Luật Tiếp Công dân đã quy định rõ về trách nhiệm của cán bộ - công chức khi tiếp công dân, theo đó, người tiếp công dân phải trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức - viên chức hoặc phù hiệu theo quy định; có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn…
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quy chế văn hóa công sở, theo đó, trong giao tiếp ứng xử, cán bộ - công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc… Song, thực tế công tác tiếp dân tại nhiều cơ quan công quyền vẫn chưa thực thi đúng quy định của luật và quy chế nêu trên, khiến người dân thấy phiền hà, phiền lòng.
Có những cơ quan công quyền có tình trạng cán bộ - công chức không có mặt đúng giờ, thậm chí có khi vắng người trực tiếp công dân. Người dân đến liên hệ phải chờ thì hẳn thấy bị phiền lòng, đã vậy khi gặp cán bộ tiếp dân lại không được hướng dẫn chu đáo, không thấy một nụ cười cởi mở, không được nghe lời nói nhẹ nhàng từ tốn. Có khi người tiếp công dân còn “lạnh như đá”, nói năng cộc lốc.
Tại TPHCM, thực hiện chương trình cải cách hành chính, cũng có những việc làm thiết thực đáng ghi nhận như: UBND quận 1 ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử; UBND quận Phú Nhuận thực hiện phong trào “3 đúng” (đúng tiến độ, đúng quy trình và đúng pháp luật) trong giải quyết việc dân. Một số cơ quan còn tổ chức tập huấn cho cán bộ công chức về văn hóa giao tiếp để xây dựng nề nếp tiếp công dân. Thật đáng hoan nghênh khi có những cán bộ - công chức không chỉ tiếp dân theo quy định, mà còn bằng cả tấm lòng. Văn hóa ứng xử trong giao tiếp không chỉ ở bộ trang phục thanh lịch, mà quan trọng nhất là làm sao cho dân mến, dân tin, dân quý trọng.
THÔNG MIỄN
(quận Bình Thạnh, TPHCM)