Xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị: Cứu sông Sài Gòn

Xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị: Cứu sông Sài Gòn

° Phóng viên: Nhà máy nước Tân Hiệp đang kêu cứu do chất lượng nước sông Sài Gòn bị suy giảm. Vậy xin ông cho biết, thực trạng vấn đề này như thế nào?

° Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Tình trạng khô hạn và nắng nóng liên tục từ đầu mùa khô đến nay đã ảnh hưởng đáng kể đến mực nước sông và làm cho tình trạng xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu. Riêng về việc gia tăng nồng độ chất thải ô nhiễm có trong nguồn nước cấp so với các  năm trước đã giảm đáng kể. Tại đoạn lấy nước để xử lý thành nước cấp sinh hoạt, chất lượng nước luôn được duy trì ở mức đạt tiêu chuẩn loại A. Chỉ ngoại trừ 1 hoặc 2 lần trong năm thì nồng độ COD, BOD mới vượt tiêu chuẩn loại A cho phép, nhưng cũng ở mức nồng độ rất thấp.

° Tại sao lại có những thời điểm mà tiêu chuẩn chất thải trong nguồn nước đạt yêu cầu nước thô lấy vào để xử lý nước cấp sinh hoạt? Phải chăng vẫn còn tình trạng doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý trên sông Sài Gòn?

° Điều này là khó tránh khỏi do sông Sài Gòn chảy dọc qua Tây Ninh, Bình Dương và TPHCM. Dọc theo con sông này có hàng chục ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Đó là chưa kể vẫn còn hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động và xả nước thải ra những kênh rạch dẫn ra sông Sài Gòn. Và việc kiểm soát chất lượng nước thải của các doanh nghiệp này của cơ quan chức năng khó tránh khỏi việc không kiểm soát xuể. 

° Vậy trong thời gian tới, để giảm thiểu nguy cơ gia tăng ô nhiễm sông Sài Gòn, sở đã có những biện pháp gì?

° Phải nói rằng, sông Sài Gòn có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM. Do đó, về quan điểm của sở phải quyết liệt bảo vệ sông Sài Gòn bằng mọi cách. Hiện sở đã có công văn đề nghị tỉnh Tây Ninh và Bình Dương phối hợp kiểm tra doanh nghiệp đang hoạt động dọc sông Sài Gòn. Ngoài biện pháp xử phạt và cấm hoạt động những doanh nghiệp cố tình tái vi phạm môi trường, TPHCM và 2 tỉnh bạn cũng tạo nguồn vốn hỗ trợ để các doanh nghiệp có điều kiện hoàn thiện hạ tầng xử lý chất thải. Đây cũng là cách làm mới trong bối cảnh còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để thực hiện cải tạo môi trường.

Riêng về phía TPHCM, sở đã yêu cầu Phòng TN-MT các quận huyện tập trung rà soát, thống kê và kiểm tra gắt gao doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc hoạt động trong những lĩnh vực nhạy cảm với môi trường. Từ đó, làm cơ sở để sở có những đề xuất cụ thể với UBND TP nên duy trì hoạt động hoặc đóng cửa doanh nghiệp này.

° Còn yếu tố quan trọng khiến cho nước sông Sài Gòn bị ô nhiễm nặng nhưng chưa được ông nhắc đến đó là nước thải sinh hoạt đô thị?

° Đúng là nước thải sinh hoạt đô thị đang là mối lo ngại lớn đến chất lượng nước sông Sài Gòn. Vấn đề này đã được UBND TPHCM tính đến từ năm 2006. Theo đó, UBND TP đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở khu vực Bình Hưng, huyện Bình Chánh. TP đang xây tiếp nhà máy xử lý nước thải đô thị tại khu vực Cát Lái, quận 2 với công suất 1 triệu m³/ngày. Đây là 2 trong 9 nhà máy xử lý nước thải đô thị sẽ xây dựng trên địa bàn TPHCM. Song song với việc xây dựng các nhà máy trên, hiện TP đã chấp thuận và đang triển khai cải tạo chất lượng nước một số kênh rạch như: Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tham Lương – Bến Cát.

Hiện Sở TN-MT TPHCM đang yêu cầu Chi cục Bảo vệ môi trường tăng tần suất kiểm tra chất lượng nước tại 20 trạm quan trắc nước sông Sài Gòn. Tôi tin rằng, với nhiều giải pháp đồng bộ mà UBND TP đang triển khai (bao gồm biện pháp phối hợp với các tỉnh như Tây Ninh và Bình Dương), chất lượng nước sông Sài Gòn sẽ được cải thiện trong tương lai gần

ÁI VÂN thực hiện 

Tin cùng chuyên mục