Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo quy hoạch này, đến năm 2020 Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống cảng cạn đạt công suất 6 triệu TEU/năm, trong đó miền Bắc đạt 1,2 triệu TEU/năm, miền Trung 1,9 triệu TEU/năm và miền Nam 4,2 triệu TEU/năm.
Chức năng của cảng cạn: nơi nhận và giữ hàng hóa được vận chuyển bằng container; đóng hàng và dỡ hàng ra khỏi container; vận chuyển hàng container từ cảng cạn đến cảng biển và ngược lại; kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; gom và chia hàng lẻ đối với hàng có nhiều chủ trong cùng một container; kho, bãi tạm chứa hàng xuất, nhập khẩu và container rỗng; sửa chữa và bảo dưỡng container.
Tiêu chí hình thành cảng cạn: được hình thành trên nhu cầu phát triển kinh tế của vùng có khối lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container (trên 50.000 TEU) hoặc tại khu vực cửa khẩu quốc tế.
Cảng cạn phải được kết nối với cảng biển ít nhất bằng 2 phương thức vận tải để tạo điều kiện tổ chức vận tải đa phương thức (ưu tiên cảng cạn gắn với phương thức có năng lực vận tải cao, gắn với các hành lang vận tải chính). Cảng cạn phải kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông, sử dụng hợp lý các phương thức vận tải, đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình vận tải.
Cảng cạn phải có quỹ đất đảm bảo phát triển trong thời gian lâu dài (tối thiểu 10ha), đủ để bố trí nơi làm việc cho các cơ quan, tổ chức hữu quan, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường.
Nhà nước khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng cạn bằng các hình thức theo quy định của pháp luật. Nhà nước sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng cạn và cho doanh nghiệp thuê khai thác.
T.Đ.
TPHCM: Bình quân diện tích nhà ở 15,44m²/người
Theo UBND TPHCM, năm qua TP đã xây dựng thêm khoảng 8,4 triệu mét vuông nhà ở, nâng bình quân diện tích nhà ở tại thành phố lên 15,44m²/người. Các dự án tiêu biểu: 2 dự án nhà ở xã hội có quy mô 176 căn với tổng diện tích sàn xây dựng 14.681m²; 3 dự án xây nhà cho khoảng 5.500 công nhân với tổng diện tích sàn xây dựng: 47.986m²; 4 dự án ký túc xá sinh viên với tổng diện tích xây dựng 335.000m² đáp ứng cho ở cho khoảng 37.000 sinh viên…
Ngoài ra, trên địa bàn TPHCM đang có 33 doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng nhà ở xã hội sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách. Hiện đã có 3 dự án trong chương trình này được khởi công xây dựng với tổng diện tích sàn xây dựng 349.381m².
TPHCM cũng đang hoàn thiện quy định về xây dựng và công bố một số chỉ tiêu đánh giá thị trường bất động sản, đồng thời đang triển khai nghiên cứu mô hình “quỹ tín thác đầu tư bất động sản” nhằm huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân và các nhà đầu tư thông qua cổ phiếu để giải tỏa áp lực vốn cho các nhà đầu tư bất động sản, tạo điều kiện cho việc xây dựng thêm nhà ở cho người dân.
S.L.
86,04% số hộ dân đô thị được cung cấp nước sạch
Theo Tổng Công ty Cấp nước TPHCM (Sawaco), đến hết năm 2011, 86,04% hộ dân đô thị đã được cung cấp nước sạch. Hiện mức sử dụng nước sinh hoạt bình quân đạt 122 lít/người/ngày, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2010. Công suất phát nước bình quân đạt 1,547 triệu m³/ngày, trong khi đó cùng kỳ năm 2010 là 1,436 triệu m³/ngày.
Chương trình giảm thất thoát nước cũng đạt được kết quả bước đầu. Trong khu vực nội thành, tỷ lệ thất thoát còn 38,5%, giảm 1,4% so với năm 2010. Một trong những lý do khiến tỷ lệ thất thoát nước còn cao do trong năm 2011, Sawaco thực hiện nhiều dự án, như di dời tuyến ống D2000 ở khu vực cầu Điện Biên Phủ; lắp đặt tuyến ống D1500 Bình Thái - Bình Lợi; xây dựng tuyến ống D2400 Thủ Đức - Bình Thái; di dời tuyến ống D1200 phục vụ dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên…
Trong quá trình thi công những công trình này, một lượng nước đã bị thất thoát. Ngoài ra, tình trạng ăn cắp nước, bể ống nước diễn ra liên tục cũng làm tăng tỷ lệ thất thoát nước.
Đ.T.