Để hạn chế ùn tắc giao thông, trong điều kiện của TPHCM, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và thực hiện trong một thời gian dài với lộ trình phù hợp. Nhưng trước mắt, có thể xây dựng hệ thống giao thông thông minh để góp phần giảm kẹt xe cũng như giảm tai nạn giao thông.
Các mục tiêu cụ thể của việc xây dựng hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh là có thông tin nhanh chóng, chính xác tình trạng giao thông của toàn TP về lưu lượng xe, ùn tắc, tai nạn, các sự cố trên đường (đường hư, cây đổ, hỏa hoạn…), tình trạng thời tiết, nước ngập... Chẳng hạn, một vụ tai nạn giao thông ở hầm vượt sông Sài Gòn ngay lập tức được đưa đến các trạm thông tin về giao thông, từ đó xuất hiện ở các biển điện tử thông báo tại những tuyến đường, cửa ngõ có thể dẫn đến hầm vượt sông, có thể được đưa lên các phương tiện truyền thông. Từ đây, các đơn vị chức năng tổ chức phân luồng, phân tuyến, chỉ dẫn giao thông và điều động lực lượng đến hiện trường giải quyết vụ việc nhanh chóng, kịp thời, hoặc tự động kích hoạt hệ thống đèn tín hiệu, biển báo một cách hợp lý để việc lưu thông được thuận tiện hơn. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp ngăn ngừa, phát hiện và truy bắt một số loại tội phạm như trộm cắp, cướp giật…
Khi xuất hiện các tình huống giao thông thì hệ thống cảnh báo sẽ có những chỉ dẫn đối với người tham gia giao thông. Việc thông tin này có thể được cập nhật liên tục, thường xuyên trên trang web của cơ quan điều hành giao thông TP, trên hệ thống phương tiện truyền thông, qua các bảng điện tử trên đường. Nhờ đó, người tham gia giao thông có thể lựa chọn hình thức di chuyển hợp lý, hạn chế được ùn tắc hoặc tai nạn, như chọn hướng khác để lưu thông, tạm dừng lưu thông, lưu thông bằng phương tiện khác.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu về giao thông thường được lưu trữ bằng các hình thức thủ công, thường không đầy đủ, thiếu chính xác và không bảo đảm tính toàn diện. Nếu có một hệ thống giao thông thông minh, các thông tin, dữ liệu này sẽ được lưu trữ lại, được phân tích, đánh giá và từ đó rút ra những kinh nghiệm xử lý hoặc làm căn cứ cho các chủ trương, chính sách về giao thông và việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Cần xử lý nghiêm minh, chính xác và kịp thời các tổ chức, cá nhân không bảo đảm an toàn giao thông. Nếu có hệ thống giao thông thông minh, các hành vi trái pháp luật về an toàn giao thông sẽ được ghi nhận lại một cách khách quan, trung thực, đầy đủ và làm cơ sở để thực hiện các biện pháp xử lý tiếp theo. Với hệ thống giao thông thông minh, người tham gia giao thông được hưởng nhiều tiện lợi, như được chỉ dẫn hướng lưu thông phù hợp, được qua trạm thu phí nhanh chóng, được an toàn hơn do hạn chế dần các hành vi vi phạm luật giao thông, thì chắc chắn sẽ tác động đến việc nâng cao ý thức, nhận thức của họ. Kể cả việc bị chế tài bằng hình thức nghiêm minh, chính xác cũng thúc đẩy họ tự điều chỉnh hành vi giao thông thay vì cho rằng việc mình làm sai không bị ai phát hiện…
Có thể nói, hệ thống giao thông thông minh là xu hướng tất yếu của giao thông đô thị, nơi có mật độ giao thông quá dày và lưu lượng giao thông quá lớn. TPHCM cần phải thực hiện ngay hệ thống này, trước mắt ở các khu vực trọng điểm, các cửa ngõ vào thành phố, có sự kết nối với nhau; sau đó hoàn thiện hệ thống ở các khu vực khác. Việc đầu tư cho hệ thống giao thông thông minh dĩ nhiên rất tốn kém nhưng là một hình thức đầu tư hiệu quả, bởi sẽ giảm nhiều nhân lực phục vụ điều tiết và xử lý giao thông, giảm các thiệt hại về người, tài sản, thời gian do tai nạn và ùn tắc giao thông, nâng cao uy tín điều hành của cơ quan quản lý về giao thông…
VÂN TÂM (quận 3, TPHCM)