Xây dựng nông thôn mới ở TPHCM - Kinh nghiệm từ thực tế

Sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), tính đến nay đã có 50/56 xã của 5 huyện ngoại thành TPHCM được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều mô hình và cách làm hay từ thực tế đã trở thành bài học kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại các xã ngoại thành TPHCM thời gian qua…
Xây dựng nông thôn mới ở TPHCM - Kinh nghiệm từ thực tế

Sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), tính đến nay đã có 50/56 xã của 5 huyện ngoại thành TPHCM được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều mô hình và cách làm hay từ thực tế đã trở thành bài học kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại các xã ngoại thành TPHCM thời gian qua…

Khơi nguồn sức dân

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua có nhiều năm gắn bó với các xã ngoại thành để tìm mô hình và cách làm xây dựng các tiêu chí nông thôn mới và ông rất tâm đắc với cách mà nhiều nơi đưa ra để huy động nguồn lực từ sức dân. Cách mà đồng chí Nguyễn Văn Đua thường gọi, đó là tạo “vốn mồi”.

Ở những nơi người dân có điều kiện như tại các xã Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), Bình Mỹ, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Nhơn Đức, Phước Kiểng (huyện Nhà Bè), Lý Nhơn (huyện Cần Giờ)…, các tiêu chí đường giao thông, nhà ở, trường học, công trình cơ sở vật chất văn hóa xã hội đều do người dân tự nguyện bỏ tiền của, công sức ra làm trước, sau đó nhà nước chi thêm kinh phí vào. Có những tuyến đường như ở xã Thái Mỹ, Xuân Thới Thượng, kinh phí nhà nước bỏ ra chỉ chiếm hơn 20%, còn lại đều do sức dân đóng góp.

Để có nguồn “vốn mồi” này, nhiều nơi đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với người dân theo phương thức: chính quyền tạo cơ chế, chính sách, thủ tục, hướng dẫn cách làm; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia vận động. Với cách làm này đã tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền và người dân trong việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, làm cho cộng đồng dân cư thấy được lợi ích thiết thực của đời sống, sinh hoạt được nâng lên và cùng nhau góp công, góp sức hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Hình thành vùng nuôi tôm tại xã nông thôn mới Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng từ người dân và các tổ chức tín dụng, góp phần nâng cao đời sống người dân và làm thay đổi vùng nông thôn ngoại thành TPHCM Ảnh: HOÀI NAM

Ở một cách làm khác cũng từ nguồn “vốn mồi” được nhiều nơi thực hiện đạt hiệu quả cao, đó là hỗ trợ nguồn vốn vay cho người dân tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho cộng đồng dân cư, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Trong đó, huyện Cần Giờ được cho là địa phương tiêu biểu của cách làm này.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng, hàng năm huyện huy động vốn vay cho khoảng 1.500 hộ dân với 700 tỷ đồng, trong đó có gần 400 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất. Tính ra, 1 đồng vốn hỗ trợ của nhà nước thu hút được 32 đồng vốn từ xã hội, trong đó 20 đồng từ các tổ chức tín dụng và 12 đồng vốn của người dân.

Cả xã hội cùng chung tay

 

Tính bình quân số tiêu chí đạt chuẩn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, TPHCM đạt được 18,9/19 tiêu chí, tăng 12 tiêu chí so với thời điểm triển khai xây dựng đề án nông thôn mới tại các xã.

 

Ngay khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, TPHCM đã phát động phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” và đã huy động được nguồn lực xã hội to lớn từ nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, tạo thành một hoạt động rộng khắp, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Tính đến nay đã có 19 quận, 25 đảng ủy cấp trên cơ sở và tổng công ty, đơn vị, tổ chức của thành phố ký kết các chương trình hợp tác với các xã nông thôn mới, giá trị thực hiện lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Qua phong trào đã cho thấy cả xã hội cùng vào cuộc với một trách nhiệm cao nhất, tham gia vào từng phần việc có ý nghĩa, không chỉ giúp người, giúp từng địa bàn dân cư nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao mức sống, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tế, mà còn góp phần quan trọng nâng chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đáng chú ý là những chương trình hỗ trợ dân các xã ngoại thành của Tổng Công ty Điện lực TPHCM, trong 5 năm đã triển khai nhiều dự án với tổng giá trị lên đến gần 500 tỷ đồng. Trong đó có công trình đưa điện lưới quốc gia (cáp ngầm vượt biển và cáp nổi vượt sông) về các đảo thuộc xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) và kéo đường dây hạ thế, đi dây, lắp đặt đồng hồ điện miễn phí cho hàng ngàn hộ dân thuộc các xã của huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Nhiều điểm dân cư chỉ có vài hộ dân nằm sâu trong những cánh rừng ngập mặn của huyện Cần Giờ đã có điện lưới về đến tận nơi; nhiều điểm sinh hoạt văn hóa, nhiều lớp học, công trình phục vụ dân sinh ở những địa bàn khó khăn của huyện Nhà Bè, Bình Chánh được xây dựng, không chỉ tạo bộ mặt nông thôn mới, mà còn làm thay đổi căn bản đời sống, sản xuất, sinh hoạt cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống ngày càng khá giả.

Một bài học kinh nghiệm khác được rút ra từ thực tế xây dựng nông thôn mới ở các địa phương của TPHCM, đó là chuỗi liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước) trong các chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong đó vai trò của nhà khoa học (nghiên cứu) với nhà nông (ứng dụng) là cực kỳ quan trọng, giúp cho tiến trình xây dựng mục tiêu nông nghiệp đô thị được đẩy nhanh và sớm hình thành phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn ngoại thành TPHCM hiện nay và những năm tới.

“Sự đồng lòng, thống nhất cao của người dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới đã thể hiện qua việc huy động được 19.650 hộ dân hiến 2.014.690m2 đất và 1.455,220 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa…”.

TRẦN NGỌC HỔ
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục