Đã có thời kỳ người dân có lòng tin gần như tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cho dù thời kỳ ấy gặp không ít khó khăn, thử thách. Niềm tin có sức mạnh kỳ diệu giúp con người vượt qua những trở lực tưởng chừng như không thể.
Dân tin vào Đảng không chỉ tin vào lý tưởng, vào chính nghĩa sáng ngời, tin vào đường lối đúng đắn, hợp lòng dân mà còn bởi Đảng có những nhà lãnh đạo tiêu biểu, có đội ngũ cán bộ, đảng viên biết hy sinh vì dân, vì nước. Với tất cả niềm tin yêu, người dân đã nuôi nấng, chở che, bất chấp hiểm nguy để bảo vệ cán bộ - chấp nhận tù đày, kể cả hy sinh tính mạng của mình.
Đã có hàng triệu con người Việt Nam ưu tú hiến dâng tuổi xuân theo tiếng gọi của non sông, của Bác Hồ, của Đảng quang vinh. Họ đã tin vào tương lai và niềm tin dẫn lối cho hành động, cho nghĩa cử cao đẹp, anh hùng. Họ đã góp phần viết nên những thiên anh hùng ca, những trang sử hào hùng và bi tráng của dân tộc.
Giờ đây niềm tin có ảnh hưởng bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống - một trong những vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương IV đã nêu với những giải pháp khắc phục nhằm xây dựng niềm tin. Nhiều người cho rằng, việc xây dựng, vun đắp niềm tin quan trọng là nói phải đi đôi với làm. Chức vụ càng cao càng phải nêu gương tốt.
Đó là những việc làm thể hiện tinh thần trách nhiệm, thể hiện sự toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân. Đó là việc tập trung cải cách thể chế, thực hành dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm ngày càng có kết quả…
Đó là việc chăm lo xây dựng Đảng, chấn chỉnh, khắc phục nhanh những tiêu cực trong Đảng, nhất là tệ chạy chức, chạy quyền. Những người vi phạm được xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ai là “siêu đảng”. Những cán bộ trẻ, những nhân tố mới được quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng là rất cần nhưng phải chọn cho đúng người và qua thực tiễn có sự cọ xát, sàng lọc, tạo cơ hội cho người giỏi, người tốt thật sự bổ sung vào đội hình lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước.
Ngày xưa ít chức vụ nhưng tinh thần trách nhiệm rất cao và tự giác, cán bộ cấp tá đã chỉ huy trận mạc đánh đâu thắng đó rồi, được gặp lãnh đạo tỉnh ủy/thành ủy là thấy vinh dự lắm rồi. Ngày nay, tình hình khác hơn, chức vụ nhiều hơn nhưng có không ít nơi chức vụ lãnh đạo nhiều mà công việc lại không chạy tốt.
Dấu hiệu sút giảm niềm tin giờ đây không phải cái chính là do có nhiều hạn chế, yếu kém, mà vấn đề là nhìn nhận và sửa chữa hạn chế, yếu kém đó như thế nào. Đã có lúc Bác Hồ công khai xin lỗi dân vì trong thực hiện chủ trương có phạm phải sai lầm. Qua đó dân càng thêm tin vào Đảng, vào Bác.
Niềm tin không dễ mất trong khó khăn, thử thách của thời đạn bom. Niềm tin dễ mất bởi những cám dỗ, tha hóa của thời hòa bình, bởi những lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm xung đột với lợi ích chung.
Người dân luôn quan tâm, luôn công tâm, luôn biết ai là người biết hành xử vì lợi ích chung. Dân tin vào những ai biết nêu gương, biết làm gương tốt. Bác Hồ đã từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Dân tin vào lời nói thật và việc làm thật. Những quyết sách đúng cần được thực hiện đến nơi, đến chốn. Câu trả lời gọn nhất là hành động, là làm cho điều đúng, điều tốt được lan tỏa. Trong thực tế, đã có nhiều những chăm lo thiết thực, những cách làm hiệu quả mang lại lợi ích cho dân của các cấp ủy Đảng, của những đảng viên được nhân dân đánh giá cao, cần được đúc kết nhân lên. Mặt khác, những đề xuất tâm huyết nhằm tháo gỡ những khó khăn từ cơ sở cần được lắng nghe, xem xét.
Niềm tin do tự xây mà có và mất đi cũng chính là do tự đánh mất mà thôi. Có niềm tin là có tất cả. Vinh quang thuộc về những ai biết gieo niềm tin và biết dấn thân cho niềm tin ấy.
PHẠM PHƯƠNG THẢO