Xây dựng giá trị văn hóa và con người Việt Nam - Bài 1: Chỉ mành treo chuông

Văn hóa và truyền thống chính là cội nguồn của mỗi dân tộc, định vị mỗi con người với bạn bè những quốc gia và dân tộc khác trên thế giới. Trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa… là sức mạnh nội sinh trong quá trình xây dựng và phát triển quốc gia hay là sợi chỉ mành mong manh trước những thách thức từ việc tiếp xúc và tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia?

LTS: Sự phát triển vững mạnh của một quốc gia cần nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến sức mạnh văn hóa, mà trung tâm là con người. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng nhấn mạnh đến việc gắn kết chặt chẽ hơn nhiệm vụ phát triển văn hóa với xây dựng con người. Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ này càng bức thiết.

Xây dựng giá trị văn hóa và con người Việt Nam - Bài 1: Chỉ mành treo chuông ảnh 1 Du khách trong trang phục đồng bào dân tộc H’Mông trải nghiệm văn hóa bản địa

“Thấy cây mà chẳng thấy rừng”

Nằm giữa cao nguyên đá, phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự tác động tiêu cực của làn sóng đô thị hóa. Anh Trần Hòa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tiếc nuối: “Đến Đồng Văn mấy tháng trước, tôi ngỡ ngàng vì không như những gì mình tưởng tượng, bởi sự tạp nham giữa cũ - mới. Những ngôi nhà bê tông đổ mái bằng xuất hiện ngày càng nhiều đằng sau những nếp nhà xưa cũ. Biển hiệu sáng choang với những dây đèn nhấp nháy xanh đỏ trong các quán cà phê nằm dọc khu chợ Đồng Văn đã phá tan không khí trong trẻo chân chất của phố núi”. 

Nhưng biết làm sao được khi mà du khách dưới xuôi lên đây cần có khách sạn để nghỉ, cần có quán xá để dừng chân. Song so về tốc độ đô thị hóa, có lẽ Sa Pa (Lào Cai) dẫn đầu bởi tăng trưởng “nóng”. Chỉ sau một vài năm, Sa Pa nhanh chóng biến thành một đại công trường với tầng tầng lớp lớp khách sạn lớn nhỏ từ nhiều sao đến homestay của các hộ cá thể làm ăn nhỏ lẻ. Ngoài những khu du lịch cộng đồng được quy hoạch, việc tìm một nếp nhà bản địa, một nếp sống truyền thống ở nơi này thực khó hơn mò kim đáy bể.

Theo PGS-TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, câu chuyện mai một bản sắc văn hóa không chỉ xảy ra với một vài dân tộc mà đang có xu hướng lan rộng hơn. Chẳng hạn, ở Lào Cai, các dân tộc thiểu số nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer như Kháng, Mảng, Khơ Mú… đang có nguy cơ bị “Thái hóa”. Các dân tộc ở vùng biên giới lại có nguy cơ bị “Hán hóa”, “Choang hóa”. Các dân tộc ở vùng ven đô thị, ven đường giao thông lại có nguy cơ “Kinh hóa” và “Tây hóa”. Nhiều người Hà Nhì ở Y Tý (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu) bỏ trang phục truyền thống của dân tộc mình và mặc trang phục của người Hà Nhì - Trung Quốc sản xuất bằng vải công nghiệp. Tương tự, người Mông ở biên giới phía Bắc cũng bỏ trang phục sản xuất thủ công để mua trang phục sản xuất công nghiệp… Dù luôn quan niệm trang phục dân tộc như “thẻ căn cước” nói lên văn hóa, giá trị thẩm mỹ mang bản sắc của mỗi tộc người, nhưng trong 53 dân tộc thiểu số, có không ít dân tộc không còn giữ được trang phục truyền thống của mình, hoặc thay đổi cách ăn mặc. Đáng buồn hơn, nhiều người trong số đó còn mang suy nghĩ, nếu không mặc theo kiểu “toàn cầu hóa” sẽ bị coi là lạc hậu. Nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Duy Thiệu cũng nhìn nhận rằng, sự lai tạp, bắt chước phổ biến đến mức hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào nguyên gốc nhất, có lẽ chỉ có thể tìm thấy ở… bảo tàng. 

Cách đây không lâu, các nhà văn hóa, nhà quản lý đã phải tổ chức “chiến dịch” bài trừ biểu tượng văn hóa ngoại lai, mà điển hình là sư tử đá tại các đình chùa, miếu và cả các cơ sở văn hóa. Trong lần ra quân rầm rộ ấy, rất nhiều biểu tượng văn hóa lạ, tượng lạ bị thu hồi, sửa chữa, nghiền thành bột đá… Song tiếc là hồi chuông cảnh tỉnh ấy không được bao lâu, và giờ không chỉ những biểu tượng lạ, mà thay vào đó là cả những công trình kiến trúc đồ sộ xa lạ với văn hóa bản địa ngang nhiên xuất hiện với cái cớ phục vụ du lịch. 

PGS-TS Trần Hữu Sơn nhiều lần cho rằng, bên cạnh xu hướng “phẳng” là xóa bỏ bản sắc văn hóa, có một xu hướng khác trỗi dậy là nêu cao bản sắc văn hóa. Bản sắc văn hóa như một tiêu chí, một danh hiệu, một giá trị, một tấm hộ chiếu để hội nhập toàn cầu. Kinh nghiệm lịch sử nước ta cũng như lịch sử thế giới, khi đã mất bản sắc văn hóa là đánh mất dân tộc. Vì cái lợi trước mắt mà lãng quên bề dày văn hóa được vun đắp qua bao thế hệ, chẳng khác gì “thấy cây mà chẳng thấy rừng”.

Người trẻ tìm hiểu di sản qua các hoạt động của bảo tàng (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Những làn sóng tiếp biến văn hóa

Gần đây, dòng hashtag #ProtectVietnamesehistory (Bảo vệ lịch sử Việt Nam) được nhiều tài khoản người dùng chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội, sau khi một bộ phim nước ngoài có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam được chia sẻ trên nhiều diễn đàn. Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện sản phẩm văn hóa có nội dung sai lệch về lịch sử, văn hóa. Thẳng thắn nhìn nhận, những kiểu xuyên tạc lộ liễu như bộ phim nói trên rất dễ nhận ra. Điều đáng lo ngại chính là các làn sóng văn hóa gây ảnh hưởng ngầm, mà một sớm một chiều rất khó nhận ra.

Có thể kể đến làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc (Hallyu). Trong 10 năm qua, phim ảnh trong nước gần như chịu ảnh hưởng từ cách tư duy kịch bản, dàn dựng và triết lý khá rập khuôn Hàn Quốc. Điều này có thể hiểu một phần do công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc cùng công nghệ lăng xê phát triển mạnh mẽ, gây ảnh hưởng một cách tự nhiên đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Giới trẻ chịu sự tiếp biến văn hóa này khá mạnh mẽ, từ phong cách ăn mặc, kiểu tóc đến các thẩm mỹ viện thay nhau mọc lên với một kiểu quảng cáo “phong cách Hàn Quốc hay vẻ đẹp chuẩn sao Hàn” mới mong ăn khách…, mặc dù có vốn đầu tư của người Việt.

Hay dòng nhạc trẻ hiện tại của Việt Nam biến đổi rất nhiều do ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là làn sóng Hallyu và văn hóa đại chúng của Mỹ. Thời điểm hiện tại, hầu hết những ca khúc nhạc trẻ ở Việt Nam ít nhiều đều chèn vào một đoạn nhạc rap (sự tiếp biến từ văn hóa đại chúng Mỹ) và sự dàn dựng bối cảnh, phục trang giống như những idol K-pop, nhưng phần nhiều do lai căng, nên cả phần nghe (lời - nhạc) lẫn phần nhìn (ca sĩ trình diễn) đều ngang ngang, khó thẩm thấu.

Hệ quả của sự tiếp biến văn hóa là không ít người bị nhầm lẫn, và gần như quên mất những tục lệ truyền thống Việt Nam. Sau sự rầm rộ của phim Hàn đến phim Thái Lan, dễ thấy một số văn nghệ sĩ khi chào khán giả thường chắp tay vái, một cách chào truyền thống của Thái Lan xuất hiện gần như trong tất cả các bộ phim Thái đã và đang chiếu tại Việt Nam. Nghệ sĩ cứ tưởng thế là văn hóa Việt, một bộ phận khán giả cũng dễ dàng cho qua. 

Tiếp biến văn hóa mang lại rất nhiều tác động tích cực cho nền văn hóa bản địa, nhưng cũng có thể làm cho nền văn hóa bản địa bị mai một và mất đi (chỉ là mức độ ít nhiều). Dưới hiệu ứng của truyền thông, một MV ca nhạc có thể trở thành một khúc dân tộc ca đầy táo bạo, một bộ phim có thể trở thành một bản sử thi đầy tính kiêu hùng, một quảng cáo có thể trở thành một thước phim tư liệu vô cùng sắc nét… Vấn đề văn hóa quốc gia cần nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết, bởi nếu không xác định rõ ràng, văn hóa quốc gia chẳng khác nào sợi chỉ mành trước làn sóng tiếp biến văn hóa trong môi trường hội nhập đa chiều.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nhìn nhận:

“Hàn Quốc có chiến lược rõ ràng, tổng thể và chi tiết về việc tiếp thị văn hóa, đầu tư văn hóa một cách mềm dẻo, linh hoạt, không lộ liễu, không đối đầu. Xem các phim làm lại (remake) để chiếu rạp, chiếu truyền hình, thì thấy gần như là sự rập khuôn Hàn Quốc, với tỷ lệ 1:1. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy tự trách mình trước, sau đó mới nên trách người khác. Chúng ta chưa thật sự xem văn hóa như là một nền công nghiệp có thể sinh ra lợi nhuận, sinh ra địa vị, bản quyền trên trường quốc tế, nên chưa có cách khai thác, tiếp thị một cách đúng mức và đúng hướng. Việc Thái Lan mua các sản phẩm Việt Nam như gạo, nước mắm Phú Quốc, mì gói, phở khô, kẹo dừa Bến Tre… rồi dán mác “Made in Thailand” để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ... không chỉ là một tổn thất về cơ hội cạnh tranh kinh tế, mà còn lấy mất quyền tự định nghĩa về văn hóa của Việt Nam. Bởi nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre… đâu chỉ là hàng hóa đơn thuần mà còn là kết tinh lịch sử, là câu chuyện văn hóa và bản sắc vùng miền”. 

Tin cùng chuyên mục