Xây dựng giá trị văn hóa và con người Việt Nam - Bài 2: Nền tảng cũ và hình thái mới

Tiếp biến văn hóa là xu thế tất yếu của mỗi quốc gia để tồn tại và phát triển. Một nền văn hóa “đóng cửa”, không có sự vận động và phát triển, chẳng khác nào một nền văn hóa “chết”. Sự hòa nhập với bên ngoài giúp chúng ta xây dựng một hình ảnh cởi mở và thân thiện. Tuy nhiên, cũng từ đó, những mâu thuẫn thế hệ, mâu thuẫn giá trị cũ - mới bắt đầu… 

Mạng xã hội và chủ nghĩa cá nhân

Theo bề dày lịch sử và văn hóa nước nhà, bao thế hệ người Việt đã quen với lối sống cộng đồng, tình làng nghĩa xóm… Sự phát triển của nhịp sống theo xã hội đương thời, cùng sự bùng nổ của công nghệ và mạng xã hội, mỗi cá nhân tự do xây dựng hình ảnh cho mình, khác biệt hơn, thậm chí dị biệt, càng không giống với số đông, càng độc đáo, thích thú… Liệu tính cộng đồng có vì thế mà mất đi? Câu trả lời là hoàn toàn không.

Dung hòa các xung đột thế hệ đem đến hạnh phúc bền vững
Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trong bối cảnh xã hội ngày nay, tính cộng đồng không mất đi mà chỉ thể hiện theo một hình thái mới. Trong những dịp đặc biệt, điều này hiện diện rõ rệt. Trải qua biến cố “đặc biệt” như đợt dịch Covid-19 vừa qua, tính cộng đồng của người Việt trở thành câu chuyện nhân văn và lan tỏa từ mạng xã hội đến thực tế cuộc sống. “Cơm 0 đồng”, “ATM oxy”, “ATM gạo”… không còn là “đặc sản” riêng của TPHCM mà bất kể tỉnh thành nào. Những ngày chống dịch khó khăn, nhiều đơn vị, tổ chức nhà nước lẫn tư nhân cùng chung tay để hỗ trợ nhau. Tác động của dịch bệnh cũng là “ngoại lực” đủ mạnh, làm nền tảng và giá trị gia đình được chú trọng hơn. Khi không thể ra ngoài, thì gia đình chính là nơi để mỗi người tìm về nương náu và cân bằng lại những giá trị sống cốt lõi thay vì phù phiếm, trong những ngày giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch.

Và trong nhịp sống thời buổi công nghệ 4.0, tính cộng đồng còn có một hình thái mới, kết nối nhau qua mạng xã hội. Những sản phẩm văn hóa trong và ngoài nước, có nội dung sai lệch về lịch sử hay văn hóa trong nước, cũng được cộng đồng mạng đấu tranh bài trừ mạnh mẽ… Hay những sản phẩm kinh doanh lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống, nhưng chưa nghiên cứu kỹ, cũng được cộng đồng mạng phát hiện và đóng góp ý kiến, như chuyện của một doanh nghiệp tại TPHCM vừa qua.

Người trẻ hiện đại cũng thể hiện tính cộng đồng trong không gian 4.0, mạnh mẽ chia sẻ niềm tự hào về bản sắc quê hương, xứ sở ra thế giới. Giới thiệu hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam qua bộ biểu tượng (emoji) trên mạng xã hội Instagram từ những ngày là du học sinh tại Singapore, anh Nguyễn Minh Ngọc (thiết kế đồ họa và họa sĩ minh họa, sống tại Hà Nội), chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều bạn bè thường xuyên sử dụng điện thoại và mạng xã hội, sử dụng các biểu tượng cảm xúc (emoji) rất nhiều, như một thứ ngôn ngữ tượng hình. Nhưng khi tôi muốn nói về Việt Nam thì lại thiếu “từ vựng” - list emoji hiện tại, chỉ có duy nhất lá cờ Việt Nam là liên quan đến nước mình. Thế nên, tôi mong muốn tạo thêm chút dấu ấn Việt Nam trong kho tàng ngôn ngữ emoji toàn cầu. Thông qua emoji, chúng ta có thể giới thiệu văn hóa Việt Nam đến các bạn quốc tế”.

Nhưng mọi vấn đề đều có tính 2 mặt, trong sự tự do và kết nối không biên giới của mạng xã hội, những ảnh hưởng từ bên ngoài đã dẫn đến văn hóa ứng xử của một số người bắt đầu có những sai lệch, khi cái tôi cá nhân ngày càng được đề cao và dị biệt, khi tiếng nói bản thân được bày tỏ nhiều hơn. Câu chuyện livestream trở thành nỗi nhức nhối nhiều tháng trời; một số cá nhân liên tục đăng đàn bóc phốt từ những người nổi tiếng, hay bất kỳ ai có ý kiến trái chiều với mình cũng lập tức bị đánh “bay màu” tài khoản cá nhân.

Hài hòa những giá trị

Mâu thuẫn là quy luật của phát triển, văn hóa cũng thế, trong quá trình vận động và phát triển sẽ có những mâu thuẫn giữa cái mới với cái cũ. Có ý kiến cho rằng, văn hóa là một điều gì đó rất hay, nó luôn luôn vận động theo chiều hướng đi lên và có kế thừa, những cái không còn phù hợp sẽ bị đào thải. Văn hóa sẽ có sự dung nạp cái mới và tiếp biến cho phù hợp với bản chất bên trong của nền văn hóa. 

Điều này, có thể thấy rõ ở một số đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, như người Ê-đê không còn đóng khố hay không… mặc đồ nữa, vì nó không còn phù hợp với thực tiễn xã hội. Đó là thành quả của sự tiếp biến văn hóa với người Kinh. Hay chiếc áo dài, ai cũng biết đó là niềm tự hào trang phục truyền thống quốc gia, niềm kiêu hãnh về dáng áo kín đáo, tao nhã… Nhưng việc lúc nào cũng mặc áo dài có phải là cách để tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc? Tại TPHCM, đô thị hiện đại và tiếp nhận nhiều những xu hướng, trào lưu mới từ bên ngoài, nhưng niềm kiêu hãnh về tà áo dài vẫn còn đó thông qua Lễ hội Áo dài hàng năm của thành phố. Mỗi dịp tết cổ truyền, những ngày lễ trọng đại như cưới hỏi, tốt nghiệp đại học… không ai nhắc ai, người ta cũng chọn mặc chiếc áo dài trang trọng, tao nhã. Những giá trị văn hóa truyền thống vẫn còn nguyên ở đó, cốt lõi là cách chúng ta hài hòa trong nhịp sống đương thời, chứ không phải bắt ép người khác phải nhớ, phải mặc như một quy định.

Trong xã hội hiện đại, nền tảng gia đình và giá trị đạo hiếu vẫn còn nguyên vẹn. Trách nhiệm, bổn phận và chữ hiếu của người làm con vẫn nguyên giá trị, nhưng phụ huynh trong xã hội ngày nay đã không còn những áp đặt con cái như “tài sản” của cha mẹ, bởi nó vô tình trở thành một áp lực vô hình trên đôi vai con trẻ. Và áp lực dựng vợ, gả chồng cũng không còn đặt nặng trên đôi vai người trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Nếu trước đây, nữ giới sợ mang tiếng “quá lứa lỡ thì”, thì trong xã hội hiện đại, tiếng nói và vai trò của nữ giới ngày càng có vị thế và mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa thực sự “thông suốt”, nhất là khu vực nông thôn.

Từ nhiều năm nay, chị Lê Mai Trang (sinh sống và làm việc ở Hà Nội) luôn tìm các lý do để không tham gia các bữa tụ họp đại gia đình ở quê, bởi lần nào cũng vậy, câu đầu tiên gặp mặt vẫn là “sắp cho các cụ ăn cỗ chưa?”, rằng “con gái có thì, sao vẫn chưa chịu lập gia đình vậy?”. Ở tuổi ngoài 40, có công việc ổn định, cũng như nhiều người khác lựa chọn cho mình lối sống độc lập, nhưng suy nghĩ được cho là cởi mở quá, “tây” quá… của chị  đang phải đương đầu với nhiều sức ép trong xã hội bởi những quan niệm về gia đình, dòng tộc.

Theo PGS-TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội), không đơn giản để có thể dung hòa các xung đột về thế hệ trong gia đình, trong xã hội. Đơn cử như việc không kỳ thị những người chọn lối sống đơn thân cũng không dễ dàng. Nhiều bạn trẻ, thậm chí nhiều ông bố, bà mẹ có con lớn tuổi mà chưa lập gia đình vẫn luôn bị áp lực bởi muôn vàn các câu hỏi, ban đầu là quan tâm, song lâu ngày là sự soi mói đến kỳ thị của láng giềng, họ hàng… Thực tế, không nhiều người chấp nhận quyền chọn lựa cách sống của người khác như thế.

Dưới một góc nhìn khác, TS Nguyễn Cao Quý (Cục Di sản văn hóa) cho rằng, điều đáng lo lắng không phải ở các xu hướng, trào lưu mới tác động đến mô hình gia đình truyền thống, mà chính ở sự sao nhãng trong việc gìn giữ nếp nhà, gia phong. Trong cuộc sống hiện đại, không ít giá trị gia đình cũng như những mối quan hệ đã có nhiều biến chuyển khác biệt, dẫn đến những mâu thuẫn thế hệ ngày càng lớn. Khoảng cách thế hệ là một trong nhiều nguyên nhân của tình trạng này. Có nhiều người vẫn quan niệm rằng, gia phong nghĩa là trên bảo, dưới phải nhất nhất nghe lời; là sự phục tùng vô điều kiện…, song đó là cách nghĩ cổ hủ, xưa cũ. Chính sự hiểu chưa đúng này là nguyên nhân khoét sâu thêm những mâu thuẫn giữa các thế hệ. Câu chuyện nếp nhà chính là sự kính trên - nhường dưới, là quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, sự tôn trọng yêu thương. Chỉ có như vậy mới có thể dung hòa các mâu thuẫn thế hệ.

Trong sự kết nối “không biên giới” của mạng xã hội, sản phẩm văn hóa với nội dung không tốt ngày càng tấn công vào người dùng trẻ, dẫn đến những quan niệm sai lệch. Thông qua những hội nhóm thần tượng trên mạng xã hội, nhiều người dùng sẵn sàng lên tiếng, thậm chí công kích và thách thức người khác dám đụng vào thần tượng của mình. Khẳng định bản thân bằng tài năng, hay chuyên môn đã trở thành câu chuyện lỗi thời với một bộ phận người trẻ… Những lượt like và chia sẻ rầm rộ của đám đông trên mạng xã hội, khiến không ít người bất chấp để nổi tiếng bằng được, kể cả chiêu trò chửi tục, khoe thân…

Tin cùng chuyên mục