Xây dựng nông thôn mới - Điều chỉnh để phát triển đúng hướng

Làm từ nhà, từ ấp...
Xây dựng nông thôn mới - Điều chỉnh để phát triển đúng hướng

Xây dựng nông thôn mới (NTM) có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế-chính trị-xã hội. Nếu làm tốt sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho số đông người dân ở nông thôn (khoảng 70%), điều hòa lợi ích, thành quả công cuộc đổi mới cho người dân, cũng như giúp giảm bớt khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn. Có thể nói, chưa có chương trình nào lớn và hợp lòng dân như chương trình này…

Trồng măng tây tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Trồng măng tây tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Làm từ nhà, từ ấp...

Tại buổi giao ban về xây dựng NTM với 22 tỉnh thành phía Nam của Văn phòng Trung ương Đảng mới đây, điều được thống nhất cao là việc quy hoạch phải dựa trên sự kế thừa, cập nhật đồ án quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được duyệt trước đó, đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển. Hiện có 79% số xã đã được phê duyệt đồ án quy hoạch. Ban Chỉ đạo chương trình NTM các tỉnh thành phối hợp với các trường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở. Mới đây, TPHCM tập huấn cho hơn 220 cán bộ cơ sở của 56 xã thuộc 5 huyện ngoại thành, cung cấp những kiến thức cơ bản về một số cơ chế, chính sách xây dựng NTM; các quyết định của TP về cơ chế hỗ trợ từ ngân hàng, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đặc biệt về cơ chế tài chính khi triển khai các bước trong quá trình thực hiện.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa cho rằng, cốt lõi của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nếu không đạt được mục tiêu này coi như chương trình NTM không thành công. Vì vậy, cần tập trung tổ chức và phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất trên cơ sở sắp xếp lại ruộng đồng, tổ chức lại sản xuất, tăng cường cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cho lao động nông thôn để giải quyết việc làm cho nông dân theo 2 hướng phi nông nghiệp và nông nghiệp. Xem đây là giải pháp đột phá để rút đáng kể lực lượng lao động nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp. Có như vậy mới nói đến tăng năng suất lao động, tăng thu nhập. Đây là chủ trương đúng, hợp lòng dân nên đi nhanh vào cuộc sống, nhưng phải có cách làm đúng, hiệu quả thì mới đạt mục tiêu.

Cách làm những năm qua cho thấy, nhiều nơi người dân tham gia lựa chọn, tổ chức triển khai cũng như lựa chọn công việc ưu tiên. Theo đó, làm từ nhà làm ra, từ ấp làm lên và từ đồng làm về. Lựa chọn những tiêu chí, công việc mà đa số người dân trong xóm ấp thấy cấp bách, thiết thực thì tập trung làm trước như dần đổi ruộng đất, kiên cố kênh mương nội đồng, giao thông nông thôn, tổ chức và phát triển sản xuất. Những tiêu chí từng ấp, từng hộ dân có thể tự làm hay những tiêu chí cần ít hoặc không cần vốn như xây dựng nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường được làm trước.

Hạn chế chất lượng quy hoạch

Điều lo ngại hiện nay là không ít địa phương do việc khảo sát, điều tra, đánh giá hiện trạng còn sơ sài, chưa phản ánh đúng hiện trạng nông thôn; thậm chí một số đơn vị tư vấn sao chép quy hoạch xã này cho xã khác. Nhiều địa phương không lấy ý kiến của dân hoặc lấy ý kiến chưa đúng quy định, kể cả sự đóng góp ý kiến của ban ngành chưa sát. Có nơi quy hoạch chưa chú trọng đến việc liên kết vùng, chưa dựa vào thế mạnh địa phương, nhất là về quy hoạch phát triển sản xuất; việc bố trí lại dân cư ở nông thôn chưa gắn kết với quy hoạch hạ tầng. Những điều này làm chất lượng quy hoạch ở không ít địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Đề án xây dựng NTM ở không ít xã còn nặng về phát triển hạ tầng, chưa chú trọng phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường…

Nhiều đề án dù đã phê duyệt nhưng chưa có nguồn lực để thực hiện hoặc lộ trình thực hiện chưa phù hợp, không xác định được tỷ lệ, cơ chế huy động nguồn lực người dân, vẫn còn trông chờ nguồn ngân sách, không ít giải pháp thiếu tính thực tiễn khi thực hiện. Sản xuất nông nghiệp ở các địa phương hầu hết còn nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là kinh tế hộ, trong khi quy mô hợp tác xã còn nhỏ bé, kém hiệu quả; liên kết 4 nhà bị vi phạm do chưa có biện pháp chế tài. Vì vậy những mô hình sản xuất hiệu quả khó được nhân rộng.

Mặc dù Chính phủ đã có nghị quyết, quyết định nhưng do các bộ ngành chậm ra văn bản hướng dẫn nên người dân, doanh nghiệp chậm được tiếp cận vốn ưu đãi. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có chiến lược mang tầm quốc gia về quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh lớn, chưa có chiến lược giải quyết về tiêu thụ, xuất khẩu những sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cá, tôm, cây ăn trái… dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá vẫn luôn xảy ra nên người dân và doanh nghiệp còn ngán ngại đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Công nghiệp chế biến, các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn chậm phát triển; chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn chậm; tỷ lệ lao động có việc làm ổn định sau đào tạo còn thấp. Đây là những hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng NTM ở các tỉnh thành.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục