Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do chất thải, khí thải do hoạt động giao thông vận tải (GTVT) gây ra, mới đây Chính phủ đã ban hành Quyết định 855/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động GTVT giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030. Theo đó, mục tiêu của đề án là hướng tới xây dựng hệ thống GTVT bền vững, thân thiện với môi trường.
Ô nhiễm khủng khiếp
Trong những năm qua, cùng với quá trình tăng dân số, lượng phương tiện cơ giới trong hoạt động GTVT, nhất là xe cá nhân ở các đô thị lớn trong cả nước tăng cao. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay ở TPHCM có tới 98% số gia đình có xe máy, còn ở Hà Nội xe máy chiếm hơn 87% tổng lưu lượng xe hoạt động trong nội thành và sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Trong số các phương tiện tham gia hoạt động GTVT hiện nay, số xe cũ, xe đã sử dụng nhiều năm không đạt tiêu chuẩn môi trường chiếm tỷ lệ lớn. Điều này đã khiến các đô thị lớn bị ô nhiễm bụi khói, khí thải. Tại các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… bụi trong không khí trung bình gấp 200%-300% tiêu chuẩn cho phép.
Ngoài vấn đề ô nhiễm bụi khói, khí thải; hiện nay tình trạng rác thải sinh hoạt, chất thải từ các phương tiện vận tải thải ra môi trường chưa được kiểm soát, xử lý triệt để cũng đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh. Chẳng hạn trong ngành đường sắt hiện nay, đa phần các đoàn tàu Bắc - Nam đều chưa được lắp đặt thiết bị xử lý vệ sinh tự hoại nên hầu hết chất thải trên tàu đều thải trực tiếp xuống hệ thống đường ray ra môi trường xung quanh.
Theo số liệu báo cáo của ngành đường sắt Việt Nam tại hội nghị tổng kết công tác bảo vệ môi trường đường sắt giai đoạn 2006 - 2010 và bàn kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015, tính đến nay mới có 10% toa xe khách của các đoàn tàu Bắc - Nam được lắp đặt thiết bị xử lý vệ sinh tự hoại, do đó đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhiều giải pháp kiểm soát, hạn chế
Để kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải, khí thải trong hoạt động GTVT gây ra, tại Quyết định 855/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động GTVT giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến 2030, Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cơ bản.
Thứ nhất: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, bộ máy quản lý về bảo vệ môi trường trong GTVT.
Thứ hai, kiểm soát chất thải do hoạt động GTVT, trong đó tổ chức quản lý, kiểm tra khí thải phương tiện cơ giới đường bộ theo các tiêu chuẩn đã ban hành; tổ chức quản lý phát thải khí gây ô nhiễm, khí nhà kính do hoạt động GTVT. Quản lý và giảm thiểu chất thải lỏng gây ô nhiễm do hoạt động GTVT; đặc biệt quan tâm đến việc quản lý nước dằn tàu của các phương tiện vận tải biển; nước sinh hoạt do hoạt động GTVT đường sắt, đường thủy nội địa, nước thải từ hoạt động y tế GTVT. Quản lý và xử lý đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh chất thải do hoạt động GTVT như rác thải sinh hoạt, chất thải rắn trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, rác thải y tế GTVT. Quản lý các thành phần gây ô nhiễm khác như: Bụi, tiếng ồn, độ rung… đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát bụi và tiếng ồn do hoạt động GTVT tại các đô thị.
Thứ ba: Tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực quản lý về môi trường trong GTVT. Cụ thể, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong GTVT; tăng cường phổ biến kỹ năng lái xe sinh thái cho các đối tượng tham gia giao thông và toàn xã hội. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động GTVT trên phạm vi toàn quốc.
Thứ tư: Ứng dụng khoa học công nghệ trong GTVT nhằm kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đó là thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường; triển khai các dự án, đề án về sử dụng năng lượng, vật liệu, công nghệ thân thiện môi trường trong GTVT. Tăng cường năng lực cho các cơ quan nghiên cứu, tư vấn về môi trường thuộc ngành GTVT để có đủ chuyên gia kỹ thuật, trang thiết bị cần thiết thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành phục vụ cho công tác quản lý môi trường của ngành.
Phát triển ứng dụng công nghệ tái chế vật liệu phế thải trong GTVT. Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ trong GTVT nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ về xử lý chất thải do hoạt động GTVT; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường ngành GTVT.
ĐÌNH LÝ