Xây dựng nông thôn mới - Nhân rộng mô hình dồn điền đổi thửa

Quy hoạch lại ruộng đồng
Xây dựng nông thôn mới - Nhân rộng mô hình dồn điền đổi thửa

Sau hơn 10 năm triển khai mô hình dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương đã tạo được những vùng chuyên canh sản xuất nông phẩm hàng hóa quy mô lớn, nông dân hớn hở làm giàu. Kết quả cho thấy muốn tiến lên sản xuất lớn, nông dân đổi đời căn cơ cần có phương thức sản xuất mới trong nông nghiệp.

Sau khi dồn điền đổi thửa, nông dân tỉnh Ninh Bình có nhiều thuận lợi trong sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ảnh: VĂN PHÚC

Sau khi dồn điền đổi thửa, nông dân tỉnh Ninh Bình có nhiều thuận lợi trong sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ảnh: VĂN PHÚC

Quy hoạch lại ruộng đồng

Bà Nguyễn Thị Viết, ở thôn Mễ Sơn, xã Tân Phong (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết: “Trước đây nhà tôi có tới 7-8 thửa ruộng ở 7-8 nơi khác nhau nhưng sau khi cùng nhau dồn điền đổi thửa, mỗi gia đình chỉ còn lại 1 thửa ruộng, trông ruộng ra ruộng, đồng ra đồng. Mọi việc cấy, gặt bây giờ đều tập trung ở một chỗ, giảm hẳn các khoản chi phí, nhân công, việc tưới tiêu cũng thuận lợi hơn nhiều”. Bà Viết cho hay, khi ruộng vẫn còn manh mún, bà con muốn gieo sạ thẳng cũng không làm được, thường phải thuê thợ, tiền công lên tới 120.000-150.000 đồng/người. Còn bây giờ bà con chỉ việc thuê máy gieo thẳng lúa xuống đồng với giá chỉ có 25.000-30.000 đồng/sào. Không chỉ riêng người trồng lúa vui mà những người làm dịch vụ nông nghiệp cũng vui theo.

Ông Vũ Hải Thuận, một chủ dịch vụ máy cày ở xã Tân Phong, vui vẻ nói: “Sau khi ruộng đồng dồn lại thành những thửa lớn, việc cày bừa của chúng tôi rất dễ dàng, đỡ tốn công mất sức. Trước ruộng nhỏ quá, nhiều khi máy cày không vào được. Bây giờ các mảnh ruộng đều to gấp 4-5 lần, máy cày cứ chạy thẳng tưng”.

Hỏi về câu chuyện dồn điền đổi thửa, ông Nguyễn Tiến Thành, Bí thư Huyện ủy Vũ Thư say sưa: “Trong khi ở nhiều nơi vẫn còn thí điểm dồn điền đổi thửa thì xã Tân Phong đã triển khai ở tất cả các thôn rồi. Tất cả bà con trong xã đều hiểu ra rằng, chỉ có dồn điền đổi thửa mới chuyển sang trồng cây chuyên canh, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Sau 3 năm miệt mài làm, tới nay xã Tân Phong đã chuyển đổi xong toàn bộ ruộng đồng. Mỗi nhà chỉ còn lại 1 - 3 thửa ruộng, thậm chí có thôn như Mễ Sơn 2, mỗi nhà chỉ còn lại 1 thửa ruộng”.

Cũng nhờ mạnh mẽ thực hiện dồn điền đổi thửa mà xã Tân Phong quy hoạch lại được hệ thống tưới tiêu, thủy lợi và cả mạng lưới giao thông nội đồng sạch đẹp. “Từ mô hình của xã Tân Phong, chúng tôi đang nhân rộng ra toàn huyện, với mục tiêu mỗi hộ nông dân chỉ còn 1 thửa ruộng”- Bí thư Nguyễn Tiến Thành nói.

Nhờ mô hình dồn điền đổi thửa, mỗi năm vợ chồng chị Lưu Thị Lê, thôn Sòi, xã Đồng Sơn (Yên Dũng - Bắc Giang) phát triển nghề phụ, thu khoảng 500 - 700 triệu đồng từ nuôi cá cảnh.

Nhờ mô hình dồn điền đổi thửa, mỗi năm vợ chồng chị Lưu Thị Lê, thôn Sòi, xã Đồng Sơn (Yên Dũng - Bắc Giang) phát triển nghề phụ, thu khoảng 500 - 700 triệu đồng từ nuôi cá cảnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, dồn điền đổi thửa để áp dụng cơ giới hóa và chuyển sang mô hình sản xuất tập trung, chuyên canh các loại cây hàng hóa là một tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Đó cũng là mục tiêu mà ngành nông nghiệp nước ta đang hướng tới. Đây thực sự là một chương trình “quy hoạch lại ruộng đồng” trên quy mô cả nước.

Nhờ “nhạy bén” với mô hình dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương thuộc Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định… đã xây dựng được những vùng sản xuất tập trung với những cây, con chuyên canh, thực sự mang lại giá trị cao. Chẳng hạn ở xã Phương Tú (Ứng Hòa, Hà Nội), mặc dù là một vùng quê thuần lúa, nơi mỗi gia đình sở hữu 10-12 mảnh ruộng manh mún, nhưng người nông dân đã dám mạnh dạn bỏ tư tưởng cũ, thực hiện phong trào với một tên gọi khác là “dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn”. “Bản đồ ruộng đồng” của xã được lập lại, người dân tự đổi thửa cho nhau, thậm chí sau khi đổi thửa, 2-3 người là anh em, bạn bè còn gộp chung lại một lần nữa, để có diện tích lớn hơn, xây dựng nên những trang trại cây ăn trái, ao cá rộng 10-15 sào Bắc bộ.

Lợi ích to lớn

Ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay, nhờ phong trào dồn điền đổi thửa, nhiều mô hình kinh tế mới đã xuất hiện, không chỉ khai thác tốt tiềm năng đất đai mà còn góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người nông dân. Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh, cho biết, từ chương trình dồn điền đổi thửa, địa phương đã xây dựng được các vùng sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lên tới 80-100ha/vùng, đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5-2 lần trước đây. Hiện nay tỉnh có 24 vùng chuyên sản xuất khoai tây, 26 vùng chuyên trồng rau xuất khẩu và một số vùng chuyên trồng hoa cây cảnh. Điển hình như vùng khoai tây ở xã Việt Hùng, Quế Tân (Quế Võ), chuyên rau ở xã Hòa Đình (TP Bắc Ninh) đạt thu nhập 160-170 triệu đồng /ha; vùng chuyên trồng hoa, cây cảnh ở xã Phú Lâm (Tiên Du) đạt trên 200 triệu đồng/ha; đặc biệt mô hình trồng hoa công nghệ cao ở xã Đình Bảng (Từ Sơn) cho doanh thu khoảng 500 triệu đồng/ha... So với tiêu chí đề ra trước đây mỗi ha thu nhập 60 triệu đồng thì bà con vượt khá xa!

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc đánh giá, điểm đột phá trong chuyển hướng của nông nghiệp hiện nay là nhiều địa phương thực hiện khá tốt việc dồn điền đổi thửa để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, quy mô lớn, từ đó chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh bền vững, làm ra khối lượng sản phẩm đa dạng theo hướng sản xuât hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, theo ông Lã Văn Lý, Cục trưởng Cục Hợp tác kinh tế và Phát triển nông thôn, kết quả dồn điền đổi thửa trong cả nước vẫn còn chậm. Hiện ở miền Bắc mới chỉ có hai tỉnh Hà Nam và Bắc Ninh triển khai được mô hình trên diện rộng. Song Bắc Ninh cũng chỉ giảm được số đầu thửa từ 10 xuống 7, trong khi mục tiêu đặt ra là mỗi hộ phải giảm xuống còn nhiều nhất 3 thửa ruộng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng thừa nhận, đồng bằng sông Hồng là vùng có mức độ phân chia ruộng đất manh mún nhất cả nước với trung bình mỗi hộ là 8,5 thửa. Nguyên nhân dẫn tới việc dồn điền đổi thửa chậm là ở nhiều vùng nông thôn hiện nay vẫn còn nặng tư tưởng “ruộng tốt, ruộng xấu”, “nơi gần chỗ xa”, “hoa thơm mỗi người cùng hưởng một chút”. Chẳng hạn tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), mặc dù đã có dự án xây dựng vùng chuyên trồng rau an toàn 55ha tại xã Hương Ngải, vùng chuyên trồng hoa chất lượng cao 30ha tại xã Yên Bình và vùng trồng thanh long ruột đỏ 35ha tại xã Yên Bình, Kim Quan… mang lại thu nhập cao hơn 10-15 lần trồng lúa nhưng nông dân lại không chịu “dồn điền đổi thửa” vì sợ mất đất. Các doanh nghiệp muốn xây mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn cũng không gom được mặt bằng nên dự án còn dậm chân tại chỗ.

Tạo điều kiện đẩy nhanh việc dồn điền đổi thửa

Theo Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, việc dồn điền đổi thửa chậm còn do kinh phí đo đạc, cấp sổ cho người dân. Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, tổng kinh phí dồn điền đổi thửa tại 2.011 xã ở đồng bằng sông Hồng ước tính hơn 100 tỷ đồng. Để tháo gỡ khó khăn, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí giúp nông dân đo đạc, cấp sổ đổ cho nông dân. Ngoài ra cũng cần nhanh chóng hoàn thiện cả hành lang pháp lý đối với việc dồn điền đổi thửa, bởi các địa phương vẫn đang tự làm là chính, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ Trung ương về việc này.

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục