam sẽ vận động phụ nữ cả nước hưởng ứng phong trào thi đua “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, hai cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Không dễ để nhận ra nội dung trọng tâm mà Hội LHPN Việt Nam đang hướng đến trong việc vận động phụ nữ, đó là xây dựng gia đình hạnh phúc. Tại buổi làm việc với Trung ương Hội LHPN Việt Nam về tình hình phụ nữ và hoạt động Hội LHPN Việt Nam ngày 21-9, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, thách thức của thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế mạnh mẽ hiện nay chính là nguy cơ gia đình tan rã. Gia đình hạnh phúc thì xã hội mới vững bền, phát triển. Mà phụ nữ là người giữ lửa ấm gia đình, vì thế vai trò của người phụ nữ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc càng phải được đề cao, phụ nữ phải là người tiên phong. Đơn cử như không thể để tình trạng trong gia đình mà bố mẹ, con cái thiếu giao tiếp với nhau, mỗi người ôm một cái điện thoại...

Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Trong xã hội truyền thống cũng như xã hội hiện đại, phụ nữ luôn là người có vai trò quan trọng hàng đầu trong nuôi dạy, hình thành nhân cách thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước. Không chỉ vậy, phụ nữ còn là người giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng các mối quan hệ và tổ chức cuộc sống gia đình, là người vun đắp hạnh phúc, người duy trì và phát triển những giá trị văn hóa gia đình, giữ gìn bản sắc dân tộc. Vì thế, bên cạnh phong trào sản xuất giỏi, lao động sáng tạo thì với thiên chức cao cả của người phụ nữ, Hội Phụ nữ cần chú trọng đến phong trào vận động phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc.

Xã hội hiện đại cần những tấm gương phụ nữ điển hình trong các lĩnh vực, những nữ trí thức tiêu biểu, những nữ doanh nhân thành đạt. Nhưng xã hội ngày nay với những biến động lớn lao hơn cũng vô cùng cần việc xây dựng những gia đình bền vững. Nhiều gia đình hạnh phúc thì sẽ có một xã hội hạnh phúc, cân bằng được sự phát triển kinh tế với những giá trị nhân văn khác. Để xây dựng gia đình hạnh phúc, phải bắt đầu từ người phụ nữ…

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục